Theo Neowin, tên lửa đẩy GSLV MkIII-M1 vừa được phóng từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan ở Sriharikota mang theo Chandrayaan-2 - sứ mệnh thám hiểm thứ hai trong chương trình không gian Chandrayaan của Ấn Độ.
Chandrayaan-1 được phóng lên vào ngày 22.10.2008. Với Chandrayaan-2, Ấn Độ sẽ gửi một tàu đổ bộ xuống bề mặt của mặt trăng, nơi robot tự hành sẽ tiến hành phân tích hóa học tại chỗ trước khi gửi dữ liệu trở lại Trái đất.
Nếu việc hạ cánh và robot tự hành hoạt động suôn sẻ, Ấn Độ sẽ là quốc gia thứ tư thực hiện thành công việc hạ cánh một tàu đổ bộ (có tên Vikram) trên mặt trăng sau Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc. Theo kế hoạch, Vikram sẽ hạ cánh ở một vùng đồng bằng cao giữa hai miệng núi lửa - Manzinus C và Simpelius N vào ngày 7.9.2019.
Một khi tàu đổ bộ đặt chân lên bề mặt, giai đoạn thứ ba và cuối cùng của sứ mệnh liên quan đến robot tự hành (có tên Pragyan), với kế hoạch ra khỏi tàu đổ bộ và tiến hành thí nghiệm trong 14 ngày. Tàu đổ bộ Vikram cũng dự kiến sẽ tiếp tục hoạt động trong 14 ngày nữa trước khi nhiệm vụ kết thúc. Trong khi đó, nhiệm vụ của trạm quỹ đạo sẽ kéo dài lâu hơn đáng kể, với thời gian lên đến 1 năm.
ISRO có sứ mệnh thứ ba được lên kế hoạch cho chương trình Chandrayaan mang tên Chandrayaan-3. Họ có thể hợp tác với Nhật Bản trong nhiệm vụ, nhưng các mục tiêu khác của ISRO vẫn chưa được xác định. Theo kế hoạch, Chandrayaan-3 sẽ bắt đầu thực hiện nhiệm vụ vào năm 2024.
Bình luận (0)