Sau nhiều năm trì hoãn, trong tháng 8, hải quân Ấn Độ sẽ tiếp nhận INS Kalvari, chiếc đầu tiên của lớp tàu ngầm tấn công siêu tàng hình. Theo tờ The Economic Times, sự kiện đưa vào biên chế tàu ngầm điện - diesel do Pháp thiết kế này đánh dấu cột mốc mới trong nỗ lực củng cố lực lượng tác chiến trong lòng biển, vốn bị đánh giá là yếu kém trong quá khứ. Đây cũng là một phần trong chương trình tăng cường sức mạnh của hải quân Ấn Độ giữa lúc tàu ngầm Trung Quốc xuất hiện ngày càng thường xuyên tại khu vực vịnh Bengal cũng như quần đảo chiến lược Andaman và Nicobar.
Hiện Ấn Độ có 15 tàu ngầm so với gần 60 tàu của Trung Quốc. Bloomberg dẫn báo cáo mới nhất của Lầu Năm Góc về quân sự Trung Quốc dự báo đến năm 2020, nước này nhiều khả năng sẽ sở hữu từ 69 - 78 tàu ngầm.
Từ năm 1996 đến năm 2012, hạm đội tàu ngầm tấn công Ấn Độ bị thu nhỏ từ 21 xuống còn 13 chiếc chạy bằng điện - diesel do thất bại trong kế hoạch bổ sung tàu mới. Tuổi trung bình của 13 tàu này, chủ yếu gồm tàu lớp Kilo mua từ Nga và tàu HDW do Đức sản xuất, ít nhất 20 năm nhưng do thiếu thốn nên New Delhi phải tiến hành tân trang để kéo dài thời gian phục vụ đến năm 2025. Vào tháng 4.2012, hải quân Ấn Độ lần đầu tiên được trang bị tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là chiếc INS Chakra thuê từ Nga trong vòng 10 năm. Đây thực chất cũng là tàu cũ thuộc lớp Akula đã phục vụ trong quân đội Nga từ năm 1993. Vì thế, INS Kalvari sẽ là sự bổ sung hết sức cần thiết cho đội tàu ngầm tấn công nhanh của Ấn Độ. Được Tập đoàn Naval Group của Pháp thiết kế dựa theo lớp Scorpene, tàu này có năng lực tàng hình vượt trội, có khả năng duy trì khả năng tránh thoát theo dõi hiệu quả trong các vùng biển nhiệt đới cũng như lặn sâu hơn các tàu điện - diesel thế hệ trước. Theo The Economic Times, INS Kalvari là chiếc đầu tiên trong số 6 tàu lớp Kalvari được sản xuất theo hợp đồng 3,7 tỉ USD giữa Naval Group và Tập đoàn đóng tàu Mazagon Dock Shipbuilders Ltd. của Ấn Độ.
Một con bài chủ lực khác dưới lòng biển của Ấn Độ là tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo INS Arihant đã được biên chế vào tháng 8.2016. Có độ choán nước khoảng 6.000 tấn, tàu có khả năng phóng tên lửa đạn đạo.
K-15 với tầm bắn dao động từ 750 - 1.000 km, tên lửa K-4 (3.500 km) đang được thử nghiệm, tên lửa hành trình Nirbhay và tên lửa siêu thanh BrahMos. Nhờ sự hỗ trợ từ hệ thống vệ tinh nên K-4 loại bỏ được nguy cơ sơ suất phát sinh từ hệ thống dẫn đường theo quán tính và được giới chuyên gia quân sự đánh giá cao về độ chính xác. Sắp tới, tên lửa này sẽ trở thành một trong những vũ khí chủ lực cho 3 tàu lớp Arihant thế hệ mới đang được phát triển, vốn sẽ lớn hơn và hiện đại hơn cả tàu INS Arihant hiện nay. Chẳng hạn như tàu INS Aridhaman sẽ có 8 ống phóng tên lửa so với 4 của “đàn anh”.
Hơn nữa, Ấn Độ đang hướng tới phát triển một lớp tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo thế hệ mới có kích cỡ lớn hơn và hoạt động bằng lò phản ứng thuộc phiên bản mới hơn so với lớp Arihant. Chiếc đầu tiên tạm gọi là S-5 dự kiến sẽ hạ thủy vào giữa thập niên 2020. Chuyên trang The Diplomat dẫn các nguồn tin quốc phòng cấp cao tiết lộ S-5 và “đồng đội” sẽ mang hệ thống tên lửa gắn 4 đầu đạn dẫn đường độc lập tầm bắn hơn 6.000 km. Song song đó, chính quyền New Delhi cũng đã phê chuẩn kế hoạch đóng 6 tàu ngầm tấn công hạt nhân mới. Tất cả sẽ tạo thành lực lượng hùng mạnh tung hoành dưới mặt nước Ấn Độ Dương cũng như thực hiện các sứ mệnh bảo vệ lợi ích của Ấn Độ tại những vùng biển khác như tuần tra duy trì tự do hàng hải.
Bình luận (0)