Tháng 8.2010, các dự án thu hồi đất nông nghiệp để xây dựng đường cao tốc thu phí có tên Yamuna dẫn đến ngôi đền nổi tiếng Taj Mahal của chính quyền bang Uttar Pradesh với mức đền bù không thỏa đáng khiến nông dân địa phương nổi giận. Họ phong tỏa công việc xây dựng đường cao tốc để phản đối giá đền bù bị cho là rẻ mạt. Sự phẫn nộ càng bùng phát mạnh khi nhà đầu tư tư nhân bắt đầu bán căn hộ trong dự án phát triển khu dân cư mới quanh con đường nói trên với giá cao hơn nhiều lần so với mức đền bù thu hồi đất.
|
Đỉnh điểm trong đợt phản đối này dẫn đến nhiều cuộc đụng độ với cảnh sát khiến 3 người thiệt mạng, trong đó có một cảnh sát. Các chính trị gia đối lập cũng có mặt tại những cuộc biểu tình để chỉ trích chính quyền tiểu bang.
Áp dụng luật từ thời thuộc địa
Tờ The New York Times nhận xét vụ việc đã phơi bày mặt trái trong cái gọi là “hình mẫu” cho các dự án cơ sở hạ tầng của Ấn Độ. Thực chất đây là sự bắt tay giữa chính quyền và các đối tác tư nhân. Theo đó, chính quyền bang dựa vào điều luật có từ năm 1894, khi Ấn Độ còn là thuộc địa của Anh, để thu hồi đất cho các dự án tư nhân.
Trong trường hợp ở Uttar Pradesh là Công ty Jaypee Infratech. Công ty này đồng ý xây dựng con đường Yamuna trị giá 2,1 tỉ USD để đổi lấy khoảng 2.400 ha đất xung quanh, được hoãn thuế và hưởng nhiều lợi ích khác. Tuy nhiên, nông dân không thể nhượng lại đất cho Jaypee theo giá thị trường mà phải chấp nhận mức đền bù do chính quyền bang ấn định. Mức đền bù này được đưa ra trước khi đất nông nghiệp được chuyển thành đất thương mại.
Ashutosh Varshney, một học giả chuyên về các chính sách đất đai của Ấn Độ ở Đại học Brown, cho hay giá đất nông nghiệp thấp hơn giá đất công nghiệp hay thương mại từ 10 đến 100 lần nên mức đền bù của chính quyền đưa ra ở đây thực chất là rẻ mạt.
Tuy nhiên, theo The New York Times, điều bất ngờ lần này là chính quyền Uttar Pradesh đã nhượng bộ, chấp nhận tăng mức đền bù cho nông dân cùng với khoản trợ cấp hằng năm trong 30 năm. Chính sách mới cũng giúp nông dân có thể mua cổ phần trong các kế hoạch phát triển dân cư dọc theo đường Yamuna và được hứa hẹn sẽ có việc làm liên quan đến dự án này.
Lối ra mới?
Đường cao tốc Yamuna hiện đang tiếp tục được xây dựng. Việc tranh chấp quanh công trình này được giải quyết ổn thỏa cho thấy đã có sự tiến bộ dù nhỏ trong vấn đề xung đột đất đai ở Ấn Độ, một trong những thách thức lớn nhất của nước này.
Mâu thuẫn gay gắt giữa quyền lợi của nông dân với doanh nghiệp tồn tại trong mọi ngóc ngách của xã hội Ấn Độ. Chính phủ thì vẫn đang bế tắc và trì trệ trong việc cải cách luật thu hồi đất đai năm 1894 cũng như nhiều vấn đề bức xúc khác trong xã hội như khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng, giá lương thực tăng cao...
|
Tuy nhiên, dự án đường cao tốc Yamuna cho thấy một xu hướng mới ít nhiều lạc quan. Đó là ngay cả khi chính phủ trì trệ thì các chính quyền địa phương đang dần tiến bộ và cải cách, theo chuyên gia xã hội học Himanshu thuộc Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi. Ông cho rằng điều chủ chốt trong chính sách đất đai mới ở Uttar Pradesh là chính quyền đã công nhận nông dân cần phương kế sinh nhai trong tương lai, chứ không chỉ là được trả “một cục tiền”.
The New York Times dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng về mặt chính trị, bất cứ sự tiến bộ nào ở những bang nghèo của Ấn Độ như Bihar hay Uttar Pradesh cũng có ảnh hưởng sâu sắc đến cả nước, giúp giảm thiểu những bất công nặng nề, vốn là hệ quả của tăng trưởng kinh tế. Tốc độ phát triển của Bihar đã tăng ngoạn mục sau khi Thủ hiến Nitish Kumar cương quyết cải tổ mảng dịch vụ công và trừng trị thẳng tay các hành vi tham nhũng, móc ngoặc.
Giới quan sát tin rằng cạnh tranh chính trị đang thúc đẩy lãnh đạo địa phương tập trung nâng cao hiệu quả quản lý. Cử tri bây giờ đã biết so sánh tính hiệu quả của bộ máy chính quyền bang của mình với các bang lân cận.
Bang Uttar Pradesh với gần 200 triệu dân là một trong những nơi nghèo nhất nước và lâu nay ngập trong các cáo buộc tham nhũng. Thủ hiến Mayawati từng chi hàng triệu USD công quỹ để dựng tượng chính mình. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho chiến dịch tái tranh cử vào năm tới, bà dường như đã chú trọng hơn đến các dự án phát triển và xoa dịu bức xúc của dân, như dự án mở rộng nguồn cung ứng năng lượng èo uột của bang hay chính sách đất đai mới.
Giới chức Uttar Pradesh, thoạt đầu bị chỉ trích nặng nề trong vụ đường cao tốc Yamuna, giờ đây có thể tự hào rằng chính sách đất đai của họ là chưa từng có ở Ấn Độ. The New York Times dẫn lời một phát ngôn viên của chính quyền bang tuyên bố: “Đây là chính sách đất đai hào phóng nhất trong nước. Đây không chỉ là đền bù mà còn là hồi phục. Trong một số trường hợp, người dân bị mất tất cả đất đai, vì vậy họ phải được cung cấp một phương cách kiếm sống thay thế nào đó”.
Ngọc Trung
Bình luận (0)