Ấn Độ trong cơn khát Uranium

22/09/2009 00:13 GMT+7

Ấn Độ đang đẩy mạnh chiến lược "ngoại giao uranium" khắp thế giới để có thêm nguồn nhiên liệu hạt nhân phục vụ nhu cầu năng lượng khổng lồ của nước này.

Tuần qua, Ấn Độ đã ký thỏa thuận năng lượng hạt nhân dân sự với Mông Cổ vốn sẽ giúp quốc gia Nam Á tiếp cận nguồn tài nguyên uranium từ xứ sở của thảo nguyên. Theo hãng tin Bloomberg, thỏa thuận đạt được trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mông Cổ Tsakhiagiin Elbegdorj và sau cuộc đàm phán giữa ông này với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh. Đổi lại, Mông Cổ sẽ nhận được khoản vay 25 triệu USD từ Ấn Độ, theo trang tin Uraniuminvestingnews.com.

Thỏa thuận trên là động thái mới nhất của Ấn Độ trong nỗ lực vận động đối tác mới cũng như bạn bè lâu năm nhằm tăng cường nguồn cung cấp uranium cho các nhà máy điện hạt nhân đã, đang và sẽ được xây dựng ở nước này. Theo chiến lược được công bố hồi cuối tháng 8, Ấn Độ sẽ vươn tới Mông Cổ, Namibia, Kazakhstan, bên cạnh các đồng minh truyền thống như Nga trong cuộc tìm kiếm loại nguyên liệu không thể thiếu trong việc sản xuất năng lượng hạt nhân.

Tăng cường nguồn cung

Hiện tại, năng lượng hạt nhân chỉ chiếm 3% tổng sản lượng năng lượng của Ấn Độ, nhưng nước này đã đặt mục tiêu tăng gấp đôi sản lượng nhằm đạt mức 10.000 megawatt vào năm 2012. Các số liệu chính thức cho thấy đến năm 2030, Ấn Độ có thể sản xuất 60.000 megawatt điện hạt nhân. Theo trang tin Uraniuminvestingnews.com, Ấn Độ hiện có 17 lò phản ứng đang hoạt động, 6 lò đang được xây dựng, 23 lò khác dự kiến đi vào hoạt động trong vòng 10 năm tới.

Dù dự trữ quặng uranium mà Ấn Độ hiện có ước khoảng 70.000-100.000 tấn, nhưng theo S.K.Malhotra, phát ngôn viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Ấn Độ, số quặng đó là "quá nhỏ bé khi xét đến nhu cầu năng lượng khổng lồ" của một quốc gia đang phát triển với hơn 1 tỉ dân. Trò chuyện với hãng tin AFP, ông Malhotra nói rằng quặng uranium của Ấn Độ cũng không có chất lượng tốt lắm, và đó là lý do tại sao nước này phải nhập khẩu uranium. Bên cạnh đó, những nỗ lực tìm kiếm nguồn dự trữ quặng mới trong nước cũng gặp không ít khó khăn do nạn quan liêu giấy tờ cũng như sự phản đối của các tổ chức bảo vệ môi trường.

Bằng chứng của việc khởi động chiến lược "ngoại giao uranium" của New Delhi bắt đầu vào cuối tháng trước khi Ấn Độ đón tiếp Tổng thống Namibia Hifikepunye Pohamba. Đại diện quốc gia châu Phi nói trên đã ký một thỏa thuận bán uranium cho Ấn Độ cũng như cho phép Ấn Độ đầu tư khai thác khoáng sản. Namibia là một trong những nước sản xuất uranium hàng đầu thế giới, chỉ xếp sau Canada, Kazakhstan và Úc, với sản lượng chiếm 10% tổng sản lượng toàn cầu. 

Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil cũng đã có chuyến thăm kéo dài 10 ngày đến quốc gia Trung Á Tajikistan, nước cung cấp nhiên liệu hạt nhân và cũng tham gia vào việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở Ấn Độ. "Tajikistan đang tìm kiếm đối tác khai thác uranium và Ấn Độ xem đây là một cơ hội", một quan chức cao cấp của chính quyền tại New Delhi cho biết. Ấn Độ hiện đã ký các thỏa thuận nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân với Pháp và Nga.

Đối thủ cạnh tranh

Những động thái kể trên diễn ra sau khi Ấn Độ đạt được thỏa thuận có tính bước ngoặt với Mỹ hồi năm ngoái, dẫn tới việc bãi bỏ lệnh cấm mua bán công nghệ hạt nhân dân sự kéo dài 34 năm qua đối với quốc gia Nam Á. Ấn Độ cũng là trường hợp ngoại lệ hiếm hoi khi được Nhóm các nước cung cấp hạt nhân (NSG), một tổ chức gồm 46 nước chuyên kiểm soát thương mại hạt nhân toàn cầu, cho phép mua nhiên liệu và nhà máy điện hạt nhân nhằm tăng sản lượng điện. NSG thường chỉ cho phép bán những mặt hàng trên cho các nước đã ký hiệp định cấm phổ biến hạt nhân, trong khi Ấn Độ lại chưa ký hiệp định này.

Thành quả đầu tiên mà New Delhi có được kể từ khi lệnh cấm vận được bãi bỏ là Nhà máy điện nguyên tử Rajasthan với công suất 200 megawatt được tái khởi động vào cuối tháng 8, sử dụng nguồn uranium do Pháp cung cấp. Nhà máy ở miền tây Ấn Độ này là một trong 17 lò phản ứng đang hoạt động ở quốc gia Nam Á nhưng đã phải đóng cửa trong một năm do thiếu nhiên liệu.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết nước này muốn hoàn tất các thỏa thuận về uranium, phù hợp với chính sách của New Delhi muốn sử dụng kết hợp các nguồn năng lượng như điện mặt trời, thủy điện và điện hạt nhân bên cạnh nguồn năng lượng từ dầu khí và than đá. "Nhu cầu về năng lượng của Ấn Độ rất lớn, vì thế chúng tôi cần khai thác mọi nguồn năng lượng. Việc chúng tôi săn lùng nhiên liệu hạt nhân không có nghĩa chúng tôi từ bỏ việc tìm kiếm nguồn năng lượng từ dầu mỏ và khí đốt. Các nỗ lực này được tiến hành cùng lúc".

Tuy nhiên, việc tìm kiếm tài nguyên là một thách thức đối với Ấn Độ vì đối thủ Trung Quốc đã vượt qua Ấn Độ trong nỗ lực vươn tới châu Phi, Trung Á và Myanmar. Thay vì tìm kiếm thỏa thuận với các quốc gia sản xuất uranium như Ấn Độ đã và sẽ làm, chiến lược của Trung Quốc bao gồm việc mua lại cổ phần ở các công ty khai thác uranium. Tại Mông Cổ hay Namibia, Ấn Độ sẽ phải cạnh tranh với nhiều công ty của Trung Quốc, Nga và phương Tây vốn đang để mắt tới nguồn tài nguyên này trong bối cảnh chính phủ các nước tăng cường đầu tư vào năng lượng hạt nhân. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế dự đoán sẽ có thêm ít nhất 70 nhà máy điện hạt nhân được xây dựng trên thế giới trong 15 năm tới.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.