Hai người sống với nhau như vợ chồng được ba năm. Ông có thiện chí tặng cô 10 lượng vàng ròng, cái để làm vốn, cái để đeo chơi cho cuộc sống lóng lánh thêm một chút. Vàng của bổn hiệu được đóng dấu riêng hẳn hòi, đúng 9,8 tuổi, phân lượng đầy đủ. Quả là một thứ vàng danh trấn giang hồ.
Vàng lên tiếng
Ba năm sau, cô gái quen biết và chung sống như vợ chồng với một thanh niên khác. Ông chủ tiệm vàng và cô gái lặng lẽ chia tay. Trong buổi đầu xây dựng tổ ấm, cô gái chợt muốn mua cái tivi. Cô đưa cho anh thanh niên một lượng vàng bảo đi bán lấy tiền, bởi có tiền mới có tivi. Sách vở dạy vậy.
Chàng thanh niên cầm lượng vàng, xem địa chỉ bổn hiệu thấy cũng gần nhà bèn đến đó bán cho chắc ăn. Người đứng sau quầy phụ trách mua bán vàng là cô con gái út của ông chủ tiệm. Cô gái út xem lượng vàng, chê: “Vàng này non, không đủ tuổi”.
Anh thanh niên nói: “Cái gì? Cô nói làm sao vậy? Vàng này đóng hiệu của tiệm cô mà không đủ tuổi hả? Ở nhà còn có bảy, tám lượng vậy nữa đó”.
Thiệt là một tiết lộ trật bàn đạp! Cô gái út bắt đầu điều tra: “Anh mua làm của hay sao mà nhiều vậy?”. Anh thanh niên: “Tôi đâu có mua. Của người ta cho em gái tôi mấy năm vừa rồi đó”.
Việc mua bán vàng xong, khách ra đi. Cô gái út giở sổ sách mua bán năm ngoái năm xưa ra xem, thấy chẳng có ai mua của tiệm vàng nhà mình cả chục lượng. Và cô chợt hiểu ông già tía đã lấy vàng “kính tặng” cô gái nào đó!
Cô đem phát hiện rùng rợn ấy thỏ thẻ với mẹ. Bà già nổi xung thiên, thủ sẵn một con dao yếm bén ngót. Điều may mắn là sáng đó ông chủ tiệm vàng đi nhậu bên một thị trấn khác, không về ăn trưa.
Chiều ấy, ông về. Hơi men chếnh choáng khiến ông vừa cởi chiếc quần tây vừa cao hứng ca hát râm ran: “Nhớ ai mà ánh đèn hiu hắt, lá vàng nhè nhẹ rơi, mỗi mùa tiễn đưa một người”. Nghe tiếng ca, bà nhìn từ nhà bếp ra. Thấy chồng về, lại nghe mỗi mùa tiễn đưa một người thì nhiều quá nên cơn giận của bà bùng lên.
Bà cầm con dao yếm lướt tới định... tiền trảm hậu tấu. Cô gái út hoảng quá la lên: “Tía ơi, má chém tía đó!”.
Tuy chưa hiểu lý do gì nhưng ông vẫn nhận ra rằng vợ mình cầm con dao lướt tới không được thân thiết và dịu dàng cho lắm. Ngặt một nỗi lúc mới vào nhà, theo quán tính ông lại đóng cổng. Mà đưa tay mở cổng thì không đủ thì giờ tránh chiêu đao pháp “thương tùng nghinh khách” của bà vợ.
Bức tường rào nhà ông kiên cố, xây cao một thước rưỡi. Lần đầu tiên, một số bà con ở đường X, thành phố C được chứng kiến hình ảnh một người nghiệp dư trên 60 tuổi, nặng khoảng sáu mươi mấy ký, cái bụng không thể gọi là thon thả, nhảy một cái ào qua khỏi tường rào nhà mình như một vận động viên nhảy cao chuyên nghiệp.
Bà già không rượt chém được chồng đành đứng trong sân mở hết công suất phóng thanh, chửi mấy tràng ngôn ngữ Việt - Hán lộn xộn.
Đây nói về ông. Nhảy ra khỏi nhà ông đành đi lang thang qua những đường phố với mình trần, chân đất. Có tiếng xe rà một bên, tưởng xe ôm ông không thèm quay nhìn. “Trời ơi, tía đi đâu vậy?”. Ông ngẩng lên. Hóa ra là người con trai lớn. Ông đáp: “Đi đâu thì kệ tao. Mầy hỏi làm giống gì?”. Người con: “Thôi, tía về đi. Lên đây con chở tía về”. Ông chủ: “Về sao được. Má mầy rượt chém tao. Ngu sao về, mầy?”. Nói xong ông đi thẳng.
Chuyện vỡ lở khi bà làm đơn thưa lên công an phường. Thiếu tá trưởng công an phường lắc đầu: “Vụ việc này thuộc gia đình, cơ quan công an không can thiệp được. Ông nhà cho thì cô ấy nhận vậy thôi. Cổ không phạm tội gì hết”. Bà thở một cái khì, bèn lui ra.
Hai cục vàng khò
Ngày 1-1-2002 trong đời ông L.T.Đ., chủ một tiệm vàng ở thị xã Rạch Giá (Kiên Giang), là một ngày xúi quẩy hết biết. Ông cưỡi chiếc xe Suzuki mang theo hai cục vàng khò (vàng chưa tinh chế) cả thảy 46 lượng bảy chỉ, đến thành phố Long Xuyên (An Giang).
Hai cục vàng khò được gói trong giấy báo, để trong túi vải, phía ngoài có bọc nilông. Ông Đ. lên Long Xuyên đổi số vàng này ra nữ trang, bán trong dịp tết 2002. Thế nhưng, khi đến khu vực ấp Hòa Tây B (xã Phú Hòa, Thoại Sơn, An Giang), ông Đ. không nỡ... xa nơi này.
Ông ghé vào quán của K.T. uống nước. Khu vực này nằm trên đoạn 10 cây số vui vẻ, yến hót oanh ca, lơ thơ tơ liễu. Nhiều động mại dâm bình dân hoạt động thường xuyên, thường được gọi là xóm Liều.
Thôi thì cũng nên vui vẻ tí chút. Từ đây qua Long Xuyên chỉ có vài chục cây số, vội vàng chi khách đa tình ơi! Ông Đ. bèn gửi chiếc xe cho chủ quán nước KT rồi tìm đến một động cách đó khoảng 50m để... giải sầu.
Rủi sao hôm ấy Công an xã Phú Hòa ra quân chống mại dâm. Các anh truy quét xóm Liều. Ông chủ Đ. bị bắt quả tang đang làm việc “xóa đói giảm nghèo” cho em út, bị đưa về trụ sở công an xã làm việc.
Đây nói về chủ quán KT. Thấy ông Đ. bị bắt, K.T. bèn đem bọc nilông (có đựng 46,7 lượng vàng) của ông để trên bộ ván ngựa nhà mình. K.T. lại nhờ bà N. dẫn xe của ông Đ. gửi qua nhà hàng xóm. Làm xong các việc, K.T. lên trụ sở công an xã nghe ngóng tình hình, xem họ xử lý ông Đ. ra sao. Riêng bà N. gửi xe xong, quay trở về thì gặp bà T., hai bà thấy bọc đồ để trên bộ ván ngựa (của nhà K.T.) thì tò mò mở ra coi.
Họ tá hỏa tam tinh khi thấy hai cục vàng khò to tổ nái. Phen này thì đại phát tài. Họ bèn tranh nhau chiếm giữ. Bà N. nói dõng dạc: “Tao nhìn thấy trước nên tao có quyền mang hai cục vàng về nhà cất”.
Chiều đó, K.T. về mới biết tin bà N. và bà T. tìm thấy vàng trong bọc đồ của ông Đ.. Ức lòng, bà chủ quán K.T. liền đến nhà bà N. yêu cầu chia cho một cục (không rõ trọng lượng). Bà N. còn lấy dao chặt vàng chia cho bà T. một miếng.
Sáng hôm sau, bà T. mang miếng vàng đi cân được 1,4 lượng. Bà N. mang cục vàng đi cân được 17,3 lượng, đổi ra vàng nữ trang chia thêm cho bà T. ba lượng. Nói chung, nhờ của chùa nên ai cũng phát tài, có phần.
Bị tạm giữ một đêm, sau khi nộp phạt hành chính xong, ông Đ. trở lại nhà K.T. lấy xe thì thấy mất bọc vàng bèn đi báo công an. Cả ba người đàn bà đều bỏ trốn. Được sự động viên của công an, họ ra trình diện, giao nộp nhiều lần tổng cộng được 38,2 lượng vàng và 4,5 triệu đồng.
Phần còn lại là 7,588 lượng vàng chưa thu hồi được.
Trong phiên xử vụ trộm vàng, ba lần tòa hỏi ông Đ. muốn giải quyết thế nào về số vàng bị thất thoát, ông Đ. vẫn không yêu cầu các bị cáo trả lại số vàng ấy.
Ông nói: “Thưa quý tòa, tôi hổng dám kêu nài thêm. Coi như là tôi bị xui. Xin cảm ơn quý tòa, bảy lượng rưỡi đó coi như... thí cô hồn”. Vì vậy, tòa không đề cập đến trách nhiệm dân sự (bồi thường) của các bị cáo.
Hú hồn hú vía ông Đ.!
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)