* Kiến nghị làm rõ trách nhiệm lãnh đạo Sở
|
Tại phiên tòa lần này, ông Nguyễn Thành Đông (Giám đốc) và bà Lê Thị Hải Yến (Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.Cần Thơ) đã được HĐXX triệu tập đến tòa với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan, nhưng lại tiếp tục có đơn xin vắng mặt như ở phiên xử sơ thẩm.
Quy kết 4,1 tỉ, “thực nhận” 700 triệu ?
Được HĐXX cho phép trình bày nội dung kháng cáo, bị cáo Phạm Thanh Dũng (60 tuổi, nguyên Phó trưởng phòng Hành chính - Tư pháp, Sở Tư pháp TP.Cần Thơ) xin xem xét lại số tiền đã bị quy kết nhận hối lộ. Bị cáo Dũng cho rằng án sơ thẩm quy kết bị cáo nhận hối lộ trên 4,1 tỉ đồng và phải một mình chịu trách nhiệm là không đúng, vì không phải bị cáo được hưởng một mình mà phải chia cho ban giám đốc và các cán bộ khác của Sở Tư pháp.
Cụ thể bị cáo Dũng khai, vào chiều thứ sáu hằng tuần, bị cáo phải thống kê các hồ sơ đã được “giải quyết” để đến thứ hai đầu tuần chia tiền cho ông Đông và ông Hoàng (Phó giám đốc). Theo bị cáo Dũng, ông Đông được chia tổng cộng 1,5 tỉ đồng, ông Hoàng 1,25 tỉ đồng, 3 nhân viên trực tiếp phỏng vấn được chia trên 550 triệu đồng và bản thân bị cáo “chỉ thực nhận” trên 700 triệu đồng.
Chủ tọa hỏi “có bút tích gì” chứng minh việc đã chia số tiền nhận hối lộ hằng tuần không, bị cáo Dũng nói không có. “Do bị cáo không có bút tích gì để lại nên không thể chứng minh được việc chia tiền cho người khác, đồng thời chẳng ai dại gì chịu nhận mình đã nhận tiền của bị cáo. Tuy nhiên, HĐXX cũng hiểu rằng, hành vi nhận hối lộ của bị cáo không thể thực hiện được trong một thời gian dài mà không bị phát hiện, nếu không có sự đồng tình của cấp trên. Vấn đề này trong phần nghị án, HĐXX sẽ xem xét”, chủ tọa nói.
Khi trả lời câu hỏi của vị đại diện Viện KSND giữ quyền công tố về “quy trình” nhận hối lộ, bị cáo Dũng cho biết từ tháng 4.2009, bị cáo được phân công phụ trách lĩnh vực hộ tịch có yếu tố nước ngoài, với nhiệm vụ cụ thể là tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra và tổ chức phỏng vấn đối với hồ sơ kết hôn có yếu tố nước ngoài để đề xuất lãnh đạo Sở công nhận và trình cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Đến tháng 12.2009, Phòng Hộ tịch, quốc tịch và lý lịch tư pháp đổi tên thành Phòng Hành chính - Tư pháp.
|
“Luật ngầm” đăng ký kết hôn
Theo quy định, các trường hợp xin kết hôn với người nước ngoài và ghi chú kết hôn phải được Sở Tư pháp, cụ thể là Phòng Hành chính - Tư pháp thẩm tra hồ sơ, làm rõ sự tự nguyện kết hôn, mức độ hiểu biết lẫn nhau và khả năng giao tiếp giữa hai bên nam, nữ…
Vì vậy, trong quy trình xem xét kết hôn có nội dung quan trọng là phỏng vấn trực tiếp đương sự tại trụ sở. Với chức năng được giao, bị cáo Dũng đã tự đặt ra “luật ngầm” và câu kết với một số đối tượng tại TP.HCM và Cần Thơ để nhận tiền, nhằm giải quyết các trường hợp kết hôn và ghi chú kết hôn nhanh chóng theo yêu cầu. Cụ thể, để làm thủ tục và sắp xếp phỏng vấn đạt, mặc dù có những trường hợp tuổi tác chênh lệch, thời gian tìm hiểu quá ngắn hoặc giao tiếp chung không đạt…, mỗi hồ sơ ghi chú kết hôn phải chi tiền cho Dũng từ 250 - 350 USD, mỗi hồ sơ đăng ký kết hôn phải chi từ 350 - 500 USD. Riêng trường hợp bị dị tật, hoặc từng ly hôn, trong đó việc chênh lệch từ 24 tuổi trở lên phải chi thêm 100 USD cho 1 tuổi chênh lệch. Nếu không chi tiền thì thời gian giải quyết hồ sơ sẽ bị kéo dài, phải phỏng vấn lại nhiều lần… gây khó khăn cho đương sự.
Sau khi nghị án, HĐXX phúc thẩm đã quyết định bác đơn kháng cáo, tuyên giữ nguyên hình phạt tù chung thân đối với bị cáo Dũng về tội nhận hối lộ, 1 năm tù về tội tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, tổng hợp hình phạt là chung thân. HĐXX cũng kiến nghị các ngành chức năng làm rõ dấu hiệu thiếu trách nhiệm của lãnh đạo Sở Tư pháp Cần Thơ trong việc để xảy ra vụ tiêu cực trên.
Mai Trâm
Bình luận (0)