Ăn, ngủ cùng vàng - Bài 3: Chiến thuật đầu tư

01/04/2009 00:33 GMT+7

Theo các chuyên gia, để hạn chế rủi ro trong đầu tư vàng, ngoài việc phải biết phân tích cơ bản, nhà đầu tư (NĐT) cần có chiến thuật hợp lý cũng như sử dụng linh hoạt các công cụ đang áp dụng trên thị trường hiện nay.

Từ “đối ứng” đến “rải đinh”

Theo ông Huỳnh Trung Khánh - Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam: Các ngân hàng, tổ chức được phép kinh doanh vàng qua tài khoản ở nước ngoài sẽ hạn chế được các rủi ro trong kinh doanh vàng rất nhiều. Họ có thể đánh “đối ứng” thị trường trong và ngoài nước. Khi giá vàng trong nước thấp hơn nước ngoài, họ mua vàng trong nước và đặt lệnh bán ở thị trường thế giới hoặc ngược lại. Chính vì vậy mà tính thanh khoản trên thị trường vàng trong nước cao dù thị trường xuất hiện toàn lệnh bán hay lệnh mua. Bà Nguyễn Ngọc Quế Chi - Tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Sacombank (SBJ) cho rằng: “Việc đánh đối ứng chỉ có thể thực hiện khi giá vàng trong và ngoài nước có chênh lệch. Khi giá vàng trong và ngoài nước xích lại gần nhau thì các ngân hàng, tổ chức sẽ thực hiện đóng trạng thái”.

Còn NĐT cá nhân hiện nay, theo ông Huỳnh Trung Khánh, chưa thực hiện được việc đánh đối ứng ra nước ngoài giống như các tổ chức. Tuy nhiên, NĐT cá nhân có thể hạn chế được rủi ro bằng cách đánh “đối ứng” qua các trung tâm vàng trong nước thông qua chênh lệch giá giữa các trung tâm. Chẳng hạn ngày 25.3, giá vàng giao dịch tại Trung tâm giao dịch vàng SBJ có lúc 19,812 triệu đồng/lượng. Cùng thời điểm, giá giao dịch tại SJC-Eximbank là 19,885 triệu đồng/lượng, Trung tâm giao dịch vàng Ngân hàng Việt Á là 19,886 triệu đồng/lượng, VGB là 19,863 triệu đồng/lượng...

Dù có chiến thuật đầu tư khôn ngoan đến đâu nhưng một lỗ hổng có thể gây rủi ro cho NĐT hiện nay là khung pháp lý chưa được ban hành. Các trường hợp tranh chấp giữa NĐT với trung tâm giao dịch vàng đã xảy ra và NĐT luôn là người phải chịu thiệt khi mạng trục trặc, sập mạng gây thua lỗ, có hiện tượng chèn ép giá...

“Có nhiều chiến thuật mà các NĐT cá nhân có thể thực hiện nhằm hạn chế rủi ro. Khi giá vàng biến động ngược xu hướng, NĐT có thể tiếp tục duy trì xu hướng và đặt lệnh với khối lượng lớn gấp đôi để có được giá trung bình gần với mức giá đặt sau này. Ví dụ, NĐT dự báo giá sẽ xuống nên đặt bán 20 lượng giá 963 USD/ounce, nhưng thực tế giá tiếp tục tăng lên 975 USD/ounce, NĐT đặt thêm lệnh bán 40 lượng. Khi giá thị trường đảo chiều giảm về khoảng 971 USD/ounce, NĐT có thể chốt lời. Trong trường hợp xu hướng thị trường chưa rõ, NĐT có thể cắt lỗ từng phần để cải thiện tỷ lệ ký quỹ” - ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) nhận xét. Một chiêu thức khác, theo ông Trần Thanh Hải, một số NĐT đã bắt đầu thực hiện là “đánh rải đinh”. NĐT vừa đặt lệnh mua, cũng vừa đặt lệnh bán với giá khác nhau theo mức kháng cự hay hỗ trợ. Cách đánh này sẽ thu về lợi nhuận ít nhưng cũng an toàn hơn.

Dừng lỗ, chốt lời

Một số trung tâm vàng trong nước hiện nay đã đưa ra một số lệnh để hạn chế rủi ro cho NĐT. Trung tâm giao dịch vàng Ngân hàng TMCP Phương Nam đưa ra lệnh mua bán ngừng lỗ, còn Trung tâm giao dịch vàng Sacombank-SBJ đưa ra lệnh dừng lỗ, chốt lời. Bà Nguyễn Ngọc Quế Chi cho rằng số lượng NĐT sử dụng các lệnh ngừng lỗ, chốt lời hiện vẫn còn ít. Hầu hết các NĐT đều đóng trạng thái qua đêm và tự họ quyết định mức lời lỗ. Để hạn chế rủi ro, Sacombank-SBJ đưa ra biên độ +/- 1% so với giá tham chiếu đầu ngày và giá khớp lệnh gần nhất trong phiên giao dịch. Trong trường hợp NĐT đặt nhầm giá hoặc nhân viên nhập sai giá vượt biên độ cho phép thì ngay lập tức hệ thống phần mềm giao dịch sẽ cảnh báo.

Trong 2 cách đánh lên (tức vay tiền mua vàng, chờ giá vàng lên bán) và đánh xuống (vay vàng bán, chờ giá vàng xuống mua vào), cách đánh xuống sẽ an toàn hơn cho NĐT. Bởi lãi suất cho vay vàng của các ngân hàng hiện nay khoảng 4 - 4,5%/năm, còn lãi suất cho vay tiền đồng khoảng 9,5 - 10%/năm. Còn lãi suất tiền đồng trên tài khoản là 3%/năm. Khi NĐT vay vàng bán sẽ chịu lãi suất vay là 4,5%/năm nhưng khi thu tiền đồng về thì ngân hàng sẽ trả lãi cho NĐT 3%/năm. Vậy thực tế NĐT sẽ chịu mức lãi 1,5%/năm. Trường hợp giá vàng có biến động ngược xu hướng dự báo thì NĐT cũng còn chịu đựng được. Để tự bảo vệ mình NĐT thường ký quỹ lên 10% thay vì 7% và đưa ra quy tắc lời bao nhiêu sẽ chốt và lỗ bao nhiêu sẽ cắt. Thường thì tỷ lệ lời cao hơn lỗ.

Dự báo giá vàng thế giới

“Kết thúc quý 1, giá vàng thế giới ở mức cao trên 900 USD/ounce. Dự báo đến quý 2, giá vàng thế giới cũng sẽ ở mức cao, dao động từ 850 - 1.000 USD/ounce, có khả năng lên 1.050 USD/ounce. Trong vài ngày tới, G20 sẽ họp để quyết định việc Quỹ tiền tệ quốc tế IMF có bán vàng ra hay không, nhưng việc IMF bán vàng cũng không đơn giản bởi năm 2008 vấn đề này đã được đề cập mà đến nay vẫn chưa thực hiện. Hiện nay Mỹ đã đưa ra gói giải pháp để cứu nền kinh tế. Nhà đầu tư vàng cần theo dõi động thái của Chính phủ Mỹ. Nhiều chuyên gia dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ hồi phục vào cuối năm 2009, cũng có chuyên gia dự báo sang đến năm 2010. Còn tại Việt Nam, giá vàng ngoài ảnh hưởng của tỷ giá, giá thế giới, còn chịu ảnh hưởng từ cung - cầu nội địa. Mặc dù lượng vàng trong dân vẫn còn nhiều nhưng với mức giá hiện nay không ai chịu đem ra bán. Chính vì vậy khi giá thế giới giảm, giá vàng trong nước vẫn đứng “trơ” ra. Bởi thế, giá trong nước mấy ngày gần đây cao hơn giá thế giới khoảng 150.000 đồng/lượng. Trường hợp giá thế giới về mức 900 USD/ounce, giá trong nước đứng hoặc giảm nhẹ so với hiện nay thì rất có khả năng vàng sẽ nhập vào Việt Nam” - ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam

Thanh Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.