Ân nhân của những vong hồn bất hạnh - Mọi người đều bình đẳng

08/07/2010 23:06 GMT+7

Đối với ông Roland Tay, mọi người chết đều như nhau, bất kể họ là lao động nhập cư bất hợp pháp, kẻ giết người, gái bán hoa, người Singapore hay người nước ngoài. >> Bài 1: Chuyện của hai người Việt xấu số >> Bài 3: Nghề mai táng ở Singapore

Những thi thể vô thừa nhận

Ông Tay không nhớ nổi trường hợp đầu tiên được ông mai táng miễn phí. Nhưng ông nhớ chắc là đã cách đây “20 năm có lẻ”. Lục lại trong ký ức, ông kể một trường hợp cách đây rất lâu nhưng ông không bao giờ quên. Khi đó, ông mai táng cùng lúc cho 3 người. Họ là công nhân Thái Lan, trong một cuộc cãi vã đã cùng đánh chết một người. Ngày họ bị treo cổ, không thân nhân nào có mặt, bởi gia đình họ quá nghèo ở những làng quê xa xôi của Thái. Ông Tay đã hỏa táng và gửi 3 hũ tro về cho người thân.

Hồi tháng 5 năm nay, tên ông lại xuất hiện trên Straits Times, tờ báo lớn nhất Singapore, sau khi ông lặng lẽ mai táng cho một công nhân Ấn Độ. Chelladurai Lenin, 42 tuổi, làm việc chui cho một chủ thầu xây dựng người Singapore. Ngày nọ, Chelladurai ngã xuống từ giàn giáo của công trình. Thay vì đưa nạn nhân đi cấp cứu, chủ thầu bỏ mặc ông đến chết rồi vứt xác xuống đường mương vỉa hè gần công trình. Đến gần 10 giờ đêm hôm đó, mấy công nhân phát hiện tử thi và báo cảnh sát.

Vợ con của Chelladurai ở Chennai, Ấn Độ được báo tin nhưng họ không có khả năng sang Singapore. Thi thể người đàn ông xấu số vì thế nằm trong nhà xác đến 30 ngày. Sau đó, một người cùng quê với Chelladurai đang lao động ở Singapore đã gọi đến ông Tay nhờ giúp đỡ. Ông Tay đến nhà xác mang thi thể về, hỏa táng, rồi gửi tro và 3.250 SGD mà ông quyên góp được về Chennai. Ngày nhận được tiền chuyển đến, vợ và 3 con của Chelladurai rất xúc động. Họ chụp ảnh gửi sang cho ông Tay cùng với lời cảm ơn. Còn tro của Chelladurai thì được rải xuống sông theo nghi lễ của đạo Hindu.

Trong khi đó, người chủ thầu cũng bị bắt nhưng rồi được bảo lãnh tại ngoại. Đến nay, chưa có thông tin gì thêm về hình phạt đối với người thuê nhân công bất hợp pháp và bỏ mặc người bị nạn đến chết rồi quẳng xác phi tang.

Gia đình ông Tay cũng đứng sau những đám tang cho các nạn nhân trong các vụ án đình đám. Đó là vụ bé gái 8 tuổi người Trung Quốc bị một thanh niên người Malaysia cưỡng hiếp, giết chết rồi giấu xác trong nhà kho hơn 3 tuần vào năm 2004. Rồi vụ một người đàn ông Singapore hơn 50 tuổi, có vợ con đàng hoàng, giết chết tình nhân là cô gái Trung Quốc 22 tuổi, Lưu Hồng Mai, ngay tại nhà rồi phân thi thể nạn nhân làm nhiều phần vứt khắp Singapore vào năm 2005. Vợ ông Tay đã tìm mọi cách để kết những phần thi thể tìm được thành một cơ thể tương đối đầy đủ trước khi hỏa táng. Thủ phạm trong 2 vụ này đều bị treo cổ.

Một vụ nữa là cô gái Lý Hồng Diễm, 24 tuổi, người Trung Quốc mà ông Tay kể là “rất xinh đẹp”. Đêm 23.3.2010, cô theo đại gia bất động sản Chua Boon Chye, 39 tuổi, về biệt thự triệu đô của ông ta ở khu thượng lưu Sentosa Cove. Sáng hôm sau, người giúp việc nhìn thấy thi thể của Hồng Diễm nổi lềnh bềnh trong hồ bơi nhà ông Chua. Gia đình cô gái ở tỉnh Hắc Long Giang bên Trung Quốc đã bán ruộng đất để mua vé máy bay sang Singapore nhận thi thể và mang tro của con về, sau khi ông Tay tổ chức tang ma và hỏa táng. Về phần mình, theo tin của Straits Times, triệu phú Chua Boon Chye vẫn vô tư đi lại ở Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản... và không trả lời điện thoại của báo chí. Mới đây, đại gia này rao bán căn nhà “ma ám” với giá 15,8 triệu SGD, dưới mức giá thị trường rất nhiều. Đã có người trả giá 15 triệu SGD, trong khi nhiều người khác cũng đang nhắm nhe giá hời với hy vọng khi câu chuyện về xác chết trong hồ bơi bị quên đi thì giá căn nhà sẽ lại lên cao.

Singapore cũng có lắm người nghèo

Ngay trước hôm tôi đến, ông Tay cũng vừa giúp mai táng xong một người đàn ông Singapore, 60 tuổi. Tên ông là Leong Mun Sung, làm vệ sinh ở các quán ăn bình dân. Ông chẳng có con cái hay tài sản gì, ngoài người vợ quốc tịch Trung Quốc thất nghiệp và cũng già như ông. Họ sống với nhau trong căn hộ chung cư thuê ở gần khu Chinatown, chạy ăn từng bữa với thu nhập còm cõi của ông. Hồi tháng 5, bà về Trung Quốc 2 tháng, rồi quay trở lại và  thấy ông chết tự bao giờ trong nhà vệ sinh, thi thể đã phân hủy. Ông Tay lại là người được người vợ tìm đến nhờ giúp đỡ.

Nhưng Leong không phải là trường hợp hiếm gặp ở đảo quốc có thu nhập bình quân đầu người trên dưới 40.000 USD/năm. Nhiều năm qua, ông Tay đã “tiễn đưa” hơn 100 người Singapore có hoàn cảnh tương tự. “Họ là những người cô độc, không có lấy một người thân, không có tài sản gì. Cũng có nhiều trường hợp, họ có họ hàng, nhưng tất cả đều quá nghèo”, ông Tay vừa nói vừa xếp ra bàn những chiếc chứng minh thư mang quốc huy Singapore đã bị đục lỗ - dấu hiệu cho biết chủ thẻ đã qua đời. Mỗi chiếc thẻ là dấu ấn của một con người đã về nơi chín suối mà ông Tay là người cuối cùng đi cùng họ đến biên giới của dương gian.

(Còn tiếp)

Thục Minh (VP Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.