An ninh kinh tế của EU phụ thuộc tình hình Biển Đông

08/04/2016 13:45 GMT+7

Các quan chức ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ quan ngại về an ninh kinh tế của khối này ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi các bên tôn trọng luật pháp quốc tế trên biển.

Các quan chức ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ quan ngại về an ninh kinh tế của khối này ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi các bên tôn trọng luật pháp quốc tế trên biển.

Sự ổn định ở Biển Đông sẽ bảo đảm an ninh kinh tế của EU - Ảnh minh họa: ReutersSự ổn định ở Biển Đông sẽ bảo đảm an ninh kinh tế của EU - Ảnh minh họa: Reuters
Trong một diễn đàn tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc), ông Gunnar Wiegand, Giám đốc phụ trách vùng châu Á và Thái Bình Dương của Cơ quan đối ngoại EU (EEAS) cho biết những biến động gần đây ở Biển Đông thật sự đáng quan ngại, và đây là nơi mà một nửa giao thương của thế giới phải đi qua mỗi năm.
Ông Wiegand nhấn mạnh rằng an ninh kinh tế của EU phụ thuộc vào châu Á-Thái Bình Dương, và sự ổn định của khu vực này chính là sự ổn định an ninh kinh tế toàn châu Âu.
“Dù không đứng về phía nào, châu Âu vẫn cam kết thực hiện đúng trật tự hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS)”, tờ South China Morning Post hôm 8.4 dẫn phát biểu của ông Wiegand.
Trong một diễn biến liên quan, ngoại trưởng các nước thành viên G7 sẽ nhóm họp ở Nhật vào tháng 5.2016. Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và Biển Đông, cụ thể là những hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở đây, sẽ là chủ đề chính của cuộc họp này.
Khối G7 có 4 nước EU là Pháp, Đức, Ý và Anh cùng với Mỹ, Canada và Nhật Bản.
Ông Michael Reiterer, cố vấn chính về vấn đề châu Á-Thái Bình Dương của Cơ quan đối ngoại EU, nói trong cùng diễn đàn ở Bắc Kinh rằng các thành viên của EU, cũng là những nước tham gia ký kết UNCLOS, mong muốn tất cả các bên phải tôn trọng công ước này.
"Chúng tôi có trách nhiệm để những quy định của pháp luật được tuân thủ. Điều này áp dụng đối với UNCLOS và cả Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á", ông Reiterer phát biểu.
Hồi năm 2012, EU đã tham gia vào Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác với Đông Nam Á, ký chương trình hành động để tăng cường hợp tác với khối ASEAN. Trung Quốc cũng là nước tham gia ký kết hiệp ước.
Khi được hỏi về quan điểm của mình về sự can thiệp của EU đối với Biển Đông nói riêng và châu Á-Thái Bình Dương nói chung, ông Mei Zhaorong, cựu đại sứ Trung Quốc tại Đức, nói rằng "sự can thiệp của EU chỉ gây phản tác dụng" (?), theo South China Morning Post.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.