Sớm đưa vụ án ra xét xử là mong mỏi của nhiều người - ảnh: L.N |
May nhờ, rủi chịu
Ngày 13.6, TAND Q.5 mở phiên sơ thẩm, tuyên phạt Phạm Quý Thiện (24 tuổi, ngụ Q.5) 1 năm 7 tháng tù về tội “trộm cắp tài sản”. Theo cáo trạng, ngày 18.5.2011, Thiện trộm một xấp quần tây tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Trãi (Q.5) trị giá 2,21 triệu đồng và bị bắt quả tang. Vụ án tính từ ngày bị bắt đến khi đưa ra xét xử chưa đầy 1 tháng vì được áp dụng TTRG.
Thực tế, xử nhanh như vụ Phạm Quý Thiện là “của hiếm”. Trong rất nhiều vụ án tính chất tương tự, thậm chí đơn giản hơn, bị cáo phải chờ dài cổ. Như vụ Mohamat Dola (dân tộc Chăm, còn gọi là Tuấn, 20 tuổi) vào tối 21.10.2010 cùng Võ Hoài An (22 tuổi, cùng ngụ Q.8) chở nhau sang Q.7 uống cà phê, khi đi ngang nhà số 143A đường số 79 (KP1, P.Tân Quy, Q.7), thấy cửa lầu 1 không đóng nên bàn nhau trèo vào lấy 3 điện thoại, 1 nhẫn, 1 sợi dây chuyền (tổng giá trị hơn 6 triệu đồng). Cả hai bị dân phòng, công an đi tuần tra bắt giữ cùng tang vật. Vậy mà phải đến hơn 4 tháng sau, ngày 3.3.2011, vụ án mới được đưa ra xét xử. Tuấn bị tuyên 2 năm 6 tháng tù, An 1 năm 3 tháng tù về tội “trộm cắp tài sản”.
Ngày 6.7 vừa qua, ông Nguyễn Bửu Minh mệt mỏi xuất hiện ở trụ sở TAND TP.HCM để chờ xét xử phúc thẩm vụ tai nạn giao thông đã xảy ra gần 1 năm rưỡi trước. Ngày 28.2.2010, ông điều khiển xe máy chở Nguyễn Văn Thiền lưu thông trên QL22. Khi đến ấp Bến Đò 2, xã Tân Phú Trung (H.Củ Chi) thì gặp xe buýt dừng đón trả khách. Chị N. xuống xe va vào tay lái xe của ông Minh làm đảo tay lái, xe đổ xuống đường. Hậu quả, Thiền tử vong còn ông Minh bị thương tật 6%. Tòa sơ thẩm kết luận ông Minh phạm tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” và tuyên phạt 1 năm 3 tháng tù (án treo). “Làm sao khép lại vụ án này cho nhanh chứ mỗi lần nhắc lại là tôi mất ăn, mất ngủ vì nhớ đến cảnh bạn mình ra đi”, ông Minh rầu rĩ.
Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM, đối chiếu quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì vụ Mohamat Dola hay vụ ông Minh đều đủ điều kiện điều tra, truy tố, xét xử theo TTRG. “Luật quy định người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang; sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ; có căn cước, lai lịch rõ ràng; tội phạm thực hiện phải thuộc loại tội ít nghiêm trọng (tội ít nghiêm trọng là tội có mức hình phạt cao nhất là 3 năm tù - PV) thì áp dụng TTRG. Thực tế, rất nhiều vụ án đơn giản, hằng ngày được đưa ra xét xử tại nhiều quận huyện trên địa bàn cả nước mà thời gian điều tra, truy tố, xét xử hằng tháng hoặc kéo dài cả năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của bị can, bị cáo”, luật sư Tuấn nói.
Né cho… an toàn!
Quá ít Theo thống kê chưa đầy đủ của Viện KSND tối cao thì trong 5 năm (2004 - 2008), tổng số án thụ lý điều tra là 342.305 vụ, trong đó số lượng án áp dụng TTRG chỉ chiếm khoảng 0,65%. Riêng TP.HCM ước chừng chỉ xử khoảng vài chục vụ, so với lượng án hình sự khổng lồ (khoảng 9.000 vụ) mà ngành tòa án TP.HCM thụ lý hằng năm thì quả là quá ít. |
Vậy tại sao các cơ quan tố tụng không áp dụng TTRG? Nhiều luật sư cùng quan điểm cho rằng “các cơ quan tiến hành tố tụng, cụ thể là điều tra viên “ngại” áp dụng, cộng với luật cũng không bắt buộc “phải” áp dụng nên “né” cho an toàn”.
Còn một cán bộ điều tra của Công an TP.HCM phân tích trong một vụ án hình sự có hàng loạt vấn đề cơ quan điều tra phải phụ thuộc các cơ quan khác như xác minh lý lịch, tiền án, tiền sự, xin lệnh phê chuẩn tạm giam, định giá, trưng cầu giám định, ủy thác điều tra… nên không thể chủ động về mặt thời gian. “Ngoài ra, một điều tra viên có thể phụ trách nhiều vụ án cùng lúc, nếu tập trung làm án rút gọn thì những vụ khác sẽ bị ảnh hưởng, hoặc làm gấp rút dễ sai sót, oan sai thì hậu quả đó điều tra viên làm sao gánh nổi. Trong khi đó, TTRG không phải là quy định bắt buộc, vậy tại sao không điều tra từ từ cho chắc”, vị này lập luận.
Phó viện trưởng Viện KSND TP.HCM Nguyễn Ngọc Điệp, trong phát biểu tại một hội nghị tổng kết từng nhìn nhận nguyên nhân của việc ít áp dụng TTRG là do chưa có văn bản hướng dẫn nhiều vấn đề. Đơn cử như không quy định thời gian giao cáo trạng, giao quyết định đưa vụ án ra xét xử…, làm cán bộ lúng túng khi thực hiện.
Chọn an toàn cho mình, đẩy khó khăn và thiệt thòi cho người dân. Với quan điểm này, có lẽ án rút gọn vẫn sẽ tiếp tục là “hàng hiếm” trong thời gian tới.
Lê Nga
Bình luận (0)