Ở Việt Nam, sầu riêng được du nhập từ Thái Lan và được trồng đầu tiên ở vùng Tân Quy, Biên Hòa, sau đó lan rộng ra các tỉnh Nam bộ và Tây Nguyên. Trồng nhiều hơn cả tập trung ở các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng.
Nhà tự nhiên học tài danh người Anh là Alfred Russel Wallace (1823-1913) mới là người diễn tả hương vị của sầu riêng một cách toàn vẹn nhất: “Cấu tạo và hương vị của mùi sầu riêng thật khó tả. Đó là một vị trứng, bơ, sữa, gia vị thêm bằng hạt hạnh đào và lẫn trong đó thoang thoảng có vị kem phô mai, sốt hành, rượu sơ-ri… Mặc dù vậy, nó vẫn hoàn mỹ, và càng ăn người ta càng không muốn dừng lại. Thực sự, ăn sầu riêng đem lại một cảm giác mới lạ, đáng cho người ta tiến hành một cuộc viễn du sang phương đông”. Về mặt dinh dưỡng, theo Tổ chức Lương nông thế giới (FAO), trong 100g phần ăn được của sầu riêng, hàm lượng protein, glucid, lipid, các chất khoáng và giá trị năng lượng của sầu riêng đều cao hơn rất nhiều so với các loại trái cây khác.
Cơm của sầu riêng được người ta “ghiền” vì nó vừa thơm ngon lại vừa bổ dưỡng, có tác dụng kích thích, tăng cường khả năng sinh dục, lọc máu và trừ được giun sán. Tuy nhiên không nên ăn nhiều quá (trên 150g cơm trái/ngày) vì sẽ bị “nóng”, gây bứt rứt trong người, dễ sinh mụn nhọt. Những người âm hư, nội nhiệt, với các triệu chứng: người gầy ốm, da khô, nóng bứt rứt, lòng bàn tay bàn chân ấm, khát nước, khó ngủ, đêm ngủ ra mồ hôi trộm, đi tiểu ít, nước tiểu vàng, đại tiện táo bón, di mộng tinh…cần hạn chế dùng sầu riêng. Phụ nữ có thai, người bị tiểu đường, cao huyết áp, đang bị sốt thì không nên ăn sầu riêng.
Lương Y Đinh Công Bảy
Bình luận (0)