Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực cao nguyên Doklam do Bhutan kiểm soát đã kéo dài trong 2 tháng qua nhưng chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền với khu vực này và đặt tên là Động Lãng. Quan chức quân đội cấp trung tướng của 2 nước ngày 11.8 được cho là đã có cuộc gặp lần đầu tiên tại cửa khẩu Nathu La để bàn về giải pháp tháo gỡ căng thẳng, tuy nhiên không mang lại kết quả tích cực nào khi Trung Quốc vẫn giữ lập trường đòi Ấn Độ rút quân khỏi Doklam, còn New Delhi nhấn mạnh Bắc Kinh phải rút trang thiết bị làm đường ra khỏi khu vực trước. Trong khi những nỗ lực ngoại giao thời gian qua đến nay vẫn chưa mang lại triển vọng gì, hai bên gần đây liên tiếp có những hành động đề phòng cho một cuộc chiến tranh thật sự.
Triển khai lực lượng
Tờ Times of India ngày 12.8 đưa tin quân đội Ấn Độ đang âm thầm điều động binh lực đến những “khu vực cảnh báo” nằm ở biên giới với Trung Quốc tại các bang Sikkim và Arunachal Pradesh. Đồng thời, toàn bộ những đơn vị quân sự dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) dài 3.488 km giữa hai nước từ vùng Ladakh ở phía tây Ấn Độ đến bang Arunachal Pradesh ở phía đông cũng được đặt trong tình trạng sẵn sàng tác chiến. Tại khu vực miền đông, đơn vị chủ lực chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh của Ấn Độ là quân đoàn 33 (bộ chỉ huy đặt tại Sukna), gồm 3 sư đoàn sơn cước 17, 27 và 20. Mỗi sư đoàn này có từ 10.000 - 15.000 lính đang trải qua đợt tập trận làm quen với địa hình đồi núi cao.
Trong khi đó, các quân đoàn 3 (tại Dimapur) và 4 (tại Tezpur) cũng đã được lệnh đề phòng. Hơn nữa, những căn cứ không quân tại vùng lãnh thổ phía đông bắc của Ấn Độ cũng đang trong tình trạng cảnh báo cao độ. Việc Ấn Độ huy động lực lượng được coi là biện pháp nhằm đối phó với sức mạnh của Trung Quốc, nước hiện có lực lượng quân lính, xe tăng và pháo binh mạnh ở Tây Tạng. Bình luận về năng lực quân sự của Trung Quốc ở Tây Tạng cũng như sự tiến bộ của ngành công nghiệp quốc phòng Pakistan, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Arun Jaitley ngày 11.8 tuyên bố quân đội nước này có đầy đủ khí tài để đối phó với bất cứ tình huống nào. “Lực lượng phòng thủ của chúng ta đã sẵn sàng để giải quyết mọi điều có thể xảy ra”, ông Jaitley khẳng định. Về vấn đề thiếu hụt vũ khí để chiến đấu cho cuộc chiến dài ngày, Bộ trưởng Jaitley cho biết Ấn Độ đã có những cải thiện trong vấn đề này và nhấn mạnh người dân không nên nghi ngờ.
Cuộc chiến toàn diện
Khả năng xảy ra chiến sự giữa 2 nước cũng được giới chức quốc phòng Trung Quốc nhìn nhận. Nguồn tin thân cận từ quân đội nước này mới đây tiết lộ với tờ South China Morning Post rằng lực lượng thuộc Chiến khu miền tây đã được chỉ thị chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến tranh với Ấn Độ liên quan đến khủng hoảng tại Doklam. Tuy nhiên, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) được cho là sẽ kiểm soát cuộc xung đột trong quy mô hạn chế như xung đột Ấn Độ - Pakistan tại vùng Kashmir và trong phạm vi gần Doklam thay vì để lan sang những khu vực khác ở biên giới. Bên cạnh đó, giới quan sát cũng đồng tình rằng Bắc Kinh sẽ không tìm kiếm một cuộc chiến tranh trực tiếp giữa lực lượng bộ binh với New Delhi, mà chỉ triển khai máy bay và tên lửa chiến lược để làm tê liệt các sư đoàn sơn cước của Ấn Độ tại khu vực Himalaya.
Tuy nhiên, giới chuyên gia quốc phòng Ấn Độ lại cảnh báo rằng một khi súng đã nổ, cuộc xung đột sẽ leo thang thành chiến tranh toàn diện. “Chắc chắn chiến tranh sẽ gây thiệt hại cho cả 2 bên nhưng nếu Bắc Kinh leo thang, cuộc xung đột sẽ không bị hạn chế. Nếu Trung Quốc tiến hành tấn công quân sự vào Ấn Độ, New Delhi sẽ đáp trả bằng mọi biện pháp cần thiết và nó có thể leo thang thành cuộc chiến tranh Ấn - Trung toàn diện”, tiến sĩ Rajeev Ranjan Chaturvedy, nhà ghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhận định.
Nếu trường hợp này xảy ra, Ấn Độ chắc chắn sẽ ngăn chặn Trung Quốc đi vào vùng vịnh Bengal cũng như Ấn Độ Dương, và New Delhi được cho là hoàn toàn đủ khả năng tiến hành việc phong tỏa này. Bắc Kinh hiện phụ thuộc phần lớn vào nguồn năng lượng nhập khẩu trong khi hơn 80% lượng dầu mỏ nhập khẩu của nước này được vận chuyển qua Ấn Độ Dương, sau đó qua eo biển Malacca về Trung Quốc. Chuyên gia hàng hải Lý Kiệt tại Bắc Kinh cho biết Ấn Độ hồi năm 2010 đã thành lập một căn cứ hải quân tại quần đảo Andaman và Nicobar gần eo biển Malacca. Từ đây, nước này có thể triển khai chiến đấu cơ cũng như máy bay trinh sát cất cánh từ 2 đường băng trên quần đảo để đối phó với mọi động thái của Trung Quốc.
tin liên quan
Hoàn Cầu thời báo: Trung Quốc sẽ tấn công Ấn Độ trong vòng 2 tuầnGiới chuyên gia Trung Quốc vừa cho rằng Bắc Kinh có thể tiến hành chiến dịch quân sự quy mô nhỏ để bắt giữ hoặc “trục xuất” binh sĩ Ấn Độ khỏi cao nguyên Doklam.
Trong khi đó, Ấn Độ hồi tháng 7 cũng hoàn tất cuộc tập trận trên biển kéo dài 10 ngày với Mỹ và Nhật Bản tại vịnh Bengal. Cùng thời gian đó, Mỹ thông qua hợp đồng bán máy bay vận tải quân sự trị giá 365 triệu USD và một hợp đồng khác bán máy bay không người lái do thám trị giá 2 tỉ USD cho Ấn Độ. Hơn nữa, hải quân nước này hiện sở hữu 8 máy bay săn ngầm P-8A Poseidon giúp tuần tra tại Ấn Độ Dương. Ông Lý dự đoán: “Mọi bước đi này đều mở đường cho Ấn Độ có thể phong tỏa quân đội và tàu thuyền thương mại Trung Quốc đi vào Ấn Độ Dương trong trường hợp 2 nước xảy ra xung đột trên biển”.
Theo giới chuyên gia, Ấn Độ đã rút ra được nhiều bài học từ cuộc chiến tranh năm 1962 và hiện tại đã có sự chuẩn bị tốt hơn trong việc phòng thủ trên bộ trước Trung Quốc. Còn nếu xung đột mở rộng sang chiến trường trên biển, PLA cũng khó có thể đánh bại được hải quân Ấn Độ, đặc biệt là sau khi nước này được gia tăng sức mạnh với những máy bay P-8A lợi hại.
Trong một động thái đề phòng chiến sự, quân đội Ấn Độ gần đây được cho là đã sơ tán người dân khỏi ngôi làng Nathang sát biên giới Trung Quốc và gần khu vực căng thẳng ở Doklam. Tuy một số hãng truyền thông Ấn Độ dẫn nguồn từ quân đội phủ nhận, nhưng chính phủ nước này cho đến nay vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào về thông tin trên.
|
Bình luận (0)