Trước đây, nhắc đến du lịch Đất Mũi Cà Mau, nhiều người cảm thấy ái ngại vì đường sá xa xôi cách trở, giao thông bất tiện. Nhưng giờ thì hoàn toàn khác. Tàu cao tốc, ca-nô tấp nập suốt ngày, ai nấy cũng đều náo nức muốn đặt chân tức khắc đến với một vùng đất huyền thoại, “nơi đất nở ra, nơi rừng biết đi".
VÙNG ĐẤT DIỆU KỲ
Sau hơn hai tiếng đồng hồ lướt sóng, chiếc ca-nô chở chúng tôi lần lượt vượt qua nhiều địa danh nổi tiếng ở Cà Mau như Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là, Năm Căn, Ngọc Hiển và điểm dừng chân cuối cùng là Đất Mũi.
Đất Mũi nằm trong một hệ sinh thái độc đáo và đa dạng, đứng hàng thứ nhì thế giới, sau rừng Amazon. Đến đâu, chúng tôi cũng được tận hưởng màu xanh bất tận của những dãy rừng hoang sơ nằm dọc theo hai bên bờ sông thật yên ả, thanh bình, gần gũi và thân thương như máu thịt của chính mình.
Là doi đất cuối cùng của tổ quốc, nằm ở điểm cực Nam thuộc địa phận xóm Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, cách TP. Cà Mau 100 km, Đất Mũi chính là nơi giao hòa của trời đất, con người và biển cả.
Mọi người vừa đặt chân đến cột mốc quốc gia GPS 0001 đều tràn đầy xúc động, lòng tự hào dâng lên. Kế đến là biểu tượng Mũi Cà Mau, vùng đất thiêng mà nhà thơ Xuân Diệu đã có lần khắc họa thành một hình tượng dạt dào cảm xúc:
Tổ quốc tôi như một con tàu
Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau.
Vài năm trước đây Đất Mũi như một cô gái còn đang ngái ngủ, giờ đã vươn mình trỗi dậy, rực rỡ, như một nàng công chúa diễm kiều. Nhiều nhà hàng, nhà nghỉ, khu lưu niệm và vui chơi giải trí đều bừng lên một sức sống mới, cảnh sắc không những nên thơ, hữu tình mà còn đậm chất nhân văn.
Đứng từ chóp mũi, mọi người sẽ thu vào tầm mắt những vạt rừng non tơ, nơi mà bãi bồi tới đâu, cây đước-những “dũng sĩ” tiên phong lấn biển vươn mình tới đó để dệt thành những thảm xanh bất tận, khiến cho du khách cảm thấy ngất ngây trước vẻ đẹp kỳ diệu của vùng đất này.
Từ lâu, Đất Mũi Cà Mau được ví như một địa danh huyền thoại với những kỳ tích vẻ vang trong thời mở đất cùng với nhiều chiến công hiển hách. Nhà văn Nguyễn Tuân đã gọi Cà Mau là “Ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm”.
KHÁM PHÁ NHỮNG KHU RỪNG "BIẾT ĐI"
Cà Mau có tiềm năng du lịch rất lớn, trước hết là nhờ có một hệ thống sông ngòi kênh rạch “độc nhất vô nhị”.
Những ai thích khám phá sẽ tìm thấy ở đây nhiều điều hấp dẫn, kỳ diệu nhất là hình ảnh “cây mắm đi trước, cây đước theo sau, cây tràm nối gót”.
Đặc biệt, từng dòng chảy ngậm đầy phù sa ngày đêm cần cù nhẫn nại, không phút nghỉ ngơi để âm thầm tạo ra những bãi bồi thênh thang và những khu rừng “biết đi” giúp cho đất nở từng ngày. Còn gì lý tưởng hơn khi được khám phá những cánh rừng kỳ bí ấy.
Đến với Đất Mũi chúng ta còn được nghe nhiều câu chuyện lý thú, giống như một huyền thoại, đó là mùa hội ba khía, mùa hội cá đường, mùa săn cá dứa và chuyện ăn trái mắm thay cơm.
Nếu ở lại những khu rừng qua đêm, khách sẽ ngủ ngon trong những gian phòng khá ấm cúng hay nhà sàn mát mẻ, xung quanh um tùm cây mắm, cây đước, gió rừng vi vu giống như một bản hòa ca bất tận.
Qua một đêm lãng tử, chắc chắn mọi người sẽ thư giãn, dường như hết cả phiền muộn lo âu trước khi từ giã vùng đất đầy thú vị.
MÓN NGON ĐẤT MŨI
Theo nghiên cứu sơ bộ của các nhà khoa học thuộc trường Đại học Cần Thơ thì dọc theo các bãi bồi vùng ngập mặn Cà Mau, hiện có 20 loài tôm, 51 loài cá và nhiều loài cua, ghẹ, sò, vọp, hàu, thòi lòi, ba khía, bống sao…
Hằng năm từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 10 m lịch, Đất Mũi trở thành cái nôi khổng lồ nuôi dưỡng các loài hải sản để cung cấp cho Cà Mau và các vùng lân cận.
Do đó, đến Cà Mau, đặc biệt là Đất Mũi, du khách sẽ được tận hưởng nhiều món ngon từ biển với phong cách ẩm thực đặc trưng là lẩu, các món nướng và kho tộ.
Độc đáo nhất là cá thòi lòi nấu canh chua, thòi lòi kho tộ, gỏi khô thòi lòi. Ngoài ra còn có các món ba khía chiên giòn, tôm tích luộc hoặc hấp bia, cháo cá mú, cháo hàu sữa vừa thơm ngon vừa lạ miệng. Món nào cũng đậm đà hương vị của một vùng đất cuối trời.
Ở đây, mỗi nhà hàng đều có cách chế biến riêng, mang sắc thái riêng nhưng nét đặc trưng vẫn là hương biển và tinh thần phóng khoáng của người dân xứ biển.
Hoài Phương
Bình luận (0)