(TNO) Năm 2009, có một người Pháp đã đạt được mong mỏi đến nhà thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội. Lần đầu tiên, ông được nắm tay, nói chuyện với vị tướng huyền thoại mà ông ngưỡng mộ và tôn kính.
Chuyên đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp
|
Thực ra, câu chuyện của ông liên quan đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ một kỷ niệm hết sức đặc biệt, từ 37 năm trước, trong khám Chí Hòa. Mà nhờ đó, từ một thanh niên nước ngoài chưa hiểu về lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của Việt Nam, ông đã có cái nhìn hoàn toàn khác để rồi kề vai sát cánh tham gia vào cuộc đấu tranh chống chiến tranh xâm lược ở Việt Nam một cách sâu sắc.
Hôm nay, ông đã là một công dân mang 2 quốc tịch Pháp - Việt, ông André Menras Hồ Cương Quyết. Ngay sau khi nghe tin tướng Giáp qua đời, ông đã có bài viết xúc động được đăng toàn trang trên báo La Marseillaise của Pháp ngày 5.10.
Bài báo có tựa “Légende planétaire, Le général Giap ne plus”, tạm dịch: “Con người huyền thoại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không còn nữa”. Sa-pô của bài báo viết: “Việt Nam: người thắng trận Điện Biên Phủ và thắng cả quân đội Mỹ, người đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì độc lập của đất nước”. Bài báo được chia làm 4 phần: Anh Võ, Anh Văn, Người giữ gìn độc lập không khoan nhượng và Ra đi không một nếp nhăn trên mặt.
Ông Hồ Cương Quyết viết: “Là Tổng tư lệnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ nhiều thập niên nay đã khắc sâu như một huyền thoại vào lịch sử những cuộc đấu tranh vẻ vang giải phỏng các dân tộc. Cho tới hơi thở cuối cùng, ông vẫn nguyên vẹn là một nhà yêu nước và một chiến sĩ”.
Đang trên đường đến thành phố Saintes, gần Boxdeau, để chiếu phim “Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát” do ông làm đạo diễn, qua điện thoại, ông vô cùng xúc động chia sẻ với Thanh Niên Online: “Buồn quá! Từ hôm qua, nhiều người Việt ở đây và cả nhiều bạn bè của tôi là người Pháp hay tin này đều buồn lắm, mặc dù chúng ta ai cũng hiểu sẽ đến ngày này. Tôi nghĩ những ai yêu mến Tướng Giáp, ủng hộ cuộc chiến đấu giành quyền độc lập tự do cho Việt Nam, đều cảm thấy xúc động khi nghe tin này”.
Ông André Menras năm nay đã 68 tuổi. Ông cho biết khi còn là một thành niên 26 tuổi, năm 1971, nhờ quyển sách Guerre du peuple, armée du peuple (Chiến tranh nhân dân, quân đội nhân dân) của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giúp ông khám phá ra những chân trời mới, mới lạ mà rất đỗi gần gũi. “Tôi cảm nhận rõ tướng Giáp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí của họ đã đồng nhất tới mức nào với dân tộc Việt Nam”, ông nói.
|
Làm thế nào để một người tù đang bị giam cầm trong nhà tù của chế độ Việt Nam Cộng hòa lại đọc được quyển sách Guerre du peuple, armée du peuple trong của tác giả “phía bên kia” là Đại tướng Võ Nguyên Giáp một cách công khai như vậy? Ông André Menras cho biết: “Làm sao có thể công khai? Trong phòng biệt giam mà ánh sáng chỉ lọt qua một ô cửa bằng bàn tay, tôi vừa nghiến ngấu đọc lại vừa canh chừng cái ô cửa mà viên cai ngục có thể kê mắt vào theo dõi bất kỳ lúc nào”.
Nếu việc đọc quyển sách của Tướng Giáp giúp ông “khám phá những chân trời mới lạ” thì việc có được quyển sách đó ở nhà tù Chí Hòa là kỷ niệm vô cùng thú vị đối với André Menras.
Ông kể: “Nó là món quà thăm nuôi của mẹ tôi gửi cho tôi từ Pháp. Hay không? Làm sao để lọt qua cửa kiểm duyệt của cai ngục? Đố bạn?”. Qua điện thoại, giọng nói của ông sôi nổi hẳn lên: “Ở trong tù, tôi đã làm quen đánh cờ với một tù thường phạm tên Rich bị giam ở khu ID. Tôi nói với anh ta là có thể giúp tôi chuyển một món quà từ Pháp của mẹ tôi không. Tất nhiên, trước đó, tôi đã tìm cách liên lạc và nhờ mẹ tìm mua quyển sách rồi. Bởi, nếu mẹ tôi gửi trực tiếp cho tôi, họ sẽ săm soi món quà rất kỹ và rất khó để sách lọt đến tay tôi. Vậy là, bỏ quyển sách trong hộp bánh bích-quy, mẹ gửi từ Pháp sang Mỹ cho người mẹ của Rich. Người mẹ đó lại gửi cho Rich qua Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam thời bấy giờ. Nó đã qua các cửa kiểm soát một cách ngoạn mục, đúng không?”.
Ông nói tiếp: “Tôi nhớ rõ ngày hôm đó, cách đây đã 41 năm, một viên giám thị cặp kè đi bên cạnh, mà tôi thì ôm món quà hớn hở về xà lim, tôi từng chia sẻ trong bài viết sau khi được viếng thăm Tướng Giáp năm 2009 là tôi thấy mình lúc đó tràn trề sinh lực và kiêu hãnh hơn cả ông vua mới lên ngôi”.
Đọc hết quyển sách, rất nhiều lần trong trại giam Chí Hòa ngày ấy, ông luôn tự nhủ lòng, sẽ phải tìm gặp bằng được tác giả những trang sách ấy để nói với ông ta rằng: Chính những trang sách của ông đã sưởi ấm trái tim và khối óc của tôi, tiếp sức cho tôi tiếp tục chiến đấu trong nhà tù khắc nghiệt ấy. “Một thứ mơ ước không tưởng mà người ta thường nuôi dưỡng khi bị xuống tinh thần…”, cuộc trò chuyện qua điện thoại đột ngột bị cắt.
Thế nhưng, mãi đến 37 năm sau, ông André Menras mới thực hiện được giấc mơ này. Câu chuyện của chúng tôi qua điện thoại nhiều lần bị gián đoạn, do ông André Menras đang ngồi trên tàu nhanh TGV để đi từ nhà ông ở thị trấn Sauvian đến thành phố Saintes. Thế nhưng, khi nào có sóng điện thoại, cuộc trò chuyện lại tiếp tục như chưa hề bị ngắt quãng. Và ông vẫn tiếp mạch chuyện một cách đầy xúc động, rõ ràng đến từng chi tiết.
Trong buổi gặp thăm Tướng Giáp năm 2009, có một chi tiết mà ông André Menras nhớ rõ và cho đó là sự “vụng về trẻ con” của mình khi đứng trước Tướng Giáp. Mặc dù biết Tướng Giáp giỏi tiếng Pháp, song để khắc phục niềm xúc động và cũng để tỏ lòng tôn kính, ông đã dùng tiếng Việt khi trò chuyện với vị Tướng này. Tuy nhiên, giữa cuộc trò chuyện, bất chợt, cố Đại tướng cầm tay, nhìn André Menras rồi mỉm cười một cách hóm hỉnh nói: “Chắc tiếng Pháp của tôi thuần thục hơn tiếng Việt của anh”. Ông Menras nay nhớ lại: “Có thể cách nói tiếng Việt không dấu của tôi khiến ông thấy mắc cười và nghĩ tôi khó khăn để nói tiếng Việt nên khuyên tôi dùng tiếng Pháp nói chuyện chăng? Tôi hiểu cả ông bà phu nhân đều giỏi tiếng Pháp, nhưng tôi thật cả gan khi lại tiếp tục nói tiếng Việt và tự trấn an là chắc tiếng Việt của mình tạm được. Hôm đó rất vui!”.
Khi tôi thắc mắc phần thứ 4 của bài báo Pháp lại có tựa nhỏ là “không một nếp nhăn”. Ông André Menras nói ngay: “Vì ông đã chiếm lĩnh được trái tim thế hệ của chúng tôi và đã tồn tại trong trái tim các thế hệ tiếp theo mà cuộc sống, với ông, dường như không gợn nên một nếp nhăn nào trên mặt cả”.
Cũng trong phần cuối của bài báo này, ông André Menras cũng vô cùng ấn tượng về nhân cách của cố Đại tướng lại chính những điều vô cùng giản dị.
Năm 2001, nhân kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, khi báo Le Monde đặt tựa bài báo là: “Chiến thắng của tôi”, vị tướng già tỏ ra rất bực bội và nói “Điện Biên Phủ, đó là chiến thắng của nhân dân chúng tôi!”. Bởi trí khôn chiến lược của ông hẳn sẽ chẳng khi nào bộc lộ nếu không có sự ủng hộ và hy sinh của toàn thể nhân dân.
"Chính vì lẽ đó, đám tang của ông được tổ chức tầm quốc tang một cách trang trọng là điều dễ hiểu. Xin chia buồn với dân tộc Việt Nam, dân tộc của tôi”, André Menras nói.
Nguyên Nga
>> Mở cửa vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới 20 giờ
>> Cựu chiến binh tại TP.HCM lập bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Phân luồng giao thông phục vụ Lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Người có tầm nhìn chiến lược về khoa học - công nghệ
>> Báo chí Lào đưa tin tướng Võ Nguyên Giáp qua đời
>> Video clip: Gặp người chụp ảnh riêng cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Cận cảnh thi công đường vào nơi an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Nói tới Việt Nam là người ta nói Việt Nam - Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp
Bình luận (0)