Anh chàng Việt cao 2,5 mét mặc đồ cũ dành tiền cho em ăn học

Gia Bách
Gia Bách
11/10/2018 09:31 GMT+7

Mang nỗi khổ của người lạ thường cao 2,5 mét , anh Hồ Văn Trung chọn cách sống xa lánh mọi người vì mặc cảm cơ thể phát triển khác thường nhưng không mua đồ mới để có tiền lo cho 2 em ăn học.

Hơn 10 năm không giao tiếp với người lạ

Anh Hồ Văn Trung (34 tuổi, ngụ xã Viên An Đông, H.Ngọc Hiển, Cà Mau) sống khá tách biệt với mọi người xung quanh vì mặc cảm cơ thể phát triển khác thường so người bình thường... cho đến khi anh phát bệnh nặng phải nhập viện. Lúc đó, người đàn ông với thân hình quá khổ, cao 2,5 mét mới được... biết đến.

Ngày 10.10, tiếp xúc với phóng viên Báo Thanh Niên khi đang nằm điều trị tại Khoa Lọc máu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau, anh Trung cho biết rất mệt mỏi vì sự hiếu kỳ của nhiều người trong những ngày qua.  

Ông Hồ Đức Ngoan, cha anh Trung nói: “Những ngày qua, nhiều người hiếu kỳ đến chỉ trỏ và có những câu hỏi khiến Trung mặc cảm thêm. Ngày nào cũng đòi về vì hơn chục năm nay Trung không giao tiếp với người lạ, giờ nằm bệnh ở đây, ngày nào cũng có nhiều người đến nhìn ngó làm nó cảm thấy khó chịu”.

Kể lại sự phát triển kỳ lạ của con trai, ông Hồ Đức Ngoan cho biết: "Trung là con đầu trong gia đình có 4 anh chị em. Lúc nhỏ Trung cũng phát triển bình thường như các bạn đồng trang lứa. Năm 17-18  tuổi, Trung chỉ gần 1,7 mét, nặng hơn 45 kg. Nhưng sau cơn sốt nặng khoảng thời gian này, Trung bắt đầu phát triển chiều cao và cân nặng khác thường, khiến cả nhà hốt hoảng. Và cũng từ đó, Trung dần xa lánh với mọi người”.

Cô Nguyễn Thị Hồng - mẹ anh Trung âu yếm nhìn con kể: "Khi thấy mình có chiều cao dị thường, Trung bắt đầu xa lánh xóm giềng và mọi người xung quanh. Suốt ngày chỉ khép mình trong nhà, khi mấy em Trung lớn đến tuổi ăn học thì Trung nói gia đình cho mình về miếng vuông nuôi tôm ở xã Viên An Đông nuôi tôm, phụ cha mẹ nuôi em ăn học".

Tiếp lời mẹ, Trung chia sẻ: "Do chiều cao của tôi hơn 2 mét nên mọi sinh hoạt, đi đứng của tôi đều khó khăn. Cửa nhà thì phải làm tương xứng với ngôi nhà nên tôi đi phải khom lưng sát xuống, mọi sinh hoạt hàng ngày tôi hầu như không đứng thẳng người, rất bất tiện. Đi đến đâu cũng bị mọi ánh mắt nhìn soi mói, chỉ trỏ... Còn giọng nói ngày càng khều khào khó nghe”.

Bị ngã nhiều lần nhưng cắn răng chịu đựng

Theo lời người thân, nhiều năm nuôi tôm ở xứ người, Trung bị té ngã sa khớp gối hay lật bàn chân rất nhiều lần... nhưng không cho ai hay vì sợ họ lo lắng, phải tốn tiền điều trị nên cắn răng chịu đựng.

Gia đình anh Trung kể lại, khi anh Trung bị sốt, gia đình đưa anh đến nhà 1 cán bộ y tế ở địa phương để chích và uống thuốc. Rồi hơn một tháng sau, anh Trung nói với ba mẹ rằng tay chân mình dường như dài ra khiến đôi lúc anh không còn cảm giác.

“Nghe con nói vậy, vợ chồng tôi tưởng nó vừa hết bệnh chưa tỉnh táo, nhưng không ngờ sau mỗi lần đi mua bán xa nhà về, tôi thấy nó cứ khác đi dần”, bà Nguyễn Thị Hồng nói. Bà cho biết vì nghèo khó nên gia đình bà không thể đưa con đến các bệnh viện lớn thăm khám kể từ đó.

Ngày 10.10, sức khỏe anh Trung khá hơn ngày hôm trước

Anh Trung cũng cho biết anh tự mình cắt tóc mười mấy năm qua: "Đi lại khó khăn nên tôi gửi người quen mua kéo về soi kiếng tự cắt tóc. Như vậy cũng là tránh cái nhìn của mọi người khi tôi đi ra đường".

Về bệnh tình của con mình, ông Ngoan cho biết hơn tuần trước anh Trung thường xuyên có biểu hiện chóng mặt, đau lưng nên gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Cái Nước thăm khám.

Anh Trung trong 1 lần chạy thận ẢNH: GIA BÁCH

Bác sĩ chẩn đoán anh Trung bị tăng kali huyết/đợt cấp suy thận mạn, thiếu máu mạn mức độ nặng. Sau 4 ngày điều trị, bệnh không thuyên giảm nên anh được chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau. Lúc anh nhập viện, bệnh viện không có giường bệnh nào tương xứng với chiều cao khoảng 2,5 mét của anh Trung. Vì vậy gia đình phải ra ngoài thuê người làm giường dài 2,6 mét để anh Trung nằm điều trị. Lúc này, Bệnh viện Cà Mau bố trí 1 góc trong Khoa lọc máu để đặt chiếc giường của anh Trung.

“Các bác sĩ ở đây không lý giải được nguyên nhân vì sao con tôi phát triển chiều cao lạ thường, gia đình cũng không có tiền đưa con lên bệnh viện ở TP.HCM kiểm tra, nên nó phải chấp nhận cuộc sống như thế nhiều năm qua”, ông Ngoan nói.

Không sắm quần áo vì sợ tốn kém

Bà Hồng cho biết, Trung rất thương hai em đang học đại học nên không chịu mua sắm quần áo cho bản thân vì sợ tốn kém. Làm được bao nhiêu tiền, Trung đều nhờ người quen mang về đưa cho ba mẹ lo cho các em.

“Cái áo nó mặc phải may 3 mét vải, quần thì 2 mét. Tết năm rồi, dù không có bộ quần áo đàng hoàng nhưng Trung từ chối mua quần áo mới mà để tiền lo cho các em ăn học. Vì mua 1 bộ quần áo cho mình tốn bằng mua cho hai người", mẹ Trung kể lại.

Chiều ngày 10.10, sức khỏe anh Trung đã tạm ổn hơn mấy ngày trước, anh có thể trò chuyện với mọi người nhiều hơn.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.