Bức ảnh của Huỳnh Công Út (Nick Út), phóng viên ảnh của hãng AP, chụp cô bé Phan Thị Kim Phúc trần truồng bỏng nặng toàn thân sau khi bị bom napalm dội xuống ngôi làng tại Tây Ninh vào ngày 8.6.1972 trong chiến tranh Việt Nam. Bức ảnh từng đoạt giải Pulitzer năm 1973.
|
Bức ảnh do Nick Út chụp làm đau lòng nhiều người yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Vừa bấm máy bức ảnh để đời này, Nick Út đã ẵm cô bé đi cấp cứu. Kim Phúc sau đó được đưa đi chữa trị vết thương tại Cuba, hiện đang định cư ở Canada. Mãi đến nhiều năm sau này, Kim Phúc vẫn liên lạc với ân nhân và gọi Nick Út là "ông già" hay "chú". 36 năm sau tai họa, Kim Phúc dù vẫn còn nhức nhối bởi vết thương trên da thịt nhưng lòng cô đã thấy thanh thản. Năm 2008, trong bài phát biểu trên radio mang tên Đường dài đến sự tha thứ, Kim Phúc đã nói: "Tha thứ giúp tôi quên đi sự hận thù. Bom napalm công phá mạnh mẽ song lòng tin, sự bao dung và tình yêu là những gì còn mạnh mẽ hơn bom đạn. Sẽ chẳng bao giờ có chiến tranh trên hành tinh này nếu mọi người đều học cách sống trong yêu thương với lòng chân thành, hy vọng và tha thứ. Nếu cô gái bé nhỏ trong bức ảnh này làm được điều đó thì bạn có bao giờ tự hỏi mình cũng có thể mà?".
|
Xếp thứ hai trong danh sách bình chọn là bức ảnh do Malcolm Browne chụp Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn vào ngày 11.6.1963. Hòa thượng Thích Quảng Đức chọn giải pháp tự thiêu để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo tại miền Nam Việt Nam. Bức ảnh gây xúc động đến nỗi Tổng thống Mỹ lúc đó là John F.Kennedy phải thốt lên: "Không một bức ảnh thời sự nào trong lịch sử thế giới lại tạo ra nhiều cảm xúc như thế". Cùng có mặt tại hiện trường với Browne là David Halberstam lúc đó là phóng viên trẻ của tờ New York Times. Halberstam cùng nhận giải thưởng Pulitzer năm 1964 với Browne nhờ bài báo nói về sự kiện này. Halberstam viết: "Phía sau, tôi có thể nghe thấy tiếng khóc của những người Việt Nam. Tôi quá ngỡ ngàng tới mức không khóc nổi, quá bối rối để nghĩ tới chuyện ghi chú hay phỏng vấn ai, thật sự bàng hoàng không thể nghĩ nổi hay làm bất cứ điều gì... Khi bốc cháy, cơ thể vị Hòa thượng vẫn lặng phắc, chẳng phát ra một tiếng kêu gào, trái hẳn với những người đang khóc rấm rứt xung quanh".
Bức thứ ba được bình chọn là ảnh chụp 3 nguyên thủ quốc gia vào tháng 2.1945 gồm Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt, Thủ tướng Anh Winston Churchill và lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin nhóm họp tại biển Đen bàn việc tái thiết châu u sau Thế chiến 2. Tờ New Statesman nhận định bức ảnh này đã làm thay đổi cục diện toàn cầu, bao gồm cả cuộc chiến tranh lạnh.
Xếp từ thứ 4 đến thứ 10: 4: Ảnh chụp tại thành phố Rarmallah (Palestine) ghi lại hình ảnh một người Do Thái chống cự binh sĩ Israel theo phán quyết của Tòa án tối cao yêu cầu dỡ bỏ những ngôi nhà định cư bất hợp pháp ở gần thành phố Ramallah năm 2006. 5: Ảnh một tù nhân ở nhà tù Abu Ghraib (Iraq). 6: Ảnh hai vận động viên điền kinh Mỹ Tommie Smith và John Carlos thể hiện sức mạnh của người da đen tại Olympic Mexico 1968. 7: Ảnh chân dung Che Guevara năm 1960. 8: Ảnh một nhóm thanh niên nhà giàu Li-băng đi thăm khu vực bị ảnh hưởng nặng nề vì bom ở thủ đô Beirut sau cuộc chiến năm 2006. 9: Ảnh về cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ năm 1937 kèm theo lũ lụt ở Ohio (Mỹ), 10: Ảnh đoàn người biểu tình tại bang Tennessee (Mỹ) với tấm bảng đeo trên ngực ghi rõ: I am a man (Tôi là người) đấu tranh vì nhân quyền năm 1968. |
Đỗ Tuấn
(Theo New Statesman)
Bình luận (0)