(TNO) Khán giả được vào sân xem miễn phí các trận bán kết nội dung đôi của giải Mỹ mở rộng 2015. Đây là một trong những hệ quả tích cực của một vụ kiện xảy ra 10 năm trước. Công đầu trong chuyện này thuộc về cặp anh em song sinh kiêm chuyên gia đánh đôi Bob và Mike Bryan.
Anh em nhà Bryan là cặp đôi số 1 của làng quần vợt nam thế giới - Ảnh: AFP
|
Đây là cặp đôi giữ 16 chức vô địch Grand Slam, 1 huy chương vàng Olympic và 10 năm giữ vị trí số 1 nội dung đôi trong 12 năm qua. Số là trong hành trình đến ngôi vô địch đôi nam ở Mỹ mở rộng 2005, Bob và Mike đã “liều mình” thực hiện hành động đầy rủi ro đối với sự nghiệp quần vợt của họ: kiện Hiệp hội quần vợt nam chuyên nghiệp thế giới (ATP).
Đổi lại, vụ kiện tạo ra bước ngoặt trong việc cứu nội dung thi đấu đôi khỏi “nạn diệt vong” ở các giải đấu lớn, trong đó có Grand Slam. Hơn thế nữa, mười năm sau, thi đấu đôi trở thành phần không thể thiếu, tiền thưởng cũng tăng và các chuyên gia đánh đôi tiếp tục có cuộc sống dễ thở ở nghiệp đánh giải chuyên nghiệp.
Vụ kiện vào năm 2005 của anh em nhà Bryan xoay quanh những dự tính thay đổi về luật của ATP. Tổ chức quản lý và phát triển quần vợt chuyên nghiệp thế giới muốn khuyến khích thêm các ngôi sao đánh đơn dự nội dung đôi và chỉ có những tay vợt có xếp hạng đơn nam mới được vào đấu ở các giải đôi.
Ngoài ra, ATP còn muốn cắt thời lượng của các trận đôi bằng việc thay đổi thể thức điểm như không áp dụng điểm lợi giao (khi hòa 40-40, bên nào giành điểm tiếp theo sẽ thắng, còn gọi là bóng vàng), đấu tie-break khi hòa 4/4… Những thay đổi này dự kiến áp dụng vào năm 2008, có thể khiến nhiều chuyên gia đánh đôi “mất việc”.
Ngay tại Mỹ mở rộng 2005, Bob và Mike tổ chức họp báo, công bố việc khởi kiện ATP tại bang Texas. Họ chi nhiều tiền hơn những đôi nam khác ở các khoản phí pháp lý cũng như gây quỹ tài chính cho vụ kiện với một số khoản đóng góp ở mức 250 USD. Theo sau Bob và Mike là 43 tay vợt khác.
Vụ kiện của anh em nhà Bryan đã giúp cho nội dung đánh đôi không bị "khai tử" - Ảnh: AFP
|
Cặp anh em song sinh lừng danh còn tổ chức các giải biểu diễn khắp nước Mỹ, kết hợp vận động tài chính và tiếp xúc với người hâm mộ, nhà tài trợ và các đơn vị tổ chức giải. Cuộc đấu tranh pháp lý diễn ra trong nhiều tháng và cuối cùng cũng nhận được sự hậu thuẫn quan trọng khi Etienne de Villiers, nhân vật ủng hộ sự phát triển của nội dung đôi nam lên làm chủ tịch ATP thay cho Mark Miles.
Cuối cùng, ATP nhượng bộ và vụ kiện chấm dứt vào cuối tháng 2.2006. Tuy nhiên, bên nguyên đơn và các tay vợt phải chấp nhận một số thay đổi, trong đó có việc không áp dụng điểm lợi giao, đấu tie-break ở ván thứ ba.
Những đổi mới khắc nghiệt hơn về điều kiện tham gia cũng khiến các chuyên gia đánh đôi đầu tư nhiều hơn, chuyên nghiệp hơn, trong đó có thuê HLV, chuyên gia thể lực, dinh dưỡng để có phong độ tối ưu nhất.
Song song đó, cách tân cũng giúp kéo dài tuổi nghề. Nhiều chuyên gia đánh đôi hàng đầu hiện nay ở độ tuổi cuối 30, đầu 40. Các ngôi sao đánh đôi cao tuổi đáng chú ý là Nenad Zimonjic (39 tuổi), Daniel Nestor (43 tuổi), nhà vô địch đôi Mỹ mở rộng 2013 Leander Paes (42 tuổi).
Những vấn đề quan trọng khác cũng tốt hơn nhiều. Bởi lẽ, ngày càng nhiều chuyên gia đánh đơn dự nội dung đôi, đẳng cấp được nâng lên, các nhà đài dễ thở hơn và tiền thưởng cũng đi lên. Năm nay, tổng quỹ thưởng nội dung đôi của ATP tăng lên 17,7 triệu USD (9,6 triệu USD vào năm 2005). Nếu xét thêm bộ tứ Grand Slam, con số này hiện ở mức hơn 28 triệu USD (16 triệu USD hồi 10 năm trước).
Bình luận (0)