Với số vốn tích lũy sau 3 năm đi lao động tại Nhật Bản, hai anh em Mai Hữu Thuận, Mai Hữu Lợi ở xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) quyết định đầu tư cho chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp.
Sau khi mua đất trồng được trên 5 ha cây cao su và trên 2 ha ca cao, số vốn còn lại hai em Thuận – Lợi mua 12 con nai nuôi lấy nhung với giá 250 triệu đồng. Lượng phân nai thải ra được làm phân bón cao su và làm nguyên liệu nuôi trùn quế. Nguồn trùn quế được làm thức ăn nuôi 3.000 con ếch.
Tham khảo trên mạng thấy có mô hình nuôi rắn, mà rắn ở vùng nông thôn có khá nhiều, hằng ngày đi làm rẫy vẫn gặp nhiều rắn con loại hổ vện, Thuận bắt về nuôi. Dần dần số lượng lên đến hơn 100 con. Hai anh nuôi rắn theo mô hình bán hoang dã và nuôi trong trong hộp gỗ.
Nguồn thức ăn cho rắn là những con ếch loại thải và cóc, nhái. Được chăm sóc chu đáo, sau khoảng một năm, từ những rắn con dài bằng chiếc đũa, đàn rắn đã đạt trọng lượng từ 1 đến 2 kg/con và bắt đầu đẻ trứng.
Mày mò học cách ấp trứng rắn, bước đầu các anh đã bổ sung thêm đàn rắn từ nguồn nhân tạo. “Mỗi con rắn đẻ hơn chục trứng ở mỗi kỳ sinh sản, nếu ấp đạt tỷ lệ chỉ 50% thì chúng tôi đã có vài chục rắn con mỗi chu kỳ ấp”- anh Lợi cho biết.
Dẫn chúng tôi thăm đàn nai, anh Thuận cho biết sau 4 năm chăm sóc, đã thu hoạch 5 đợt lấy nhung với khoảng 30kg. Chỉ riêng tiền bán nhung nai với giá 7- 10 triệu đồng/kg, chưa kể đàn nai đã sinh sản thêm, hai anh lấy lại vốn đầu tư ban đầu. Vườn cao su cũng đã cho mủ bán hằng ngày, đều đặn mỗi tháng thu hoạch từ 30 - 40 triệu đồng.
Anh Thuận cho biết: “Ước tính vốn đầu tư vào mô hình chăn nuôi, trồng trọt khép kín đến nay đã khoảng 2 tỷ đồng, đổi lại ước tính thu hoạch mỗi năm đã đạt được lợi nhuận hàng trăm triệu đồng”.
Theo anh Thuận thì ngoài suy nghĩ tìm tòi cách làm kinh tế hiệu quả nhất, các anh còn được sự quan tâm hỗ trợ của hội Nông dân, Đoàn Thanh niên của xã qua các chương trình tập huấn, tư vấn hỗ trợ về kỹ thuật về lai ghép cây trồng, vật nuôi.
Ngoài công việc chăn nuôi trồng trọt phát triển kinh tế gia đình, hai anh em Thuận và Lợi còn tham gia tích cực công tác Đoàn - Hội tại địa phương.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Thúc Sơn, Bí thư Đoàn xã Trị An cho biết: “Hai anh Thuận và Lợi là điển hình thanh niên tiên tiến của địa phương, từ hoàn cảnh khó khăn, các anh đã phấn đấu trở thành thanh niên làm kinh tế giỏi với mô hình kinh tế khép kín. Các anh còn là nhân tố tích cực tham gia các hoạt động phong trào thanh thiếu niên của địa phương”.
Đoàn là cầu nối giữa thanh niên và doanh nghiệp Hôm qua, 23-12, tại Hà Tĩnh, T.Ư Đoàn tổ chức Hội nghị xúc tiến nghề nghiệp việc làm và học nghề thanh niên khu vực Bắc Trung Bộ thuộc đề án 103. Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng dự và chỉ đạo hội nghị. Phát biểu tại hội nghị, đại diện các trường đại học, cao đẳng nghề đề nghị lãnh đạo tỉnh, doanh nghiệp cần phải có cơ chế rõ ràng để thu hút lao động, đặc biệt là đội ngũ bộ đội xuất ngũ. Đại diện các trường đề nghị các doanh nghiệp cần chú trọng hơn trong việc phối hợp, liên kết đào tạo đúng ngành, nghề doanh nghiệp đang thiếu. Tại hội nghị, đại biểu các tỉnh đã đưa ra nhiều mô hình giới thiệu việc làm hoạt động đưa lại hiệu quả cao để cùng thảo luận, trao đổi. Phát biểu tại hội nghị, Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng nhấn mạnh, tổ chức đoàn cần phải giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức nghề nghiệp, việc làm trong tầng lớp thanh niên. Đồng thời phải thường xuyên tổ chức, thông tin đầy đủ về nhu cầu của địa phương, doanh nghiệp cho thanh niên, sinh viên. Đoàn phải là cầu nối giữa thanh niên và doanh nghiệp. |
Theo Mạnh Thắng - Minh Thùy / Tiền Phong
Bình luận (0)