Anonymous đấu IS: Ai đang chiếm thế thượng phong?

27/11/2015 09:23 GMT+7

Nhân sự kiện Anonymous phát động chiến dịch chống tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) sau vụ khủng bố đẫm máu Paris, hãng tin CBS (Mỹ) có bài tổng hợp nhận định của các chuyên gia về cuộc chiến điện tử này.

Nhân sự kiện Anonymous phát động chiến dịch chống tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) sau vụ khủng bố đẫm máu Paris, hãng tin CBS (Mỹ) có bài tổng hợp nhận định của các chuyên gia về cuộc chiến điện tử này.

Anonymous tuyên chiến với IS hôm 16.11 - Ảnh: Reuters Anonymous tuyên chiến với IS hôm 16.11 - Ảnh: Reuters
CBS cho biết chỉ vài ngày sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Paris, nhóm tin tặc Anonymous đã tuyên bố phát động chiến dịch chống IS trên mặt trận internet.
Anonymous cho biết đã “đánh sập” 20.000 tài khoản Twitter của những kẻ ủng hộ tổ chức Hồi giáo cực đoan. Tuy nhiên, hiệu quả của chiến dịch tấn công trực tuyến của nhóm tin tặc này ra sao vẫn là một dấu hỏi lớn, theo các chuyên gia.
Giới quan sát cho rằng mặc dù tài khoản một số kẻ ủng hộ IS tạm thời không thể hiện diện trên các trang mạng xã hội, nhưng đã có một vài chỉ trích cho rằng Anonymous chỉ cố “làm găng” để xuất hiện trên các trang nhất.
Phía chỉ trích Anonymous còn nói thêm rằng một vài cái trong số những tài khoản mạng xã hội Twittter bị nhóm tin tặc này đánh sập có vẻ như chẳng liên quan gì đến IS.
CBS bình luận với bản chất tổ chức không rõ ràng của Anonymous (không có số lượng thành viên xác đình và không có thủ lĩnh hay người phát ngôn chính thức), có lẽ không có gì ngạc nhiên khi lời hiệu triệu chiến tranh số đã làm dấy lên một phong trào không có tổ chức.
Bà Gabrielle Coleman, chuyên gia nghiên cứu IS của Trường đại học McGill (Canada), cho biết Anonymous đã trở nên đáng gờm hơn so với lần phản ứng với vụ thảm sát ở tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo ở Paris hồi đầu năm nay.
“Nhìn vào những gì đang diễn ra với lần tuyên chiến này (của Anonymous), các bạn sẽ thấy được rằng nó chẳng tạo ra được tác động gì đáng kể. Cụ thể là nó chẳng liên quan gì đến Anonymous, mà chỉ làm nổi lên thực tế rằng IS đã giành được sự chú ý cực lớn từ giới truyền thông thế giới thông qua vô vàn các kênh tuyên truyền”, bà Coleman nói với CBS.
Trên mạng internet, IS như mãng xà nhiều đầu
Có chuyên gia cho rằng chiến dịch chống IS của Anonymous không hiệu quả vì quá hỗn độn - Ảnh: Reuters
Chuyên gia Coleman cho rằng hiện có quá nhiều người hưởng ứng lời kêu gọi của Anonymous và điều này đã tạo ra một mạng lưới tin tặc cồng kềnh, khiến nỗ lực cùng chống IS trên các trang mạng xã hội trở nên hỗn loạn.
Cứ hình dung sự hiện diện trên mạng xã hội của IS như con mãng xà nhiều đầu trong thần thoại Hy Lạp, với khả năng mọc lại mỗi khi đầu bị chặt xuống. Tương tự, mỗi tài khoản trên Twitter hay Telegram của tổ chức Hồi giáo cực đoan bị đánh sập, thì lại có một cái khác thay thế nhanh chóng, bà nói. Điều này cho thấy chiến dịch chống IS trên mạng chẳng đem lại tác động gì.
“Tình hình hiện tại khá hỗn loạn, khá điên loạn và thiếu kiểm soát. Nhưng sau vài tuần hoặc vài tháng, khi phần lớn những kẻ hưởng ứng đã chán chê, sẽ chỉ còn lại thành phần cứng cỏi. Những người này có thể thiết lập một sự kiểm soát hiệu quả hơn… nhưng khi nào điều này xảy ra vẫn còn phải chờ đã”, theo nữ chuyên gia Coleman.
Giáo sư Scott J. White, chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực an ninh quốc gia thuộc Trường đại học Drexel (Mỹ), nhận định mặt trận mạng xã hội có vai trò rất quan trọng đối với cuộc chiến chống IS do tổ chức khủng bố này đã cho thấy sự lợi hại trong việc tuyên truyền và tuyển mộ thông qua các kênh kỹ thuật số.
Ông còn bình luận thêm rằng cuộc chiến giữa Anonymous và IS là cuộc đối đầu giữa 2 phía đều thuộc thế hệ trưởng thành trong thời đại mạng xã hội. Hai bên đều có nhận thức tinh tế về sức mạnh của công nghệ và khả năng lan truyền thông tin nhanh chóng của công nghệ.
“Anonymous có thể đánh sập các trang web và tài khoản mạng xã hội của IS, nhằm cho thấy bọn chúng cũng có thể bị tổn thương, và có thể là không quá khôn khéo, như bất kỳ ai. Tuy nhiên, lẫn trong các tài khoản này có thể là của các cơ quan an ninh được giao nhiệm vụ ‘nằm vùng’ để theo dõi IS. Việc đánh sập website, tài khoản của IS có thể được coi là một thành công, nhưng mặt khác, nó có thể làm sập chỗ thu thập tin tức tình báo hữu dụng cho các cơ quan an ninh”, ông White cho hay.
Các chuyên gia cho rằng cuộc chiến điện tử giữa IS và Anonymous có thể dẫn đến việc hình thành kiểu công lý trực tuyến tự phát.
“Mọi người cứ lên các diễn đàn trực tuyến, rồi cố tự thu lượm các dữ liệu tình báo. Chúng ta đã được thấy điều này trong cuộc săn lùng những kẻ ấu dâm, khi mà cả Anonymous và những người không thuộc nhóm hiện tìm cách lần ra những kẻ này… Họ gửi thông tin lùng tìm được cho FBI. Không rõ điều này có lợi hay không, nhưng rõ ràng nó đang hữu ích trong con mắt của công chúng”, ông White nói.
Tuy nhiên, chiến dịch phanh phui danh tính các thành viên KKK của Anonymous đã vấp phải sự chỉ trích từ dư luận và có nhiều người tố cáo họ bị vu khống.
CBS kết luận rằng làn sóng tấn công điện tử nhằm vào các lực lượng như IS do người dân phát động đã đánh dấu một bước phát triển mới trong cuộc chiến chống khủng bố, trong khi chiến thuật dùng mạng xã hội để tuyên truyền của IS đã đánh dấu một bước phát triển mới trong cách tuyên chiến.
“Các tổ chức khủng bố không thay đổi những gì chúng đang làm, mà chỉ thay đổi phương thức hoạt động. Khủng bố vẫn luôn là khủng bố, mục tiêu của chúng vẫn là dùng bạo lực để buộc một chính phủ và một dân tộc thay đổi chính sách kinh tế, chính trị hoặc xã hội”, ông White cho biết.
“Phương tiện phát tán thông tin giờ đã thay đổi ở cả 2 bên chiến tuyến, cả IS lẫn Anonymous”, giáo sư này nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.