Những bước đi ban đầu đã được G20 thực hiện tại Hội nghị cấp cao hồi tháng 2 ở Pháp, cụ thể là xác định được 5 chỉ số làm cơ sở để đánh giá tình trạng mất cân đối. Tại hội nghị lần này, G20 đã nhất trí được về quy trình và phương pháp để giảm bớt những mất cân đối đó. Theo đó, những nền kinh tế lớn nhất trong nhóm - G20 không nêu cụ thể, nhưng chắc chắn không thể thiếu Mỹ, Trung Quốc, Đức, Nhật, Pháp... - sẽ bị giám sát và xem xét thực trạng tài chính, ngân sách, vay nợ công, thương mại.... để phát hiện xem những thâm hụt hay dư thừa có ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới nói chung và các nền kinh tế khác hay không. Trên cơ sở đó sẽ có những khuyến nghị đối với các nước này.
Có thể hiểu kết quả nói trên, dù vẫn còn khá chung chung và còn cần phải được cụ thể hóa, bổ sung và hoàn thiện, như lời tuyên chiến mạnh mẽ với khủng hoảng. Nó định hình rõ nét hơn nền tảng cho hệ thống kinh tế và tài chính mới trên thế giới. Đồng thời, kết quả đó cũng cho thấy G20 đang áp đặt các thành viên phải tuân thủ những quy tắc ứng xử nhất định và thống nhất về kinh tế, thương mại, tài chính và tiền tệ. Dù chưa thể hết hoài nghi về tính khả thi của bộ quy tắc này nhưng quyết tâm và định hướng của G20 thể hiện rất đáng được khích lệ.
Thảo Nguyên
Bình luận (0)