Áp lực tâm lý mùa thi: 'Con làm sao thì làm, ráng học cho được bằng anh'!

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
07/07/2020 08:44 GMT+7

Vào giữa tháng 7, học sinh lớp 9 sẽ thi lên lớp 10, sau đó là kỳ thi tốt nghiệp THPT của học sinh lớp 12. Nhiều em cho biết càng gần ngày thi càng chịu áp lực tâm lý càng lớn, lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi.

 

Áp lực tứ phía

Là một học sinh (HS) giỏi 12 năm liền, nhưng Bùi Liên, HS lớp 12 tại một trường THPT chuyên ở TP.HCM, cho biết đã có lúc nghĩ tới cái chết.
Ba mẹ Liên đều là giáo viên, nhà chỉ có hai anh em, anh trai của Liên đã nhận học bổng và hiện đang du học ở Mỹ. 3 năm trước, khi anh trai đi du học cũng là lúc Liên chuẩn bị thi lên lớp 10. “Lúc đó ba mẹ em chỉ nói một câu: Con làm sao thì làm, ráng học cho được bằng anh”.
Vì muốn “được bằng anh” nên 3 năm nay Liên chỉ biết “cắm đầu” vào học. Liên thích hội họa, chỉ muốn dành thời gian cho đam mê của mình, nhưng lịch học ở trường kín mít, buổi tối ba mẹ cũng đăng ký sẵn lịch học thêm nên Liên dần quên mơ ước trở thành họa sĩ.
“Mỗi ngày em học khoảng 7 tiết ở trường và 2,5 tiết ở các trung tâm. Em cũng tự học vào buổi tối khoảng 3 - 4 tiếng/ngày. Đó là những năm trước, còn bây giờ khi thời gian thi gần tới, em không nhớ nổi mình học một ngày bao nhiêu tiếng, chỉ biết cả ngày học chính, học ôn ở trường, tối đến tiếp tục học thêm sau đó về nhà có khi học tới 1 - 2 giờ sáng hôm sau. Cuối tuần cũng học. Nhiều lúc em mệt mỏi lắm, chỉ muốn nghỉ một vài ngày nhưng thấy các bạn đang “cắm đầu” học, thầy cô thúc giục, ba mẹ thì mong mỏi con đậu vào trường này trường kia nên em không thể ngừng lại được. Áp lực tứ phía”, Bùi Liên tâm sự.
Tương tự, Ngọc Anh, HS lớp 12 tại TP.HCM, cũng cho biết càng đến gần ngày thi càng căng thẳng. “Sắp thi rồi, mình áp lực quá, học bài chẳng còn thấy vào chữ nào. Có bạn nào bị áp lực giống mình không, học ngày học đêm mà sáng ra chả nhớ gì”, Ngọc Anh chia sẻ trên diễn đàn của một nhóm HS.
Chia sẻ về việc học của mình, Ngọc Anh cho biết phần lớn thời gian của mình đều dành cho việc học nhưng càng gần tới ngày thi, nữ sinh này càng bị áp lực tâm lý. “Em lo lắng cho kỳ thi sắp tới, vì em đăng ký nguyện vọng vào trường có điểm chuẩn hằng năm khá cao, nếu không đậu em không biết phải làm gì tiếp theo”, Ngọc Anh chia sẻ.
Nhiều lúc em mệt mỏi lắm, chỉ muốn nghỉ một vài ngày 
Bùi Liên, học sinh  lớp 12 tại một trường THPT chuyên ở TP.HCM 

Hậu quả nặng nề

Chia sẻ về vấn đề áp lực tâm lý của HS trước các kỳ thi, tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A lý giải: “Học tập là một trong những hoạt động chủ đạo của các HS. Vì vậy, khi đối diện với những kỳ thi, các em rất dễ nảy sinh tình trạng căng thẳng, lo âu, đặc biệt là khi các em đứng trước những kỳ thi quan trọng trong sự nghiệp học hành, ảnh hưởng khá nhiều đến hướng đi tiếp theo của các em như thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp, xét tuyển đại học, du học…”.
Theo tiến sĩ Tô Nhi A, nếu tình trạng này kéo dài dễ dẫn đến những hệ quả rất lớn. Đầu tiên nếu bị căng thẳng, các em sẽ không thể tập trung vào việc học. “Điều này tạo ra tình huống rất mâu thuẫn là các em rất mong muốn đạt được thành quả trong kỳ thi sắp tới nhưng các em càng lo lắng, áp lực thì lại không thể tập trung, học tốt”, tiến sĩ Nhi A nói.
Nghiêm trọng hơn, việc bị áp lực kéo dài khiến các em rất dễ chán nản, sợ hãi việc học. Tình trạng căng thẳng, áp lực không chỉ tác động đến việc học mà còn tác động đến những hoạt động sinh học của cơ thể, các em luôn cảm thấy mệt mỏi, uể oải. Chính điều này khiến việc thu nhận thông tin của hệ thần kinh không còn hiệu quả, dẫn đến việc học sa sút.
Trong việc giải quyết áp lực tâm lý cho HS, theo tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A, vai trò của những người đồng hành rất quan trọng, nhất là phụ huynh và giáo viên. Trước tiên, phụ huynh phải cùng con thiết lập được mục tiêu học tập của mình. Phụ huynh phải xác định tư tưởng, rằng học tập là một quá trình dài và cần phải chủ động từ đầu để thiết lập mục tiêu từng chặng và vừa sức với con.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.