Ấp ủ cho sự học

13/02/2013 05:55 GMT+7

(TN Xuân) Đó là gia đình cụ Nguyễn Văn Đôn (ở ấp 3, xã Bình Hòa, H.Giồng Trôm, Bến Tre).

Con cháu cụ (tính cả dâu rể) có 16 người tốt nghiệp đại học và sau đại học, trong đó có 5 người có học vị tiến sĩ (TS).

Không để đất, chỉ để chữ

Ông Nguyễn Văn Cửng (72 tuổi, con thứ tư của cụ Đôn) tự hào kể về cha mình: “Dù nhà không có nhiều đất, nhưng sau giải phóng (1975), cha tui sẵn lòng đem mấy công đất hiến cho cách mạng để san sẻ cho những cảnh nhà nghèo túng tại địa phương. Ông bảo, để đất đai, tài sản chi cho nhiều khiến con cháu sinh ỷ lại. Cái cần là biết sống sao cho phải lẽ, kiếm cho được cái chữ, cái nghề, sống mới lâu bền”. Cụ Đôn sinh năm 1916 và đã qua đời cách nay 16 năm.

Do hoàn cảnh chiến tranh, ông Cửng cũng chỉ học được đến bậc tiểu học. Nhưng nhớ lời cha dạy, ông ráng sức chăm lo sao cho con cái nên người. Ông kể, vợ chồng ông có đến 10 người con. Để lo cho từng đó con ăn học, ông phải khéo sắp xếp mọi người trong nhà sinh hoạt có nền nếp. Nhà có bảng phân công để phân ai giờ nào việc nấy. Riêng sắp nhỏ thì được căn dặn đứa lớn phải làm gương và kèm cặp cho đứa nhỏ, còn đứa nhỏ phải biết noi gương và vâng lời đứa lớn. Khi đứa lớn cư xử có gì quá đáng với đứa nhỏ thì ông kêu ra góp ý riêng để tránh cho đứa nhỏ được nước làm lờn. Sắp nhỏ cũng được chỉ dạy không chỉ biết lo học, còn biết phụ vào công chuyện chung của gia đình. Buông giờ học ra, đứa lớn nhỏ đều được sắp việc phù hợp, chẳng hạn lớn có thể móc mương, chuyển bùn bồi vườn; còn nhỏ thì xách lưới đi chài tôm tép phụ thêm cho bữa ăn chung...

Ông Cửng rất hài lòng khi trong 10 người con của mình, có 7 người học xong đại học. Trong đó, “cậu út” vừa lấy xong bằng thạc sĩ kiến trúc, còn người con thứ 7 là Nguyễn Văn Phong (37 tuổi) đã đạt TS từ năm 2008 tại Viện Nghiên cứu nông nghiệp Ấn Độ và hiện là Trưởng phòng Công nghệ sau thu hoạch của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam. Vợ anh Phong, chị Nguyễn Thị Ngọc Trúc, cũng là TS, hiện đang giữ chức Phó giám đốc Trung tâm chuyển giao kỹ thuật của viện.

Ấp ủ cho sự học
Vợ chồng GS - TS Lang (trái) và vợ chồng TS Bảo (phải) - Ảnh do gia đình cung cấp

Một “tiểu”gia đình tiến sĩ

Đó là gia đình của Giáo sư, tiến sĩ (GS-TS) Nguyễn Thị Lang. Bà Lang là con thứ 9 của cụ Đôn. Bà đạt học vị TS năm 1994 và được phong hàm GS năm 2009, hiện là nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Lúa ĐBSCL. Công lao to lớn của bà là đã tạo ra 43 giống lúa được công nhận là giống lúa quốc gia trong đó có những giống như OM 2424, OM 4900, OM 5629... có khả năng chống chịu phèn mặn, ngập lụt, kháng rầy nâu, thích ứng với môi trường khí hậu khắc nghiệt và cho năng suất cao, chất lượng tốt.

Chồng bà Lang là GS-TS Bùi Chí Bửu, hiện là Phó giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam và là Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam. GS Bửu được đánh giá có nhiều công sức trong việc xây dựng và phát triển Viện Lúa ĐBSCL, tạo ra được các giống lúa thích ứng với điều kiện canh tác trong vùng, đặc biệt là một trong những tác giả chính của đề xuất chương trình “1 triệu ha xuất khẩu lúa gạo” từ những năm 1990, hằng năm thu về cho đất nước hàng chục triệu USD. Ông từng được Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000 và giải nhất Nhân tài đất Việt năm 2010.

Con trai của hai ông bà, anh Bùi Chí Bảo (29 tuổi) hiện giảng dạy và nghiên cứu tại Khoa Y, Trung tâm y sinh học phân tử, Đại học (ĐH) Y Dược TP.HCM. Anh bảo vệ thành công luận án TS tại Trường ĐH Y Sungkyunkwan, Viện Y sinh học Samsung, Hàn Quốc vào năm 2011. Vợ Bảo, chị Châu Gia Các, công tác tại Khoa Vi sinh, Bệnh viện Chợ Rẫy từ năm 2005, hiện đang ở Hàn Quốc để đeo đuổi đề tài nghiên cứu các bệnh liên quan đến chuyển hóa năng lượng như béo phì, tiểu đường và ung thư với dự kiến sẽ nhận bằng TS vào đầu năm 2014.

Ở một vùng đất còn nhiều khó khăn mà nhà nước phải định ra nhiều chính sách đặc thù để khuyến khích việc học, thì truyền thống hiếu học của gia đình cụ Nguyễn Văn Đôn quả là một tấm gương đầy ý nghĩa.

Nguyễn Khoa Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.