Tối ưu và tiện dụng
Chỉ cần gõ từ khoá “App thiết kế thời trang” hoặc “Ứng dụng thiết kế thời trang” thì hàng triệu kết quả từ Google lập tức được trả về. Thế nhưng, hãy bỏ đi các game, bỏ đi các phần mềm thiết kế mang tính kỹ thuật, thịnh hành hiện nay là một số ứng dụng như: T Shirt Design, Fashion Design, 3D Dress… được xem là những ứng dụng thiết kế thời trang dành cho các nhà thiết kế thời trang trên điện thoại.
Hơn cả kỳ vọng, nó rất dễ sử dụng, các thao tác, các hướng dẫn rất rõ ràng, không mất phí chỉ việc download và trải nghiệm. Tới mức, các tín đồ thời trang cũng có thể thử thể hiện sự sáng tạo của mình trên chính các phần mềm này.
Tức, người dùng có tự chụp ảnh, sau đó sử dụng ứng dụng để vẽ lên các chi tiết mong muốn từ màu sắc đến các chi tiết, hoạ tiết trang trí. Thậm chí nó đã có sẵn một số mẫu vẽ, logo có sẵn, người dùng chỉ việc chọn.
Cùng với đó, ứng dụng cũng cho phép tự viết chữ để người dùng có thể tự sáng tạo, thể hiện các slogan, câu nói mình ưa thích trên sản phẩm thời trang do mình thiết kế nên rất thú vị.
Ở một số ứng dụng khác như Fashion Design Illustration ideas, Sketsa busana, Dress Gown Drawing…, người dùng có sẵn các “cốt” tức các mẫu vẽ từ sơ đẳng, đơn giản nhất đến hoàn chỉnh nhất để từ đó có thể lưu về và dần thêm vào các ý tưởng của mình, tập phác thảo trên thực tế.
Cũng có những ứng dụng đưa ra từng bước hướng dẫn cụ thể, người dùng có thể đặt từng nét vẽ trên ứng dụng, qua từng bước, dần tạo nên một bức phác thảo hoàn chỉnh, rồi thêm màu, thêm kiểu, phụ kiện để xây dựng hình dung, hiện thực hoá tưởng tượng.
Bỏ đi nỗi lo về thiếu hụt “hoa tay” vẽ vời hay khiếu hội hoạ, bất kỳ người dùng nào cũng có thể tự mình trải nghiệm thời trang trong vai trò là nhà thiết kế, tự mình tích luỹ kinh nghiệm về thẩm mỹ, nghệ thuật thông qua các gợi ý từ ứng dụng.
Không chỉ là một trò chơi mà là “một cộng sự” đơn giản, vui tính, các ứng dụng thiết kế thời trang khá hữu ích với các bạn trẻ đang cần định hướng nghề nghiệp hay các mẹ muốn kết nối con mình với các kỹ năng nghề nghiệp lành mạnh vừa nghiêm túc vừa thú vị.
Trong bối cảnh, một số các nhà thiết kế Việt còn thiếu kiến thức, kỹ năng thời trang chuyên nghiệp, các bạn trẻ còn thiếu các cơ hội tìm hiểu, trải nghiệm, định hướng nghề nghiệp thì việc ra đời của các ứng dụng này là rất cần thiết, như những khoảng sáng hấp dẫn trong ngành thời trang Việt và trong nghề thiết kế thời trang.
Có thể thay thế phác thảo chì bằng tay?
Nguyễn Minh Tuấn, giảng viên ngành Thiết kế thời trang, Đại học HUTECH chia sẻ về vấn đề này: Trong thiết kế thời trang, luôn phải có ba bước: tìm kiếm nguồn cảm hứng, hình thành ý tưởng, phác thảo và xây dựng bộ sưu tập.
Nhiều nhà thiết kế Việt, đặc biệt là những nhà thiết kế không trải qua các chương trình đào tạo chính quy, chuyên nghiệp sẽ gặp khó ở khâu thứ hai đó là phác thảo các bản vẽ thiết kế thời trang.
Để khắc phục điều này, các nhà thiết kế có thể tìm kiếm người đồng hành– các trợ lý thiết kế, là những bạn trẻ được đào tạo bài bản hoặc tham gia các lớp học ngắn hạn về vẽ mẫu hay các lớp học về nghệ thuật. Tuy nhiên, thực tế cũng có những cản trở, không phải ai cũng có thời gian theo học hoặc không phải lúc nào cũng có thể tìm được người đồng hành, trợ lý ưng ý, phù hợp.
Đơn giản hơn là kỹ năng làm việc theo team ( đội, nhóm) không phải ai cũng có. Thế nên nhiều hệ luỵ có thể xảy ra. Bản thân nhà thiết kế không có được các bản thảo, bộ phác thảo đủ tốt để chinh phục các khách hàng lớn, chuyên nghiệp, khó tính ( hạn chế cơ hội phát triển nghề, mất cơ hội doanh thu).
Ở góc độ khác, họ rất dễ đi vào lối mòn thiết kế, bí tư duy, ý tưởng, thường xuyên phải vay mượn ý tưởng của người khác mang về “xào nấu”…, xảy ra các cãi cọ ảnh hưởng uy tín, nghề nghiệp.
Chính vì vậy, công bằng mà nói sự phát triển về công nghệ cùng sự phổ cập mạnh mẽ của internet cho phép các nhà thiết kế bù đắp điểm yếu của mình.
Cá nhân tôi nhận thấy các bạn trẻ ngày nay rất giỏi, thường khi ra trường hoặc thậm chí là khi bước vào trường học nghề thiết kế có khi các bạn đã biết vẽ ( vẽ tay và vẽ máy). Thế nhưng các ứng dụng vẫn sẽ mang lại những “khoảnh khắc giải trí”, mang đến các trải nghiệm thú vị, làm dày lên sự sáng tạo.
Riêng với bản thân mình, tôi vẫn thích bắt đầu những nét đầu tiên tạo ra mẫu thiết kế bằng các phác thảo chì, bằng tay. Nó là xúc cảm. Từ sự tưởng tượng, xuống nét chì bao giờ tôi cũng có những háo hức đặc biệt. Vẽ tay, vẽ chì, hoạ màu, đôi khi là đam mê của người làm nghệ thuật nói chung và của các nhà thiết kế như tôi nói riêng…