Apple, Samsung đổ tiền thúc đẩy kinh tế thế giới

28/02/2018 18:11 GMT+7

Một số công ty lớn trên thế giới đang nỗ lực đầu tư vào những kế hoạch phát triển mới như một động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.

Các nền kinh tế công nghiệp lớn bao gồm Mỹ và Nhật đã dẫn đầu sự hồi phục chi tiêu vốn trong thời gian gần đây và mở rộng làn sóng đầu tư sang các nền kinh tế đang phát triển cũng như các công ty lớn trên toàn cầu.
“Xu hướng hiện tại đang đi từ sự tăng trưởng đồng bộ đến đầu tư vốn đồng bộ”, Chetan Ahya, giám đốc kinh tế toàn cầu của Morgan Stanley tại Hồng Kông, cho biết.
Các nhà quản lý đang theo kịp nhu cầu bằng cách đổ tiền vào nghiên cứu và phát triển những kế hoạch kinh doanh mới. Phần chi tiêu này vừa tiếp thêm động lực thúc đẩy kinh tế thế giới, vừa tạo ra hiệu quả lâu dài cho doanh nghiệp khi năng suất tăng và nguồn thu được “vỗ béo”. Phần lớn khoản thu hồi vốn có thể đạt được từ sự phát triển mạnh mẽ của điện thoại thông minh và xe điện.
Theo Bloomberg, làn sóng đầu tư, nâng cấp sản phẩm của Apple và Samsung Electronics đang thúc đẩy nhu cầu trong ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó vốn đầu tư toàn cầu được ước tính sẽ tăng gần 30% trong 12 tháng tới. Điều này là một lợi ích cho các nhà xuất khẩu công nghệ cao của châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.
Win Semiconductors, công ty Đài Loan chuyên sản xuất các thành phần laser cho chức năng nhận diện khuôn mặt của iPhone X, dự định tăng vốn đầu tư lên 239 triệu USD trong năm nay, gần gấp đôi so với số tiền bỏ ra trong năm 2017. AMS AG, công ty Áo sản xuất cảm biến quang học cho điện thoại di động của cả Apple và Samsung, cũng ghi nhận mức tăng vốn đầu tư từ 91,7 triệu euro năm 2016 lên 582 triệu euro trong năm 2017, chủ yếu do sự mở rộng ở Singapore. Hãng này ước tính sẽ chi tiêu thêm 600 triệu USD trong năm nay.
Giá hàng hóa tăng, chi tiêu ngân sách cao hơn và nhu cầu trong nước bùng nổ là yếu tố thúc đẩy chi tiêu của các doanh nghiệp ở châu Á. Indonesia, Philippines và Ấn Độ sẽ là những nước hưởng lợi cả trong ngắn hạn và trung hạn từ xu hướng này. Joao Cesar, chuyên gia phân tích đầu tư của Mirae Asset Global Investment, cho biết khoảng 69% các công ty châu Á đã tăng vốn đầu tư vào năm ngoái, tăng so với 48% trong năm 2016.
Theo Bloomberg, các nhà sản xuất ô tô ở châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc cũng sẽ lần lượt tăng vốn đầu tư thêm 40%, 23% và 21% trong 12 tháng tới. Volkswagen AG sẽ chi hơn 34 tỉ euro trong 5 năm tới để phát triển công nghệ ô tô cho kỷ nguyên ô tô điện tự động.
Song, không phải tất cả các nơi trên thế giới đều có chung mức phục hồi vốn, đặc biệt khi căng thẳng giữa Mỹ và các đối tác thương mại chính vẫn đang diễn ra. Tại Mỹ Latin, khu vực vẫn đang lùi dần từ cuộc suy thoái ở Brazil và biến động ở Mexico trong bối cảnh đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), đầu tư vẫn chưa thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ.
Dựa trên số liệu của Bloomberg, chi tiêu của 20 công ty lớn nhất Mỹ Latin đã giảm 21% xuống còn 51,8 tỉ USD vào năm 2016 so với một năm trước đó. Các số liệu đầu năm 2017 chỉ ra sự suy thoái rộng vẫn tiếp diễn.
“Đầu tư vào các nền kinh tế trung tâm của Mỹ Latin không phải là viễn cảnh tươi đẹp”, Michael Moran, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế khu vực châu Mỹ của Standard Chartered, nói.
Tuy nhiên, tình hình từ đầu năm 2018 cho thấy nhiều hứa hẹn hơn. Các công ty lớn như America Movil SAB, hãng viễn thông khổng lồ của Mexico, đã công bố kế hoạch chi 8 tỉ USD vốn đầu tư trong năm nay, tăng 500 triệu USD so với năm 2017.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.