>> Cứu 8 ngư dân bị tàu lạ đâm chìm
>> Yêu cầu Trung Quốc bồi thường cho ngư dân Việt Nam
>> Nhiều ngư dân được ứng cứu
Đây là một trong những vấn đề được thảo luận tại Hội thảo ASEAN - Trung Quốc với chủ đề ''Tăng cường hợp tác ASEAN - Trung Quốc trong tìm kiếm và cứu hộ đối với người và tàu thuyền đi biển gặp nạn tại biển Đông'' do Học viện Ngoại giao tổ chức sáng nay 19.6, tại Hà Nội.
Tham dự hội thảo có gần 40 đại biểu là các quan chức và chuyên gia từ các nước ASEAN, Trung Quốc và các cơ quan chức năng trong những lĩnh vực có liên quan đến tìm kiếm cứu hộ trên biển của Việt Nam.
Hội thảo lần này là việc tiếp tục triển khai ý tưởng trên của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác ASEAN - Trung Quốc.
Ba vấn đề được tập trung thảo luận tại hội thảo gồm: Thực trạng và sự cần thiết xây dựng các biện pháp chung trong hỗ trợ người và tàu thuyền gặp nạn tại biển Đông; Các nhân tố tác động đến việc phối hợp hỗ trợ nhân đạo trong khu vực và các khuyến nghị cụ thể về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm cứu hộ đối với người và tàu thuyền gặp nạn tại biển Đông.
|
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh khẳng định bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở biển Đông là điều kiện tiên quyết hết sức quan trọng, là lợi ích, mong muốn và mối quan tâm chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực.
Theo ông Phạm Quang Vinh, ASEAN và Trung Quốc đã vượt qua một chặng đường dài, với không ít khó khăn, thách thức để đạt được Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002 và gần đây là Tuyên bố kỷ niệm 10 năm DOC (2012). ASEAN cũng đã thông qua Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm về biển Đông (7.2012) và các nước đang trông đợi hai bên sớm chính thức khởi động đàm phán để đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Theo ông Vinh, Tuyên bố DOC là văn kiện mang tính dấu mốc giữa ASEAN và Trung Quốc, thể hiện cam kết chung đối với việc tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về luật Biển, các nguyên tắc về thực hiện kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Đây là những quy tắc rất thiết yếu được quy định trong Tuyên bố DOC, song hành với các biện pháp về xây dựng lòng tin.
Thứ trưởng Phạm Quang Vinh nhấn mạnh thực hiện đầy đủ DOC và cùng nhau sớm hướng tới COC, nhằm bảo đảm hòa bình, an ninh an toàn và tự do hàng hải chính là biện pháp xây dựng lòng tin theo đúng tinh thần và lời văn của Tuyên bố DOC.
Thứ trưởng Phạm Quang Vinh cho rằng khu vực biển Đông vẫn phức tạp và tiềm ẩn những rủi ro. Trong khi đó, cũng không ít các nguyên nhân, cả thiên nhiên, thời tiết, cho đến tự bản thân con người, như bệnh tật hay hỏng hóc tàu thuyền, có thể dẫn đến việc người và tàu thuyền đi biển gặp nạn. Đối tượng gặp nạn là người đi biển, là những người dân thông thường hay các ngư dân.
Theo ông Vinh, vì mục đích nhân đạo, ASEAN và Trung Quốc cần cùng nhau bàn để có chính sách hợp tác và các biện pháp phối hợp tìm kiếm, cứu hộ cần thiết và phù hợp. Đây là điều có ý nghĩa cả về mặt nhân đạo và xây dựng lòng tin, ông Vinh nhấn mạnh.
Là quốc gia ven biển, với mong muốn và thiện chí thúc đẩy xây dựng lòng tin và hợp tác khu vực vì hòa bình, ổn định chung ở biển Đông, Việt Nam đã rất chú trọng thúc đẩy hợp tác khu vực về tìm kiếm và cứu hộ người và tàu thuyền gặp nạn trên biển. Trong năm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến trong lĩnh vực này, và đã được các nước ASEAN hoan nghênh ủng hộ với việc các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã nhất trí thông qua Tuyên bố ASEAN về Hợp tác Tìm kiếm và Cứu nạn người và tàu thuyền trên biển. |
Tr.Sơn
Bình luận (0)