Ông Darby cũng nhiều năm sinh sống ở Việt Nam và làm việc khắp nơi tại Đông Nam Á nên có cái nhìn rất rộng về bóng đá Đông Nam Á lâu nay. Tại ASIAD 2018 đang diễn ra ở Indonesia, việc sau vòng bảng lần đầu tiên có 3 đội khu vực này vào vòng 16 đội và đều ở vị trí đầu bảng là một thành tích lịch sử.
|
Tờ The Straits Times nhận định, thật khó tả khi chứng kiến Malaysia hạ gục “ông lớn” Hàn Quốc có cả siêu sao châu Á là Son Heung-min với tỷ số 2-1 để đứng đầu bảng E trước 1 vòng đấu. Còn Olympic Việt Nam đánh bại luôn Nhật Bản 1-0 đứng đầu bảng D với thành tích toàn thắng 100%, không lọt lưới bàn nào và giờ còn tiến thẳng vào vòng tứ kết sau chiến thắng 1-0 trước Bahrain tiếp tục giữ thành tích giữ trắng mành lưới nhà.
|
Để có những thành công này, chưa kể hồi đầu năm nay các đội U.23 Việt Nam và Malaysia còn chơi cực kỳ ấn tượng ở giải U.23 châu Á, theo HLV Darby nói với tờ The Straits Times: “Bóng đá Việt Nam có một sự đầu tư khôn ngoan, mà khởi đầu là từ việc ra đời Học viện bóng đá của CLB Hoàng Anh Gia Lai (năm 2007). Học viện này được đầu tư bài bản và có kế hoạch phát triển cầu thủ một cách dài hạn.
Đây chính là nền tảng mà tiếp sau đó nhiều trung tâm đào tạo bóng đá khác của Việt Nam cũng ra đời, như mới đây tại Hà Nội một trung tâm đào tạo quy mô cũng được khánh thành (PVF) và giúp bóng đá Việt Nam hiện nay có rất nhiều cầu thủ trẻ tài năng rất hứa hẹn”.
Trong khi đó, tại giải bóng đá quốc tế U.21 Báo Thanh Niên hồi năm 2012 tại TP.Pleiku, giải đấu mà đội U.21 Malaysia đăng quang dưới sự dẫn dắt của HLV Ong Kim Swee, người đang tạo ra một bước ngoặt mới cho bóng đá trẻ Malaysia tại giải U.23 châu Á đầu năm nay và cũng như tại kỳ ASIAD 2018, đã có dịp quan sát Học viện bóng đá của CLB Hoàng Anh Gia Lai.
tin liên quan
Người hâm mộ cả nước nức lòng với kỳ tích của Olympic Việt NamTừ đó, nhà cầm quân này hối thúc LĐBĐ Malaysia (FAM) phải đầu tư hơn nữa vào phát triển bóng đá trẻ như cách Việt Nam đang làm và đây mới có thể là cách giúp bóng đá Malaysia phát triển hơn. FAM đã đầu tư mạnh nhiều năm nay vào lứa cầu thủ từ U.12 đến U.16, tạo điều kiện cho lứa cầu thủ này tiếp cận nhiều công nghệ phát triển hiện đại và thường xuyên thi đấu quốc tế để nâng cao khả năng.
|
Lứa cầu thủ U.23 của Malaysia hiện làm nòng cốt cho đội Olympic đều là từ thành quả này, và thường xuyên được tập trung thi đấu quốc tế suốt năm 2017. Đó chính là chìa khóa để giúp bóng đá Malaysia có bước tiến như hiện nay.
Cũng giống như Việt Nam, lứa cầu thủ trẻ từ Học viện Hoàng Anh Gia Lai khóa 1 cùng với những cầu thủ từ trung tâm khác như PVF và các CLB ở V-League đã được tạo điều kiện chơi bóng cùng nhau, để đến cuối năm 2017 với việc LĐBĐ Việt Nam mời được HLV Park Hang-seo là một sự bổ sung hoàn hảo để dẫn dắt lứa cầu thủ đầy tài năng của bóng đá Việt Nam làm nên chiến tích ở giải U.23 châu Á đầu năm nay đã nói lên tất cả.
|
Bóng đá Indonesia cũng đang đi theo hướng phát triển bóng đá trẻ trước tiên, dù từng bị FIFA cấm vận, nhưng hiện nay LĐBĐ Indonesia (PSSI) đang hợp tác với các nền bóng đá từ châu Âu và Nam Mỹ để đào tạo cầu thủ trẻ. Ngoài ra, PSSI cũng nâng số lượng HLV có bằng cấp từ con số 388 người hiện nay lên gấp 10 lần trong 10 năm tới nhằm hướng tới việc hoàn thiện các hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ từ lứa U.19 đến U.19. PSSI cho rằng chỉ có hướng đến bóng đá trẻ và làm một cách nghiêm túc thì nền bóng đá mới nâng cao.
Từ sự thành công trong đào tạo bóng đá trẻ của Việt Nam, Malaysia và Indonesia, tờ The Straits Times cho rằng đã đến lúc bóng đá Singapore phải thay đổi và đi theo hướng phát triển này. Còn với Thái Lan, rõ ràng bóng đá nước này sau nhiều năm đứng đầu khu vực này đã cảm nhận sức ép lớn khi liên tiếp thất bát ở giải U.23 châu Á cũng như tại ASIAD, đấu trường mà Thái Lan từng tự hào chỉ mỗi đội Olympic nước này vào bán kết (2002 và 2014).
Nhưng nay Việt Nam, Malaysia và Indonesia hoàn toàn đủ sức tái lập lịch sử tương tự.
Bình luận (0)