Sự tiến bộ của điền kinh và bơi lội tại SEA Games 27 cho phép thể thao VN nỗ lực hơn để mục tiêu nhắm đến huy chương vàng ASIAD.
Ánh Viên (ảnh trên) và Quý Phước đều là những niềm hy vọng vàng |
Suốt gần 20 năm qua kể từ khi thể thao VN tham dự ASIAD, chúng ta chưa hề có bất cứ huy chương vàng (HCV) nào của điền kinh và bơi lội. Những thành tích cao nhất mà VN đạt được ở sân chơi châu lục phần lớn chỉ là taekwondo (năm 1994, 1998 với Trần Quang Hạ, Hồ Nhất Thống), karatedo (2002, 2006, 2010) với Vũ Kim Anh, Nguyễn Trọng Bảo Ngọc, Vũ Thị Nguyệt Ánh và Lê Bích Phương, billards (2002) với Trần Đình Hòa, thể hình (2002) với Lý Đức, hay cầu mây nữ (2006). Đó đều là những thế mạnh mà VN đã phấn đấu tốt, nhưng để đánh giá một nền thể thao mạnh hay yếu thường người ta hay cân đo nhắm vào những môn tính thành tích bằng thời gian. Trong đó điền kinh và bơi lội, hai môn cơ bản có giá trị nhất của Olympic mới chính là bộ mặt thật sự của thể thao quốc gia.
Việc điền kinh và bơi lội đã và đang có chiều hướng cải thiện tốt, không chỉ thể hiện qua SEA Games mà cái chính là những giải đấu đỉnh cao vô địch hay Grand Prix châu Á gần đây cho phép thể thao VN có niềm tin. Như Trương Thanh Hằng từng vô địch châu Á 800 m và HCB ASIAD 2010 cự ly 800 và 1.500 m, Vũ Thị Hương cũng từng đoạt HCB ASIAD 2010 cự ly 200 m... Hoặc tại Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á lần 3 (AIMAG 3), Ánh Viên từng giành HCV, Quý Phước cũng có HCV, Duy Khôi có HCB... Tất cả những điều này cho phép thể thao VN cần phải nhắm cái đích xa hơn là chiếc HCV của điền kinh và bơi lội tại châu Á chứ không nên quanh quẩn với “ao làng” Đông Nam Á nữa.
Trưởng đoàn thể thao VN Lâm Quang Thành tâm sự rằng ông thích dẫn quân thi đấu ASIAD hơn dù ít huy chương nhưng nó diễn ra trên tinh thần thể thao lành mạnh, cao thượng và sự phấn đấu giành HCV của đoàn VN mới xứng đáng, đúng với nỗ lực và công sức đầu tư. Đặc biệt, chiến thắng ở những môn thể thao cơ bản như điền kinh và bơi lội mới thực sự giá trị. Ông Thành từng nhảy lên vui sướng khi Ánh Viên, Quý Phước giành HCV về cho VN tại bể bơi trong nhà ở Incheon (Hàn Quốc) tại AIMAG 3. Do vậy, ngay từ khi trở về sau SEA Games, ông Thành cho biết Tổng cục TDTT và Ủy ban Olympic VN sẽ rà soát toàn diện, tập trung toàn lực cho các môn cơ bản có trong Olympic, nhất là điền kinh và bơi lội phải phấn đấu có vàng tại ASIAD vào tháng 9 tới tại Incheon. Trong đó Ánh Viên, Quý Phước, Vũ Thị Hương, Nguyễn Văn Lai, Đỗ Thị Thảo và sự trở lại của Trương Thanh Hằng sẽ tiếp tục được đầu tư đặc biệt để nâng cao thành tích bằng việc đi tập huấn nước ngoài, cọ xát đỉnh cao liên tục với các đối tượng mạnh với các giải thi đấu tầm cỡ. Ngoài ra, các tiềm năng triển vọng cũng sẽ được tập trung đào tạo tốt hơn như Nguyễn Thị Oanh, Quách Thị Lan, Dương Thị Việt Anh (điền kinh), Trần Duy Khôi, Ngô Thị Ngọc Quỳnh, Lâm Quang Nhật (bơi)... với quyết tâm đoạt huy chương tại ASIAD 2014 và xa hơn là khi VN đăng cai vào năm 2019.
Quang Tuyến
>> Lùi lịch thi đấu ảnh hưởng ASIAD
>> 56 tỉ đồng đào tạo cầu thủ cho ASIAD 18
>> 15.000 tỉ đồng chi cho ASIAD 2019
>> Nữ hoàng kata Nguyễn Hoàng Ngân sẽ dự Asiad 17
>> Bơi lội VN nhìn từ SEA Games
>> HCV bơi lội được tài trợ 5 triệu đồng
>> Kỳ tích của nữ vận động viên bơi lội 64 tuổi
Bình luận (0)