Át chủ bài của bộ binh Nhật Bản

17/10/2016 14:00 GMT+7

Tokyo đang sở hữu loại xe tăng được các chuyên gia quân sự đánh giá thuộc hàng uy lực nhất thế giới.

Từng nằm trong bảng xếp hạng những quốc gia kém cỏi trong việc sản xuất xe tăng thời Thế chiến 2, như chiếc Type 97 Chi-Ha lạc hậu tới một thập niên so với phần còn lại của thế giới. Thế nhưng, Nhật Bản thời kỳ sau chiến tranh đã “lột xác” khi sở hữu những chiếc xe tăng tối tân như Type 90, Type 10.
Các chuyên gia quân sự cho biết khi bắt tay vào tái thiết ngành công nghiệp tập trung vào sản xuất xe hơi và xe tải, Tokyo cũng nỗ lực xây dựng một ngành công nghiệp xe tăng để dần thay thế các chiếc M4A3E8 và M24 được Mỹ “quyên góp” cho Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản.
Theo truyền thông Nhật Bản, các loại xe tăng Type 61, Type 74, Type 90 và nay là Type 10 của nước này đều có thiết kế rất đáng tin cậy, được đánh giá sở hữu những đặc tính vượt trội mà các đối thủ khó sánh kịp. Đáng chú ý, mỗi thiết kế xe tăng của Nhật Bản thường có rất ít điểm chung so với các phiên bản trước đó, một sự thành công không phải quốc gia nào cũng đạt được.
Khả năng cơ động cao
Theo tờ The National Interest, Viện Nghiên cứu và phát triển kỹ thuật thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã bắt đầu phát triển Type 10 - loại xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ tư vào năm 2002. Mục đích là bổ sung cho loại xe tăng hạng nặng Type 90 và để thay thế chiếc tăng Type 74 đã 30 năm tuổi. Với dáng hình nhỏ gọn, dài 9,5 m, rộng 3,2 m và cao 2,3 m, Type 10 có khả năng cơ động cao hơn về mặt chiến thuật và chiến lược. Tăng có tốc độ chạy tốt khi sử dụng động cơ diesel công suất 1.200 mã lực, hệ số công suất là 27 mã lực/tấn, cho phép đạt tốc độ đường trường tối đa là 69 km/giờ. Với thiết bị truyền động vô cấp, xe tăng còn có thể đạt tốc độ gần 70 km/giờ bất kể khi tiến hoặc lùi.
Phần lớn các cơ sở hạ tầng đường bộ của Nhật Bản được xây dựng dành cho xe hơi, xe tải nhỏ và địa hình đồi núi thường bao gồm nhiều cây cầu với giới hạn khối lượng cụ thể. Ngoài ra còn có luật cấm các loại xe hạng nặng, bao gồm cả xe tăng của Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản, hoạt động trên hầu hết các tuyến đường. Type 10 được thiết kế nhỏ gọn hơn để phù hợp với luật đường bộ tại nước này cũng như đủ nhỏ và nhẹ để băng qua một số cây cầu dân sự lớn.
Tạp chí Popular Mechanics từng đăng đoạn clip quay cảnh xe tăng Type 10 biểu diễn xoay vòng liên tục nhưng không làm đổ 2 ly rượu để trên đầu nòng pháo chủ lực 120 mm của tăng. Hình ảnh trên đoạn clip cho thấy các sĩ quan Nhật Bản đã đặt 2 ly rượu vang trên miếng kim loại ở một bên đầu nòng pháo, sau đó ê kíp lái biểu diễn cho Type 10 chuyển động các kiểu tại chỗ xem độ rung của xe có ảnh hưởng đến độ thăng bằng, bình ổn tự động của nòng pháo 120 mm hay không. Kết quả cho thấy độ bình ổn và thăng bằng của nòng pháo hoàn hảo đến nỗi dù xe tăng có ngả về trước, hạ xuống hay quay vòng vòng tại chỗ vẫn không làm đổ 2 ly rượu. Đó là vì nòng pháo lúc nào cũng giữ độ song song với mặt đất.
Lớp giáp của Type 10 được mô tả là hiện đại hơn tăng Type 90, giúp nó nặng chỉ 40 tấn, tức bằng 60% trọng lượng của xe tăng Mỹ Abrams M1. Bản thân lớp giáp được làm từ chất liệu tổng hợp composite gốm có sức bền và chịu lực tác động cao, giúp không bị lỗi thời, sẵn sàng chống chọi được mọi loại súng chống tăng đang ngày càng được cải tiến.
Ngoài áo giáp, Type 10 còn được bảo vệ bởi một máy thu cảnh báo laser, giúp thông báo ê kíp chiến đấu bên trong biết rằng xe tăng của họ đang “lọt” vào tầm ngắm của tên lửa dẫn đường bằng laser. Máy thu cảnh báo được kết nối với một bộ phận xả khói tự động, tạo lớp khói che giấu xe bất cứ khi nào nó phát hiện tia laser của đối phương.
Hỏa lực mạnh
Vũ khí chính của tăng Type 10 là pháo nòng trơn L44 120 mm do Tập đoàn thép JSW của Nhật Bản chế tạo, theo tờ The National Interest. Pháo chính sử dụng hệ thống nạp tự động, cho phép giảm bớt nhân sự nên ê kíp vận hành xe tăng chỉ có 3 người. Tại vị trí pháo này còn có thể lắp pháo nòng trơn dài hơn (L55) khi xe tăng được nâng cấp trong tương lai. Type 10 còn được trang bị thiết bị nhìn ngày và đêm toàn cảnh cho chỉ huy tăng và pháo thủ. Vũ khí phụ của Type 10 gồm có súng máy hạng nặng M2.50 có thể điều khiển từ xa được lắp ngay tại vị trí của chỉ huy xe trong tháp pháo. Tại vị trí của pháo chính còn gắn một khẩu súng máy đồng trục 7,62 mm, do pháo thủ vận hành.
Một trong những đặc điểm khác thú vị của Type 10 là khả năng kết nối cho phép xe tăng tạo được mạng lưới liên lạc không dây trên chiến trường. Hiện chưa có nhiều thông tin về Hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin, máy tính và tình báo (C4I) của xe tăng này song nó được cho là có thể dễ dàng tích hợp với Hệ thống chỉ huy kiểm soát cấp trung đoàn (RCCS) dành cho hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các xe tăng trong phân đội thiết giáp. Xe tăng thậm chí còn có thể chia sẻ dữ liệu thu thập từ hệ thống nhìn 360 độ trên RCCS.
Theo truyền thông Nhật Bản, Type 10 được chính thức đưa vào hoạt động từ năm 2012 và đến nay Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản sở hữu khoảng 80 chiếc, với giá chừng 8,4 triệu USD/chiếc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.