Atisô

19/05/2012 03:43 GMT+7

Một chút dầu giấm, trứng bóp nhuyễn và tim atisô là công thức của món salad rất mát và có hương vị thật thanh.

Atisô (Cynara scolymus) có thân chắc khỏe, có thể cao đến 2 m với lá to, dài, mọc so le; phiến lá xẻ thùy sâu và có răng không đều, mặt trên xanh lục mặt dưới có lông trắng, thường có gai nhỏ. Ngoài phần ăn được là một búp hoa được thu hoạch, trước khi hoa phát triển thì lá và thân cây atisô được sử dụng làm nước thảo dược rất tốt để giải nhiệt, lợi tiểu và thanh lọc gan.

Từ atisô đã xuất hiện trong các tài liệu tiếng Pháp từ năm 1530, nhưng về sau này thì Ý là quốc gia trồng atisô hàng đầu thế giới, ở mức thu hoạch hơn 750 ngàn tấn/năm. Là loại “rau” rất giàu polyphénol (flavonoid và acid phénol), acid chlorogénic, chất xơ hòa tan (27%) và không hòa tan (18%) có tác dụng kháng oxy hóa và giữ vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa tiểu đường dạng 2, táo bón. Theo một báo cáo mới nhất của các chuyên gia sức khỏe thì khả năng kháng oxy hóa của atisô rất tuyệt vời. Atisô còn có nhiều vitamin nhóm B, C, K và khoáng chất thiết yếu như potassium, canxi, kẽm, sắt, mangan, magné có lợi cho sức khỏe. Chiết xuất từ lá atisô có tác dụng giảm cholesterol xấu, ngăn ngừa các bệnh tim mạch, ung thư ruột kết và trợ gan mật.

 Atisô
Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Chọn mua và bảo quản

Chọn búp atisô chắc và nặng tay, lá khép sát, xanh mởn và giòn. Nếu lá hở nghĩa là atisô quá già, phần lông gai bên trong tim sẽ cứng và dày. Chú ý chọn búp không có vết thâm ở ngọn và gốc, vì đó là dấu hiệu hàng không được tươi.

Trước khi cho nguyên bông atisô vào bao kín để bảo quản, nên phun ít nước. Nếu giữ đông thì nên tách từng tai, loại bỏ lông tơ của tim và trụng 3 phút trong nước sôi. Ngâm lại nước lạnh và để ráo trước khi cho vào bao kín và để ngăn đá.

Tim atisô ngoài cách ăn kèm với tất cả các loại xốt chua hay cho vào các món bánh ngọt và mặn, thì búp nguyên còn làm món farci, với các nguyên liệu chín từ thịt, hải sản, rau củ hay phô mai được nhét giữa các tai hoa hay vào giữa tim (đã nhổ bỏ lông tơ) và mang bỏ lò.

Lưu ý: Những người bị chứng tắc nghẽn đường mật và các bệnh lý về đường ruột; phụ nữ mang thai, vì có khả năng gây tắc sữa do một enzym trong bông, không nên dùng atisô. Atisô nấu chín nên được sử dụng trong vòng 24 giờ, trước khi có thể bị mốc và gây ngộ độc. 

Minh Quân

>> Tạm giữ 61 kg “phấn hoa atisô” không rõ nguồn gốc
>> Atisô, người bạn cực tốt của gan
>> Phấn hoa atisô ở đâu mà bán lắm thế?
>> Trao tặng 2.400 hộp trà Atisô cho Trường Sa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.