HLV Huỳnh Hữu Chí, người trực tiếp đào tạo Thạch Kim Tuấn, tỏ ra rất lo ngại về tình trạng sức khỏe của học trò ruột. Khi tập luyện bình thường, Tuấn không có cảm giác đau đớn nhưng lúc ép cân xuống dưới 56 kg để thi đấu, anh bị đau cả vai, lưng và đầu gối.
Tình trạng này lặp đi lặp lại liên tục suốt gần 2 năm qua, anh cũng khám rất nhiều lần tại TP.HCM và Hà Nội. Mỗi lần khám bác sĩ lại đưa ra một chẩn đoán khác nhau và chưa có giải pháp điều trị cụ thể. Bởi vậy, kể từ lúc khởi phát chấn thương tháng 4.2015 đến nay, Tuấn vẫn chưa thể chữa trị dứt điểm và không khó lý giải việc đô cử này không thể nâng cao thành tích so với trước kia, thậm chí vấp phải những thất bại cay đắng mà gần đây nhất là tại Olympic 2016.
Ông Đỗ Đình Kháng, Trưởng bộ môn cử tạ Tổng cục TDTT, cho biết: “Mới đây, bác sĩ người Đức đã sang VN khám cho Tuấn và có kết luận cực kỳ bất ngờ: Cấu tạo cơ thể của Tuấn có một vấn đề thuộc về bẩm sinh. Cột sống lưng của Tuấn không có đường cong sinh lý nên lực sẽ dồn vào một điểm chứ không phân tán. Lâu ngày, điểm đó sẽ dần trở nên quá tải, dẫn đến đau đớn. Tuấn giỏi về năng lực chuyên môn, tố chất sợi cơ quá tốt nhưng lại vướng vào đặc điểm này, mà theo bác sĩ phụ trách y học của Trung tâm huấn luyện TP.HCM, những gì thuộc về bẩm sinh rất khó giải quyết. Tôi cũng chưa thấy VĐV nào có đặc điểm như Tuấn cả”.
tin liên quan
Nhà vô địch cử tạ từng bị loại vì... thấp bé nhẹ cânCử tạ VN suýt mất nhà vô địch trẻ thế giới Lê Nguyễn Quốc Bảo (16 tuổi) bởi em từng bị gạch tên trong lần tuyển chọn đầu tiên vào tuyến năng khiếu TP.HCM.
Thạch Kim Tuấn là VĐV cử tạ duy nhất được đưa vào danh sách đầu tư trọng điểm trong năm 2017 với hàng loạt mục tiêu từ SEA Games đến giải vô địch thế giới. “Tôi chỉ có thể lo cho Tuấn cũng như các tuyển thủ khác ở góc độ chuyên môn, còn ở góc độ y học thì vượt ngoài tầm tay. Khi ép cân xuống dưới 56 kg, Tuấn bị đau toàn thân như vậy thì làm sao có thể đạt thành tích như ý”, HLV Huỳnh Hữu Chí lo lắng.
Ông Kháng cho biết: “Chúng tôi đang tính toán để đưa ra các hình thức tập luyện phù hợp cho Tuấn. Có lẽ khối lượng tập luyện sẽ phải theo chu kỳ. Chỉ đẩy khối lượng và cường độ lên cao ở những giải đấu tầm cỡ, còn giảm tải, không tập nặng trước những giải đấu nhỏ. Tuấn sẽ phải bơi, tập xe đạp... nhằm cải thiện thể lực. Tuấn rất được hy vọng tại SEA Games 29 nên sẽ phải tập trung vào cậu ấy, không cho tham dự bất kỳ giải đấu nào khác trước SEA Games cả”.
Chiều 15.2, bác sĩ Nguyễn Văn Phú, Phó giám đốc Bệnh viện Thể thao VN, và bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền, Trưởng phòng Y học Trung tâm huấn luyện quốc gia Hà Nội, đã có mặt tại TP.HCM để tiến hành tái khám cho Tuấn, nhằm giúp ban huấn luyện có giáo án tập luyện tốt nhất đối với ca đặc biệt này.
“Nữ hoàng đấu kiếm” Đông Nam Á Lệ Dung vẫn phải chờ
Nguyễn Lệ Dung sống chung với chấn thương khá nặng ở cả hai đầu gối gần 10 năm nay. Cuối năm 2016, cô được ngành thể thao đồng ý cho sang Singapore phẫu thuật với chi phí gần 1 tỉ đồng. Nhưng do thủ tục hành chính bị trục trặc nên đến nay Dung vẫn chưa được mổ. Bệnh viện Thể thao VN đang xúc tiến những thủ tục cần thiết với bệnh viện phía Singapore, nên dù đã có tiền nhưng Dung vẫn phải chờ, chưa rõ thời điểm nào được sang nước bạn. Lệ Dung không được đăng ký HCV tại SEA Games 29 vì chưa biết cô có kịp hồi phục hay không.
Nhật Duy
|
Bình luận (0)