Ayman al-Zawahiri: Từ bác sĩ phẫu thuật đến thủ lĩnh al-Qaeda

16/06/2011 17:41 GMT+7

(TNO) Tân thủ lĩnh của al-Qaeda Ayman al-Zawahiri không lớn lên từ những khu ổ chuột ở thủ đô Cairo của Ai Cập, không có xuất thân là một tay súng hay được xây dựng tư tưởng trong một trường dòng Hồi giáo.

>> Ayman al-Zawahiri trở thành thủ lĩnh al-Qaeda

Thay vào đó, hắn sinh trưởng trong một gia đình trung lưu của những bác sĩ và học giả được kính trọng. 

Tân thủ lĩnh al-Qaeda

Hôm 16.6, al-Qaeda thông báo al-Zawahiri đã được bầu làm thủ lĩnh mới của al-Qaeda sau khi Osama bin Laden bị tiêu diệt vào tháng 5.2011.

Là cánh tay mặt của bin Laden và là nhà tư tưởng của al-Qaeda, al-Zawahiri được nhiều chuyên gia đánh giá là “bộ não chỉ huy” đằng sau vụ tấn công khủng bố 11.9.2011 nhắm vào nước Mỹ.

Al-Zawahiri là nhân vật số hai, chỉ sau bin Laden, trong danh sách 22 tên khủng bố bị truy nã gắt gao nhất được chính phủ Mỹ công bố năm 2001. Cái đầu của al-Zawahiri được treo thưởng 25 triệu USD.


 Tân thủ lĩnh al-Qaeda Ayman al-Zawahiri - Ảnh: AFP 

Lần cuối cùng người ta thấy al-Zawahiri là vào tháng 10.2001 ở thành phố Khost của Afghanistan.

Khi liên quân do Mỹ dẫn đầu lật đổ chính quyền Taliban, al-Zawahiri được cho là ẩn nấp tại vùng núi biên giới Afghanistan-Pakistan với sự giúp đỡ của các bộ lạc địa phương, mặc dù bin Laden đã bị phát hiện và tiêu diệt tại khu dân cư ở thành phố Abbottabad của Pakistan.

Trong những năm gần đây, al-Zawahiri nổi lên như là một người phát ngôn số một của al-Qaeda. Hắn xuất hiện trong 16 đoạn ghi hình và ghi âm trong năm 2007, nhiều gấp bốn lần bin Laden, khi tổ chức khủng bố này cố gắng kích động bạo lực và tuyển mộ người Hồi giáo trên toàn thế giới.

Tháng 7.2007, al-Zawahiri xuất hiện trong một cuốn băng ghi hình dài một tiếng rưỡi, thúc giục người Hồi giáo đoàn kết sau cuộc thánh chiến toàn cầu của al-Qaeda và vạch ra chiến lược cho nhóm khủng bố này.

Theo đó, mục tiêu ngắn hạn của al-Qaeda là tấn công vào lợi ích của “những kẻ thập tự chinh và Do Thái”, ngôn ngữ ám chỉ Mỹ, các đồng minh phương Tây và Israel. Mục tiêu dài hạn của al-Qaeda là lật đổ các chính quyền thân phương Tây như Ả Rập Xê Út và Ai Cập và sử dụng Afghanistan, Iraq và Somalia là cơ sở huấn luyện cho các tay súng Hồi giáo.

Vào ngày 8.6.2011, al-Zawahiri đưa ra thông báo trên một website Hồi giáo cảnh báo rằng, Osama Bin Laden sẽ tiếp tục “gieo rắc kinh hoàng” cho nước Mỹ từ trong nấm mồ.

Gia đình danh giá

Al-Zawahiri sinh năm 1951 tại khu ngoại ô Maadi của Cairo, nơi có những ngôi biệt thự đầy đủ tiện nghi mà những người phương Tây xa xứ rất ưa thích. Ông nội của ông ta, Rabia al-Zawahiri, là Đại Tư tế của đền al-Azhar, một trong những ngôi đền quan trọng nhất trong thế giới Hồi giáo và là trung tâm học thuật của người Hồi giáo Sunni ở Trung Đông. Chú của al-Zawahiri là Tổng thư ký đầu tiên của Liên đoàn Ả Rập.

Al-Zawahiri bắt đầu dính líu đến chính trị Hồi giáo khi còn đi học và từng bị bắt giữ ở tuổi 15 vì gia nhập hội Huynh đệ Hội giáo, tổ chức Hồi giáo lâu đời và rộng lớn nhất ở Ai Cập.

Tuy thế, các hoạt động chính trị của al-Zawahiri không ngăn cản ông ta theo học tại khoa Y thuộc Đại học Cairo, nơi Al-Zawahiri tốt nghiệp năm 1974 và lấy bằng tiến sĩ về phẫu thuật 4 năm sau đó.

Cha của ông ta, Mohammed, người qua đời vào năm 1995, là giáo sư dược tại khoa này.

Thuở ban đầu, al-Zawahiri tiếp bước truyền thống gia đình bằng cách thành lập một trung tâm y tế tại ngoại ô Cairo. Tuy nhiên, không lâu sau đó, al- Zawahiri bị hấp dẫn bởi các nhóm Hồi giáo cực đoan theo đuổi mục tiêu lật đổ chính phủ Ai Cập.

 
 Ayman al-Zawahiri (phải) và Osama bin Laden trong một lần cùng xuất hiện - Ảnh: Reuters

Khi tổ chức Thánh chiến Hồi giáo Ai Cập được thành lập vào năm 1973, al-Zawahiri đã gia nhập.

Vào năm 1981, ông ta bị bắt cùng hàng trăm nghi can khác của tổ chức này sau khi một vài tay súng giả trang làm binh sĩ ám sát Tổng thống Anwar Sadat trong một buổi duyệt binh ở Cairo.

Sadat đã chọc giận những người Hồi giáo quá khích bằng cách ký thỏa thuận hòa bình với Israel và bắt giữ hàng trăm người chỉ trích mình.

Tại phiên tòa, al-Zawahiri nổi lên như một thủ lĩnh của những bị cáo và đã tuyên bố rằng: “Chúng tôi là những người Hồi giáo tin tưởng vào tôn giáo của mình. Chúng tôi đang cố gắng thiết lập một nhà nước và xã hội Hồi giáo”.

Thay đổi tư tưởng

Mặc dù được xác định không dính líu đến vụ ám sát Sadat, al-Zawahiri phải ngồi tù ba năm về tội sở hữu vũ khí bất hợp pháp. Theo những người bạn tù, al-Zawahiri thường xuyên bị cai tù tra tấn và đánh đập, một trải nghiệm được cho là đã biến ông ta trở thành kẻ quá khích và cuồng tín.

Những người bạn học với al-Zawahiri ở Đại học Cairo vào thập niên 1970 mô tả ông này là một thanh niên năng nổ, người thường đi xem phim, nghe ngạc và đùa giỡn với bạn bè. Tuy nhiên, một bác sĩ giấu tên từng học với al- Zawahiri nói: “Khi ra khỏi tù, hắn là một người hoàn toàn khác”.

Những người khác lại đoán al-Zawahiri theo đuổi con đường hoạt động chính trị nhờ cảm hứng từ cuộc cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979.

Khalil al-Anani, một chuyên gia về phong trào Hồi giáo ở Đại học Durham, nói: “Có một cuộc cách mạng trong tư tưởng của hắn. Những người như al-Zawahiri không thấy được cách nào khác để đạt được mục tiêu thay đổi chế độ ngoài vũ lực”.

Tuy nhiên, cháu của al-Zawahiri, Abdel Rahman al-Zawahiri, thì nói: “Tôi không nghĩ điều thúc đẩy chú tôi chọn con đường của mình là kết quả của những năm trong tù hoặc sự tra tấn mà ông ta kinh qua. Ông ta là một nhà tư tưởng có những ý tưởng và chủ thuyết của mình”.

Sau khi được phóng thích vào năm 1985, al-Zawahiri đến Ả Rập Xê Út. Sau đó không lâu, ông ta đến Peshawar, Pakistan và từ đó đi sang Afghanistan, nơi ông thành lập chi nhánh của Tổ chức Thánh chiến Hồi giáo Ai Cập trong khi hành nghề bác sĩ vào thời kỳ chiếm đóng của Liên Xô.

Con đường khủng bố

Al-Zawahiri đảm trách vai trò thủ lĩnh của Tổ chức Thánh chiến Hồi giáo Ai Cập khi tổ chức này tái xuất vào năm 1993 và là một nhân vật chủ chốt đằng sau các vụ tấn công nhắm vào các bộ trưởng của chính phủ Ai Cập và cả Thủ tướng Atif Sidqi.

Chiến dịch lật đổ chính phủ Ai Cập và thành lập một nhà nước Hồi giáo của nhóm này vào giữa những năm 1990 đã mang lại cái chết cho hơn 1.200 người Ai Cập.

Năm 1999, al-Zawahiri bị một tòa án quân sự Ai Cập tuyên án tử hình vắng mặt vì vai trò trong các vụ tấn công của Tổ chức Thánh chiến Hồi giáo Ai Cập.

Al-Zawahiri được cho là đã đi chu du vòng quanh thế giới trong thập niên 1990 để lẩn trốn và tìm kiếm nguồn tài chính.

Trong những năm sau khi Liên Xô (cũ) rút quân khỏi Afghanistan, Al-Zawahiri được cho là đã sống ở Bulgaria, Đan Mạch, Thụy Sĩ và đôi khi sử dụng hộ chiếu giả để đến vùng Balkan, Áo, Yemen, Iraq, Iran và Philippines.

Tháng 12.1996, Al-Zawahiri được kể là đã ngồi tù 6 tháng ở Nga sau khi bị bắt ở Chechnya mà không có hộ chiếu. Năm 1997, al-Zawahiri được cho là chuyển đến thành phố Jalalabad ở Afghanistan, căn cứ địa của Osama bin Laden.

Một năm sau đó, Tổ chức Thánh chiến Hồi giáo tham gia cùng 5 nhóm Hồi giáo cực đoan khác, bao gồm nhóm al-Qaeda của bin Laden, thành lập nên “Mặt trận Hồi giáo Thế giới vì cuộc Thánh chiến chống lại Do Thái và quân Thập tự chinh”.

Tuyên ngôn đầu tiên của mặt trận này bao gồm một chỉ dụ tôn giáo cho phép giết hại dân Mỹ. Sáu tháng sau, hai vụ tấn công đồng thời nổ ra ở đại sứ quán Mỹ tại Kenya và Tanzania làm 223 người thiệt mạng.

Hai tuần sau vụ tấn công, Mỹ đã đánh bom trại huấn luyện của tổ chức này ở Afghanistan. Và ngày kế tiếp, al-Zawahiri đã điện thoại cho một nhà báo Pakistan, tuyên bố: “Hãy nói người Mỹ rằng những vụ đánh bom, những lời đe dọa và những hành động xâm lược của chúng không làm chúng tao sợ hãi. Cuộc chiến chỉ mới bắt đầu”.

Sơn Duân
(Theo Reuters, BBC)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.