Bà bầu Kim Chung: "Có làm lại, tôi cũng xin đi hát..."

14/12/2005 22:11 GMT+7

Từ những năm 1950 cho đến 1975, có một đoàn hát lừng lẫy cả nước mang tên Công ty Kim Chung. Đó thật sự là một đại bang cải lương bởi trong khi các đoàn khác chỉ có nhiều lắm là 2-3 ê-kíp, Kim Chung có tới 7 đoàn, vừa thường trực tại trung tâm Sài Gòn, vừa đi lưu diễn khắp nơi. Và chính nơi đây đã là bệ phóng cho biết bao nhiêu ngôi sao cải lương thuộc thế hệ vàng...

Bà bầu Kim Chung tiếp tôi trong căn phòng khách nhỏ lọt giữa một khu biệt thự rộng thênh thang xây theo kiểu xưa. Tôi cứ hình dung bà phải là người ăn to nói lớn, uy quyền. Ai ngờ, bà dáng nhỏ thó, e dè vì như bà nói lâu lắm rồi bà không tiếp khách lạ, trừ vài người bạn rất thân. 75 tuổi, hơi mệt mỏi vì tuổi tác, nhưng thoáng chốc bà đã trang điểm xong, lớp phấn son dịu nhẹ làm hiện lên đường nét của một cô đào chánh. Và lời ăn tiếng nói, nụ cười, cách ngồi của bà đều đúng vẻ thanh lịch của phụ nữ Hà thành ngày xưa. Vóc người thon thả, không phát phì lưu dấu một thời rực rỡ. Thật ngạc nhiên bởi từ trước tới nay chỉ nghe người ta nói về "bà bầu Kim Chung", có ngờ đâu đó cũng là cô đào chánh nổi tiếng của Hà Nội. Bà kể:


... trong vai Công chúa Anastasia

- Nhà tôi ở phố Hàng Bạc, gần nhà có rạp hát cải lương. Ông chú hay bồng tôi đi xem. Đến 10 tuổi thì tôi đòi đi học hát ở đoàn Đồng ấu Nhật Tân của ông bầu Tài Quang chuyên về hồ quảng. Ba mẹ tôi đâu có cho. Tôi giãy nảy, ăn vạ, thế là cũng được đi. 16 tuổi, tôi về làm đào chánh tại đoàn Tố Như, cũng là một đại bang của miền Bắc và đi hát luôn cho tới gần 1975. Tôi quen nhà tôi, ông Trần Viết Long lúc tôi 16 tuổi, năm 21 tuổi mới cưới, sinh con rồi lập gánh luôn, lấy nghệ danh Kim Chung của tôi làm tên. Vào khoảng thập niên 1950, chiến tranh ác liệt, hai vợ chồng chèo chống vất vả trăm bề. Năm 1954, chúng tôi vào Sài Gòn lưu diễn như thường lệ, ai ngờ hiệp định Geneve ký kết chia đôi đất nước, họ hàng ở ngoài Bắc còn chúng tôi thì kẹt luôn trong Nam.

Bà bồi hồi nhớ lại cái thuở chân ướt chân ráo đem cải lương vô Nam, đóng tại rạp Alisto là rạp "bèo" nhất thành phố, ở ngay địa điểm đã sát nhập vào khuôn viên của khách sạn Sài Gòn New World. Bà có mời NSND Phùng Há đến diễn tăng cường vai Lữ Bố cho bà làm Điêu Thuyền. Má Bảy chân tình chỉ dạy: "Trong này, đoàn nào cũng chỉ hát một tuần rồi đổi chỗ, chớ không đóng đô như miền Bắc đâu". Vậy mà cô đào Kim Chung lúc ấy đã đi ngược quy luật khi nhất quyết đóng đô với tuồng Sóng nhạc hương tình hát liền tù tì hai tháng rưỡi. Có nhiều khán giả đi xem đến 5-7 lần, thật lạ. Và cũng bởi Kim Chung phải tập hát tiếng Nam Bộ, coi như sự khổ luyện đã được đền bù. Sau này, khi phát triển công ty Kim Chung lên thành 7 đoàn, làm cả một bộ phim rất ăn khách là Kiếp hoa thì luôn luôn có một đoàn thường trực tại rạp Olympic nổi tiếng.

Kim Chung còn là nơi lăng-xê những đào kép từ lúc còn "thơ" như Minh Vương, Minh Phụng, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Minh Cảnh... Bà nói: "Minh Vương và Lệ Thủy đều về hát từ lúc 15 tuổi, chưa biết gì. Ông nhà tôi có đường lối đưa họ sáng lên. Mình chăm chút cho những nhân tài chưa ra đời thì khó hơn, vất vả hơn dùng người nổi danh sẵn, nhưng cũng có niềm vui khi thấy họ trưởng thành". Tôi cắt ngang, sao bà hay nhắc "ông nhà" quá vậy, không lẽ bà không có vai trò? Bà lại cười: "Thì ổng giỏi kinh doanh, giỏi quản lý, chứ tôi chỉ mê diễn mà thôi. Có làm thì cũng chỉ phụ với ổng tí chút". Cái kiểu "phu xướng phụ tùy" sao rất... cổ điển! Ấy vậy mà tôi có cảm giác chính nó làm nên nét quyến rũ dịu dàng của cô đào Hà Nội.

Hỏi bà về những suy nghĩ đối với cải lương hôm nay, bà nhỏ nhẹ:


... và trong vai Chúc Anh Đài
- Tôi không dám nói. Mỗi thời mỗi khác cô à. Tôi nhớ ngày xưa tôi học nghề có 4 ông thầy, một ông dạy hát, một ông dạy diễn, một ông dạy múa (nay gọi là vũ đạo) và một ông dạy văn. Cứ tập tuồng chừng nửa tiếng hay một tiếng thì ngừng lại, để ông thầy dạy văn phân tích tâm lý nhân vật hoặc phân tích chữ nghĩa, tuồng tích, vì hồi ấy kịch bản có chữ nho nhiều lắm. Đặc biệt, ông giảng về đạo đức nghệ sĩ, cứ luôn luôn nhắc nhở cách sống, cách làm nghề. Không biết bây giờ các bạn trẻ có học môn đó không, có được nhắc nhở thường xuyên không. Tôi lại thấy môn đó rất quan trọng.

Bà lại tiếc cho những tài năng trẻ hiện nay có quá ít đất để dụng võ. Nghệ sĩ phải được hát liên tục thì mới nhuần nhuyễn, thậm chí phải có người viết kịch bản "đo ni đóng giày" cho họ hát đúng sở trường. Và mối quan hệ giữa nghệ sĩ với nhà quản lý phải tế nhị nhưng vẫn phải tuân thủ pháp luật qua ký kết hợp đồng. Nói chung, làm bầu... khó hơn làm nghệ sĩ! Bà lại mỉm cười: "Thôi thì mỗi người có một vai trò, nương vào nhau mà sống chết với cải lương. Nhưng cuối cùng tôi cũng chỉ mê hát, nếu có làm lại từ đầu thì cũng xin đi hát mà thôi!".

Khó khăn lắm bà mới tìm được những tấm ảnh của mình đang lưu lạc trong nhà của... bạn bè. Hầu như bà chẳng lưu giữ gì. Và rất an phận với hai người con trai từng đi du học, với những đứa cháu nội ngoan ngoãn. Gần như ở ẩn trong ngôi biệt thự yên tĩnh, bà không biết rằng bên ngoài trong lúc cải lương ngày càng khó khăn thì người ta vẫn nhắc về công ty Kim Chung như một huyền thoại !

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.