Vụ ám sát kinh hoàng
Vào chiều hôm qua, sau khi tham dự một cuộc mít tinh ở thành phố Rawalpindi, cựu Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto, 54 tuổi, đã bị ám sát. Hãng tin AP dẫn lời một nhân viên an ninh của bà Bhutto cho hay một sát thủ đã bắn vào cổ và ngực bà. Sau đó, chính tên này kích hoạt khối thuốc nổ trong người ngay cạnh xe cựu Thủ tướng. Ít nhất 16 người khác cũng bị giết và hàng chục người bị thương trong vụ đánh bom này. Trong số các nạn nhân có cận vệ của bà Bhutto, dân thường và cảnh sát.
Sau khi bị tấn công, bà Bhutto đã được đưa tới bệnh viện. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng, bà đã qua đời. "Bà ấy mất lúc 18 giờ 16 (20 giờ 16 giờ VN). Kết quả phẫu thuật cho biết bà ấy đã qua đời", Wasif Ali Khan, một thành viên thuộc đảng Nhân dân Pakistan (PPP) do bà Bhutto lãnh đạo, thông báo với giới truyền thông.
Sau khi nhận được tin tức về vụ ám sát, từ thủ đô Islamabad, Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf lên tiếng: "Hành động tàn ác này là tác phẩm của quân khủng bố, những kẻ mà chúng ta đang truy quét mỗi ngày. Mối đe dọa lớn nhất cho Pakistan là khủng bố. Tôi cần mọi người đoàn kết và ủng hộ. Chúng ta không thể thảnh thơi khi chưa diệt hết chủ nghĩa khủng bố". Ông Musharraf cũng tuyên bố 3 ngày quốc tang cho bà Bhutto và các nạn nhân. |
"Bà ấy đang ở trong xe sau khi vừa kết thúc bài phát biểu trong công viên. Khi xe vừa ra cổng thì một gã thanh niên gầy gò nhảy lên phía sau và nổ súng. Sau đó là một tiếng nổ lớn, rồi thì xe cấp cứu chở bà đi", Sardar Qamar Hayyat, một quan chức PPP, kể lại với Hãng tin AP. "Chính mắt tôi trông thấy bà ngồi trong xe, rồi một tiếng nổ vang lên và tất cả chấm dứt. Tôi bị sốc khủng khiếp. Thật không thể tin rằng bà đã bị giết", một ủng hộ viên khác của PPP nức nở. Xe cấp cứu chở ngay bà Bhutto đến bệnh viện nhưng chỉ một tiếng đồng hồ sau đó bà đã trút hơi thở cuối cùng do bị thương quá nặng.
Sự giận dữ
Vụ ám sát bà Bhutto đã làm dấy lên một làn sóng giận dữ từ những người ủng hộ bà. Sau khi bà được đưa đến bệnh viện, hàng ngàn ủng hộ viên của bà đã kéo tới khu vực xung quanh và hô to những khẩu hiệu chỉ trích Tổng thống Pervez Musharraf. Theo những người này thì ông Musharraf phải chịu trách nhiệm chính trước cái chết của cựu Thủ tướng Bhutto.
"Tên giết người Musharraf, tên giết người Musharraf", đám đông hô to, nhằm thẳng lời buộc tội vào Tổng thống Musharraf, đối thủ chính trị của bà Bhutto. Nhiều người giận dữ đã ném đá vào xe cộ bên ngoài bệnh viện nơi bà Bhutto trút hơi thở cuối cùng. Trong khi đó, nhiều người gục xuống khóc thương cựu Thủ tướng.
Thành phố Rawalpindi nơi bà Bhutto bị ám sát nằm kế bên thủ đô Islamabad. Đây là nơi có trụ sở của quân đội Pakistan và từng đóng vai trò là thủ đô của nước này khi Islamabad đang được sửa chữa vào những năm 60 của thế kỷ trước. Thành phố này có khoảng 3 triệu dân và được coi là một trong những thành phố bình yên nhất Pakistan. |
Cùng ngày, ngay trước khi xảy ra vụ ám sát bà Bhutto, một vụ nổ khác cũng đã xảy ra trong đám đông ủng hộ ông Sharif gần Rawalpindi khiến 4 người chết.
Thủ phạm
Vụ ám sát bà Bhutto xảy ra giữa lúc cuộc vận động tranh cử tại Pakistan đang dần nóng lên. Đến khuya ngày hôm qua, chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm trong vụ ám sát này. Tuy nhiên, trong cơn giận dữ, các ủng hộ viên của bà Bhutto và đảng PPP cho rằng sát thủ là người từ các đảng đối thủ của PPP. Thậm chí có người còn cho rằng Tổng thống Musharraf "có trách nhiệm" trong vụ này, ám chỉ vụ ám sát là âm mưu của chính phủ nhằm triệt hạ một nhân vật cản đường. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng thực hiện vụ ám sát là các phần tử Hồi giáo cực đoan và cuồng tín. "Ngay cả ông Musharraf cũng từng bị ám sát. Vậy nên không thể vội vàng đổ lỗi cho chính phủ trong vụ này", một người bạn cũ của bà Bhutto phát biểu với Hãng tin BBC.
Các nhà phân tích quốc tế thì cho rằng đây là một vụ ám sát do các phần tử Hồi giáo cực đoan thực hiện. Trong thời gian gần đây, các tay súng thân al-Qaeda và Taliban đã gia tăng các vụ tấn công vào giới chức chính phủ. Bản thân bà Bhutto cũng từng nhận được nhiều lời đe dọa từ các tổ chức khủng bố tại Pakistan.
Đỗ Hùng
Bình luận (0)