Ba chàng trai hoạt hình: Túi rỗng, hát vang chào ngày mới

23/06/2007 13:00 GMT+7

Ba hoàn cảnh, ba tính cách, cùng "một lứa bên trời lận đận" gặp gỡ nhau, để rồi cùng "ba cây chụm lại" nên một hãng phim hoạt hình 3D đầu tiên của Việt Nam. Một công ty mà đến nay, ba "ông chủ" vẫn oằn vai gánh nợ mỗi tháng 100 triệu đồng, túi luôn trong tình trạng rỗng nhưng vẫn "cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy" và hát vang đón chào ngày mới.

Chuyện của Minh - Người sáng lập

"Giấc mơ hoạt hình Việt đến với tôi từ tuổi thơ. Trong giấc mơ ấy, tôi từng ao ước sẽ có ngày chính mình làm những bộ phim hoạt hình về lịch sử Việt Nam, về những trận Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, về Nguyễn Huệ áo vải cờ đào, về Nguyễn Trãi thao thức vì dân suốt đời, về thiếu niên anh hùng Trần Quốc Toản... Giấc mơ hoạt hình về lịch sử Việt ám ảnh tôi và đến giờ, giấc mơ ấy sẽ còn mãi đến khi nào Dofilm - Vinamation thực hiện được những bộ phim hoạt hình lịch sử 3D mới thôi" - Đỗ Quang Minh nói vậy với đôi mắt sáng bừng nhiệt huyết.


Tú tiếp chuyện các sao trong giới sản xuất phim của Hollywood
Ngày 30.12.2002, chính phủ cho phép mở hãng phim tư nhân thì tháng 1.2003, Minh đi nộp hồ sơ và đến ngày 6.5.2003 thì Dofilm đã ra đời với một khát vọng duy nhất: làm phim hoạt hình Việt bằng máy tính. Mộng mơ nhiều nhưng thiếu thực tế. Kết quả là chỉ còn ngôi nhà trống không mà Nguyên cho mượn làm trụ sở đón chào Minh. Thất bại đến sờ sờ. Minh buồn và suy sụp, nhất là việc những bạn trẻ mình đón về, cho các bạn học nghề làm phim hoạt hình, thuê thầy "ngon" dạy họ, đến lúc họ "có lông có cánh", có kiến thức từ những đồng tiền chắt chiu của Minh, họ bay đi. Giấc mơ dang dở. Bó tay ư? Không! Nhưng bắt đầu lại từ đâu thì chính Minh cũng không biết. Minh chỉ cố gắng duy trì Dofilm dù còn trùng trùng khó khăn. Mãi đến khi Báo Thanh Niên  đăng bài về Nguyễn Hữu Tú - chàng trai gốc Việt duy nhất trong ê-kíp thực hiện bộ phim hoạt hình Polar Express của Tom Hank, Minh đã gặp ánh sáng cuối đường hầm.

Từ Báo Thanh Niên, Minh tìm gặp Tú. Còn Nguyên đang sẵn sàng đợi sự hồi phục của Minh. Minh bắt đầu lại mọi thứ. Vinamation ra đời tháng 5.2007, tách ra từ phòng 3D của Dofilm, chuyên sản xuất phim hoạt hình. Minh tâm tình: "Khi nhập thiết bị VICON về Việt Nam, nếu không có bài báo Bầm dập vì hải quan của anh Võ Khối Báo Thanh Niên thì không biết số phận của các thiết bị này ra sao nữa". Giải quyết được chuyện hải quan, khó khăn vẫn chồng chất. Nhưng Minh đã lấy lại niềm tin bởi chính sự nhiệt tình của Tú và sự động viên của Nguyên.

Chuyện của Tú: Tôi muốn được sống với đam mê



Ba chàng trai mê hoạt hình - Ảnh: V.N

Nguyễn Hữu Tú có cái tên Mỹ: Tom Nguyen, nói chuyện bằng tiếng Việt lơ lớ, bởi Tú sống ở Mỹ từ khi 1 tuổi và mới trở về Việt Nam được 3 năm nay. Tốt nghiệp ngành 3D tại AILA - Art Institute of Los Angeles, Tú sở hữu "một kho báu kiến thức" về hoạt hình 3D. Tú là "hành khách Việt duy nhất" trên "chuyến tàu tốc hành đến Bắc Cực" do ngôi sao Tom Hank làm "trưởng tàu". Tú làm "lái tàu" - người vận hành Motion Capture.

Theo bố mẹ về lại quê Việt sau hơn hai mươi năm sống ở xứ cờ hoa, Tú nghĩ là mình sẽ giúp bố mẹ làm tốt công ty sản xuất mành cửa bằng mây tre lá. Thế nhưng, Minh đã tìm đến Tú, đặt vấn đề: "Minh không có tiền để trả cho Tú, chỉ có một giấc mơ muốn Tú chia sẻ. Nếu có thể đồng cam cộng khổ thì...". Tôi nhìn anh chàng sinh năm 1974 nhưng có vẻ rất "măng sữa", hỏi: "Vì sao bạn lại chọn về với Minh mà không phải là nơi nào khác?", Tú cười rất hiền: "Vì cảm nhận được rằng làm với Minh sẽ được sống với lý tưởng, đam mê của mình".

Tú có gương mặt khá điển trai, nụ cười hơi bẽn lẽn. Nói hơi chậm nhưng kiên quyết không "đệm" tiếng Mỹ vào dù tôi đã mở đường: "Nếu thấy bí từ thì cứ chen tiếng Anh". Sống ở Mỹ suốt thời thơ ấu và thiếu niên, hấp thụ nền giáo dục Mỹ, Tú cũng có lối nói chuyện khá thẳng thắn và hài hước kiểu Mỹ. Tôi hỏi với tư cách một người đứng ngoài, một người quan sát, Tú đánh giá thế nào về phim Việt? Tú thẳng thắn: "Đứng ngoài thì thấy phim Việt còn tệ lắm vì thiếu sáng tạo. Có khi xem phim Việt Nam cứ thấy cảnh này  quen quá, đã gặp đâu đó, là vì đạo diễn bê nguyên cảnh đó ở phim nước khác vào. Chi tiết trong phim rất ít. Chẳng biết có phải do làm vội cho xong, hay là thiếu đam mê, hay là thiếu tiền, thiếu kỹ thuật nữa...". Một lối nói rất thẳng nhưng cũng rất chân thành. Tôi hỏi tiếp: "Anh thấy phim hoạt hình Việt Nam hiện nay như thế nào?". Tú cười: "Nếu có thật nhiều tiền đi chăng nữa thì hiện nay, điều kiện con người và kỹ thuật của chúng ta chỉ cho phép làm được phim cỡ như Bug's life, Antz. Còn nếu thiếu tiền, ít tiền thì chỉ làm được bằng với Toy Story thôi".

Hiện để đồng hành với Minh, Tú phải đi dạy tại Đại học RMIT để có tiền trang trải chi phí. 

Chuyện của Nguyên: Ngôi nhà và bài toán kinh doanh

Lê Hoàng Nguyên sinh năm 1972, sớm đồng hành với khát vọng của Minh, Nguyên đã cho Minh mượn ngôi nhà tại địa chỉ 17/25 Chu Văn An, Q.Bình Thạnh, TP.HCM làm "đại bản doanh". Đến khi Minh làm thuyết khách, kéo được Tú về, Nguyên lại xắn tay áo, đồng hành cùng hai bạn, tình nguyện đứng mũi chịu sào, đi kiếm khách hàng về cho công ty còn non trẻ và chẳng ai chịu biết tới kia. Nguyên than khổ: "Khách hàng chưa biết đến kỹ thuật 3D nhiều, mình ra giá, họ cứ bảo cao. Họ đâu biết chi phí thế nào. Nhưng may là thời gian gần đây, có một số khách hàng biết đến. Tín hiệu của sáu tháng cuối năm hơi lạc quan". Nói là nói vậy nhưng thực chất thì  "Đến nay, chúng mình vẫn phải lo mỗi tháng trên dưới 100 triệu đồng". Câu chuyện của chúng tôi chợt bị gián đoạn, khi anh chàng ở công ty kinh doanh máy tính mà bộ ba mua chịu đến nhận tiền trả nợ và đại diện khách hàng đến để ứng trước tiền trong hợp đồng sắp tới của công ty. Và, thế là, Nguyên đã: tay trái nhận tiền ứng trước, tay phải trả nợ. Trên bàn, chỉ còn cái ví lép kẹp trơ mắt nhìn ba "ông chủ".

Túi rỗng, nhưng cả ba lạc quan cười xòa: "Tụi mình tin, Dofilm - Vinamation sẽ sớm vượt qua thời điểm khó khăn này. Nhất định sau Chuyện của  vườn, Gia đình của chúng ta và một vài bộ phim nữa sẽ là một phim hoạt hình lịch sử". Ba chàng trai trẻ, ánh mắt rạng ngời, túi không tiền ấy không biết rằng, họ đang là một phần của lịch sử phim hoạt hình 3D Việt Nam. Họ đang là  những người đầu tiên sản xuất phim hoạt hình 3D của đất nước này. Vinh dự ấy không phải ai cũng có được. Vậy thì, các chàng trai ạ, hãy căng buồm và đợi gió, thuyền sẽ băng băng lướt đến bến mà thôi!

Chuyện cổ tích ngày nay

Ngày nảy ngày nay, tại hội chợ SIGGRAPH ở nước Mỹ, có hai anh chàng ngắm không chán các thiết bị làm phim hoạt hình 3D. Hai chàng nghèo, giá thiết bị đắt kinh khiếp. Nếu đúng tích xưa, hai chàng sẽ ngồi khóc và Bụt hiện lên hỏi: "Vì sao con khóc?". Nhưng vì đây là chuyện ngày nay nên không có ông Bụt. Hai chàng ném đồng xu, dừng lại ở gian hàng của Công ty VICON, rụt rè: "Tui nói thiệt với ông, tụi tui muốn làm phim 3D lắm nhưng hổng có đủ tiền để trả. Ông cho tụi tui trả góp hé? Hông thôi trả chậm cũng được, để cảm ơn, tui sẽ để tên công ty ông lên phim". Anh quản lý gian hàng mắt tròn mắt dẹp nhìn "hai thằng châu Á" kỳ quặc, hỏi chuyện rồi thấy... thương thương, bèn bảo: "Công ty tui cũng có chiến lược phát triển ở châu Á. Chúng tôi sẽ bán cho anh với mức giá hỗ trợ tối đa nhưng đợi tui hỏi sếp đã". Hai chàng trai cám ơn rối rít rồi... về! E-mail từ VICON báo đồng ý bán với giá hỗ trợ. Một chuyên gia người Mỹ được gửi qua kèm với thiết bị. Ông người Mỹ  há hốc mồm khi biết cái giá thấp không tưởng nổi mà VICON bán cho hai chàng Việt Nam này. Câu chuyện cổ tích đời nay này đã làm cho đoàn thành viên Viện Hàn lâm điện ảnh Mỹ gồm các tên tuổi lớn như Curtis Hanson, William Hoberg, Tom Polock đã ngạc nhiên sửng sốt và trầm trồ vì không nghĩ rằng ở Việt Nam lại có xưởng phim hoạt hình 3D với máy móc thiết bị hiện đại như thế.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Vĩnh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.