Chia sẻ với Thanh Niên nhân kỷ niệm Ngày quốc tế phụ nữ 8.3, bà Đỗ Nguyệt Ánh, Chủ tịch HĐTV EVNNPC, nói: "Để đạt được thành công trong cuộc sống, mỗi người cần hai yếu tố. Thứ nhất, bản thân phải không ngừng tự học hỏi, tự trang bị kiến thức cần thiết cho cuộc sống, cho công việc. Bản thân tôi phải liên tục tự trau dồi, không bao giờ để bị lạc hậu so với thời cuộc. Yếu tố thứ hai, chúng ta phải vượt lên chính mình, vượt lên những định kiến về sức khỏe, thể chất, về giới, về quan niệm cho rằng phụ nữ tham vọng trong công việc thì sẽ bỏ bê gia đình… Chỉ khi nào mình thực sự cố gắng thì mới mong được gia đình, bạn bè, đồng nghiệp trân trọng, ủng hộ".
Ngành điện đã đem lại thành công cũng như giúp bà có nhiều đóng góp hiệu quả, thiết thực cho ngành, cho xã hội. Bà lựa chọn ngành điện vì cá nhân yêu thích hay chỉ đơn giản là yếu tố truyền thống gia đình?
Bà Đỗ Nguyệt Ánh:
Gọi là lựa chọn yêu thích hay đơn giản là truyền thống gia đình cũng khó rạch ròi. Trước đây, bố tôi công tác trong ngành điện. Khi còn nhỏ, tôi hay theo bố đến cơ quan, nghe bố và đồng nghiệp nói chuyện về nghề điện. Tôi thích điện từ ngày đó.
Ngày ấy, điện khá khó khăn. Cứ đến tối, mọi người trong khu tập thể, từ trẻ em đến người lớn tập trung ở sân chơi hóng gió trời, tự nhiên điện sáng bừng lên. Tôi cảm nhận được giá trị của dòng điện, của những người mang nguồn sáng đến mọi nhà. Tình yêu ngành điện cứ thế lớn dần. Vì thế, tốt nghiệp đại học, tôi không băn khoăn khi chọn ngành điện để làm việc. Yêu ngành điện một cách tự nhiên và có sự tiếp nối truyền thống gia đình, đó chẳng phải là điều tuyệt vời hay sao!
Kỹ sư hệ thống điện vốn là ngành được cho là phù hợp hơn với nam giới, thực tế cũng không có nhiều phụ nữ lựa chọn theo học. Vì sao bà lựa chọn ngành học này mà không phải một ngành "nhẹ nhàng", phù hợp với nữ giới hơn?
Bà Đỗ Nguyệt Ánh:
Ngành điện là ngành thuộc khối công nghiệp nặng, nam giới có thiên hướng hiểu biết về kỹ thuật sâu hơn nữ giới. Ngành điện có tới 80% là nam giới. Phụ nữ thường chỉ làm những công việc đặc thù như kinh doanh hay tài chính.
Tuy nhiên, ở ngành điện, tôi nhận thấy luôn có tính tập thể cao, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ, tương thân, tương ái. Tôi được các bác, các chú, các cô, các anh, các chị, những thế hệ đi trước nhiệt tình hướng dẫn, chỉ bảo. Vì thế, tôi không cảm thấy mình là phái yếu hay có sự thiệt thòi; không cảm thấy ranh giới giữa nam và nữ trong công việc nữa. Thậm chí, mình là đại diện bộ phận, đại diện cho tập thể thì mình phải trách nhiệm hơn.
Để làm tốt công việc điều hành trong một đơn vị ngành điện, tôi luôn phải giữ nghiêm kỷ luật, nguyên tắc, quy trình công việc. Khi đó, bất kể người đó là nam hay nữ cũng phải tuân thủ như nhau, cùng phấn đấu cho mục tiêu chung của đơn vị.
Du học ở Nga trở về với "tấm bằng đỏ", bà nhận được nhiều lời mời hấp dẫn ở các công ty, đơn vị nhưng vẫn quyết tâm chọn ngành điện để cống hiến. Có khi nào bà hối tiếc về sự lựa chọn này hay không?
Bà Đỗ Nguyệt Ánh:
Hối tiếc khi lựa chọn ngành điện - nơi gắn liền với tình yêu, đam mê và truyền thống gia đình ư? Câu trả lời chắc chắn là "không bao giờ rồi". Với tôi, những mốc thời gian đặc biệt trong sự nghiệp của mình kể từ khi ra trường như: ngày tôi bắt đầu làm việc trong ngành điện, ngày tôi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam hay ngày tôi được cấp trên tin tưởng bổ nhiệm giữ các chức vụ quản lý từ Phó giám đốc đến Tổng giám đốc rồi Chủ tịch HĐTV… đánh dấu bước trưởng thành của tôi trên con đường cống hiến cho EVNNPC, cho ngành điện. Ngoài ra, nhiều công trình do EVNNPC được giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng như: công trình cáp ngầm đưa điện lưới quốc gia ra đảo Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh); các công trình cấp điện cho các khu công nghiệp, các doanh nghiệp lớn được ví như "đại bàng" ở miền Bắc như: Tổ hợp công nghệ cao Sam sung, LG, Canon, Sumitomo, VSIP, Foxconn… đều là niềm tự hào của người điện lực. Tất nhiên, tôi không ngoại lệ khi đều trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia điều hành, chỉ đạo các dự án đó.
Tôi luôn biết ơn và trân trọng từng phút giây khi được sống và làm việc với trọn đam mê, cống hiến cho ngành, cho EVNNPC.
Ngành điện đang đối diện với nhiều khó khăn, EVNNPC cũng không ngoại lệ. Bà nhìn nhận ra sao về những khó khăn, thử thách hiện tại của doanh nghiệp do mình "chèo lái" và trăn trở gì về những giải pháp giúp EVNNPC vượt khó, hoàn thành chỉ tiêu năm 2023?
Bà Đỗ Nguyệt Ánh:
Năm 2022, EVNNPC đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Năm 2023 sẽ là thời điểm sự ảnh hưởng sau đại dịch và chiến tranh Nga - Ukraine mới thực sự "ngấm" vào nền kinh tế trong nước.
Hiện nay, EVNNPC đang bán điện cho hơn 11 triệu khách hàng với sản lượng điện thương phẩm năm 2022 đạt 86,3 tỉ kWh, là đơn vị có điện thương phẩm lớn nhất trong 5 tổng công ty phân phối trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Năm 2023, chúng tôi đặt mục tiêu đạt hơn 90 tỉ kWh. Để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, quán triệt sâu sắc định hướng chung của Đảng và Chính phủ, ngành điện chọn chủ đề năm 2023 là: "Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí". EVNNPC sẽ thực hiện mạnh mẽ các biện pháp kỹ thuật và quản lý để nâng cao độ tin cậy lưới điện phân phối; giảm tổn thất điện năng, đảm bảo quản lý vận hành lưới điện 110kV đến các cấp điện hạ áp được ổn định, an toàn, liên tục…
Bắt đầu chuyển đổi số từ năm 2020 và đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025, như thế EVNNPC chỉ cần 5 năm để "lột xác" toàn diện. Điều gì thôi thúc EVNNPC có quyết tâm cao như vậy, thưa bà?
Bà Đỗ Nguyệt Ánh:
Chúng tôi xác định số hóa là để tối ưu hóa các nguồn lực, nâng cao năng suất lao động và giảm chi phí, thực hiện quản trị doanh nghiệp hiệu quả. Đây chính là động lực để EVNNPC quyết tâm triển khai bằng được mục tiêu doanh nghiệp số.
EVNNPC đang có gần 27.000 cán bộ, công nhân viên, chỉ tính riêng số hóa quá trình ghi chỉ số công tơ, thu tiền điện đã giảm được 6.000 người. Do tài sản của EVNNPC luôn tăng lên, khối lượng công việc tăng lên theo thì số người này được bố trí vào các công việc khác tương ứng. Vì thế, trong 10 năm qua, tài sản của EVNNPC tăng gấp đôi, gấp ba, nhưng số lượng cán bộ, công nhân viên lại giảm 2.000 người.
Điều quan trọng nữa, số hóa mang lại tính minh bạch cho khách hàng và người dân. Khi có vướng mắc, kiến nghị, khiếu nại đều được tập trung về đầu mối là trung tâm chăm sóc khách hàng và được giải quyết qua các kênh thông tin đa dạng trên nền internet như: email, web, app, các ứng dụng mạng xã hội...
Có ý kiến cho rằng, môi trường làm việc chuyên nghiệp của EVNNPC là yếu tố quan trọng giúp không ít nhân viên nữ vừa gặt hái thành công trong công việc, vừa chu toàn được trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình. Xin bà chia sẻ thêm quan điểm của mình về điều này?
Bà Đỗ Nguyệt Ánh:
Ở EVNNPC, nữ giới hay nam giới đều được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, có sự phân công chức năng, nhiệm vụ, bổn phận, trách nhiệm từ cá nhân đến tập thể một cách rõ ràng. Chúng tôi luôn tạo môi trường tốt nhất để cán bộ, công nhân viên và người lao động hoàn thành nhiệm vụ, cũng như luôn tạo ra động lực, cơ hội được đào tạo, phát triển nếu cá nhân thực sự xứng đáng, có năng lực và nỗ lực cống hiến.
Mỗi chúng tôi đều cảm thấy vui khi đến cơ quan và hết giờ thấy hạnh phúc khi trở về mái nhà của mình. Đó chính là điều mà EVNNPC mong muốn có được ở mỗi cán bộ, công nhân viên. Công việc cũng như gia đình là hai "tổ ấm" không thể thiếu trong mỗi chúng ta, cần phải duy trì và tạo sức sống cho hai nơi này.
Thời gian tới, EVNNPC có những chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhằm tạo điều kiện cho cán bộ nữ thăng tiến trong công tác không, thưa bà?
Bà Đỗ Nguyệt Ánh:
Có thể nói, chưa bao giờ nữ giới được tham gia lãnh đạo, quản lý nhiều như bây giờ, đặc biệt trong ngành điện. Tại EVN những năm gần đây, công tác vì sự tiến bộ phụ nữ được triển khai sâu, rộng và mang tính thiết thực cao. Các ban "Vì sự tiến bộ phụ nữ" ở các cấp đã có chương trình hành động cụ thể hằng năm. Việc giao chỉ tiêu nữ giới tham gia lãnh đạo, quản lý; tỷ lệ cán bộ nữ được đào tạo; tỷ lệ cán bộ nữ tham gia tiếp cận các khâu… là bước tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực bình đẳng giới. Tất cả những chương trình đó đã được thay đổi về chất tại tất cả các đơn vị, đặc biệt là ở EVNNPC.
Những năm gần đây, EVN đã thực hiện các chương trình cố vấn lãnh đạo nữ, trong đó những nữ cán bộ giàu kinh nghiệm hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm cho các chị em trẻ hơn đang trên đường thực hiện ước mơ. Sau những chương trình như vậy, tỷ lệ chị em thăng tiến trong công việc, được đề bạt vào những vị trí quản lý có chiều hướng đi lên.
Xin cảm ơn bà!
Bình luận (0)