TNO

Ba hãng Mỹ được lợi từ việc bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam

26/05/2016 08:52 GMT+7

(Tin Nóng) Cùng với việc Tổng thống Barack Obama tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam, có ít nhất 3 hãng Mỹ được lợi, là Boeing, Lockheed Martin và Raytheon, theo trang tin kinh tế Investor’s Business Daily (IBD, Mỹ).

(Tin Nóng) Cùng với việc Tổng thống Barack Obama tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam, có ít nhất 3 hãng Mỹ được lợi, là Boeing, Lockheed Martin và Raytheon, theo trang tin kinh tế Investor’s Business Daily (IBD, Mỹ).

Tiêm kích F-16 của Mỹ (Lockheed Martin sản xuất) tại căn cứ không quân Bagram, Afghanistan ngày 14.3.2016 – Ảnh: Không lực Mỹ

Trong bài viết ngày 23.5, IBD cho biết Boeing, Lockheed Martin và Raytheon là ba hãng Mỹ được lợi nhất từ việc bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam kéo dài 41 năm qua.

Ngay khi Tổng thống Obama tuyên bố bãi bỏ cấm vận vũ khí sát thương tại Hà Nội ngày 23.5, hãng Boeing đã ký được hợp đồng cung cấp 100 chiếc máy bay chở khách Boeing 737 Max 200 cho hãng hàng không VietJet trị giá 11,3 tỉ USD, giao hàng từ 2019 - 2023. Như vậy VietJet sẽ có hơn 200 máy bay chở khách sau khi đã đặt mua gần 100 máy bay Airbus A320 hồi năm 2013 và 30 chiếc A321 năm 2015.

Nhưng không chỉ máy bay hành khách, Boeing còn được cho là đang thu hút sự quan tâm của Việt Nam ở lĩnh vực khí tài quốc phòng, như máy bay tiếp dầu trên không KC-46, chiến đấu cơ F/A-18 Super Hornet, trực thăng, tên lửa…

Boeing là hãng trước mắt đạt được mối lợi to lớn từ việc bỏ cấm vận vũ khí, khi bán được 100 chiếc máy bay Boeing 737 Max 200 cho VietJet nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama - Ảnh: Boeing

Việt Nam cũng quan tâm loại máy bay tuần tra biển và săn ngầm như P-3C đã qua sử dụng của hãng Lockheed, hãng này còn chào tiêm kích F-16, trực thăng Sikorsky, theo ông Mark Bobbi, chuyên gia của tập đoàn tư vấn IHS.

Với Raytheon, thế mạnh là các loại đạn dược và tên lửa có điều khiển chính xác.

Ông Bobbi cho rằng Việt Nam dường như quan tâm loại tàu tác chiến cận bờ (LCS) do Lockheed và General Dynamics chế tạo (mỗi hãng 1 kiểu, đang đóng cho Hải quân Mỹ). Tuy vậy Hà Nội sẽ yêu cầu loại tàu này có khả năng phòng không. LCS là tàu chiến nhỏ hơn so với các tàu chiến Hải quân Mỹ đang sử dụng, hoả lực cũng yếu, được thiết kế để hoạt động tác chiến gần bờ, rà phá thuỷ lôi, thả đặc nhiệm… Loại tàu này đang thử nghiệm gắn thêm tên lửa diệt hạm do Na Uy phát triển.

Boeing còn sản xuất tiêm kích F/A-18 cho Hải quân Mỹ và xuất khẩu. Trong ảnh là máy bay F/A-18 trên tàu sân bay USS Ronald Reagan chuẩn bị cất cánh, ngày 21.9.2015 - Ảnh: Hải quân Mỹ

P-3C Orion, loại máy bay trinh sát biển và săn ngầm nổi tiếng của Lockheed Martin tuy cũ nhưng vẫn còn lợi hại. Mới đây một số sĩ quan hải quân Việt Nam được mời bay trên loại máy bay này ở Hawaii - Ảnh: Hải quân Mỹ

Tàu tác chiến cận bờ USS Freedom, do Lockheed Martin sản xuất - Ảnh: Hải quân Mỹ

Rất có thể các hợp đồng mua vũ khí đầu tiên của Việt Nam sẽ xuất hiện trước cuối năm 2016 này. Dù Tổng thống Obama tuyên bố bãi bỏ cấm vận, Nhà Trắng vẫn phải thông báo cho Quốc hội Mỹ từng hợp đồng xuất khẩu vũ khí để được phê duyệt. Dù vậy, ông Bobbi tin rằng những người đối lập trong Quốc hội Mỹ sẽ tán thành các giao dịch bán vũ khí này.

Nhu cầu vũ khí ở châu Á đang giúp các hãng quốc phòng duy trì sự phát triển sau khi các đơn hàng từ Trung Đông giảm sút do tác động của giá dầu giảm. Các hãng vũ khí Mỹ phải chạy tìm thị trường mới, khi Lầu Năm Góc bắt đầu rút dần quân khỏi Iraq và Afghanistan. Hãng Lockheed muốn doanh số xuất khẩu vũ khí sang các nước chiếm 25% - 30% trong tổng doanh số những năm tới.

Ngay sau tuyên bố bỏ cấm vận của Tổng thống Mỹ, ngày 23.5 giá cổ phiếu Boeing tăng nhẹ 0,15%, còn các hãng khác đều giảm như Lockheed giảm 0,2%, Raytheon giảm 0,4%, General Dynamics mất 1,6%, còn GE giảm 0,2%.

Phác thảo 3 loại tàu LCS lớp Freedom Mỹ chào bán cho Ả Rập Xê Út - Lockheed Martin

Đài CNN ngày 25.5 còn cho biết trong khi các nước mua vũ khí của Mỹ thì chính phủ Mỹ cũng có chương trình cho vay ưu đãi hoặc viện trợ để các nước mua vũ khí Mỹ, thông qua chương trình Tài trợ quân sự nước ngoài (FMF) của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Năm tài khoá 2017, Bộ Ngoại giao Mỹ dự trù kinh phí của chương trình viện trợ FMF là 5,7 tỉ USD. Dự kiến 5 nước nhận được tài chính lớn nhất của FMF 2017 gồm Israel (3,1 tỉ USD), Ai Cập (1,3 tỉ USD), Jordan (350 triệu USD), Pakistan (265 triệu USD) và Iraq (150 triệu USD).

Tàu tác chiến cận bờ bán cho Ả Rập Xê Út được trang bị hoả lực mạnh

Loại tàu LCS lớp Freedom Mỹ chào bán cho Ả Rập Xê Út sẽ có tên lửa phòng không - Lockheed Martin

Tàu tác chiến cận bờ lớp Freedom do Lockheed Martin sản xuất dài 120 m, lượng choán nước cỡ 3.500 tấn, gắn hai động cơ turbin khí, có sân cho trực thăng đáp (loại MH-60), khoang đổ bộ, một pháo 57 mm phía trước, hai pháo 30 mm trên tháp, một dàn phóng tên lửa RAM phòng không. Tàu có hai cửa đổ bộ: một phía sau và một bên hông tàu. Hai xuồng cao tốc Zodiac sẵn sàng đưa lính đặc nhiệm đổ bộ vào bờ từ hai cửa này. Tàu Fredom chạy tối đa 40 knot/giờ (khoảng 74 km/giờ) trong khi đa số tàu chiến khác của Mỹ chạy 30 knot/giờ (55 km/giờ).

Gợi ý dàn vũ khí khủng gồm 16 ống phóng tên lửa phòng không, 8 ống phóng tên lửa diệt hạm mà Lockheed Martin trang bị trên tàu LCS bán choẢ Rập Xê Út - Lockheed Martin

Theo Defense News, tàu tác chiến cận bờ lớp Freedom nay đang chào hàng với Ả Rập Xê Út và có cải tiến trang bị vũ khí mạnh hơn cho lớp tàu này. Theo đó tàu LCS bán cho Ả Rập Xê Út sẽ được trang bị 16 ống phóng tên lửa loại thẳng đứng (phóng tên lửa phòng không Evolved Sea Sparrow), 8 ống phóng tên lửa diệt hạm Harpoon, pháo bắn nhanh, súng máy, ống phóng ngư lôi… Pháo 57 mm trước mũi tàu thay bằng pháo 76 mm mạnh hơn.

Tổng giá trị 4 tàu LCS cải tiến này cùng tất tật vũ khí đi kèm và phụ tùng, huấn luyện và hậu cần lên đến 11,25 tỉ USD!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.