(iHay) Việc phân công, chia sẻ những công việc nhà tưởng như chỉ là chuyện nhỏ nhặt vặt vãnh, thế nhưng đó chính là những bài học cuộc sống tuyệt vời nhất mà con trẻ nhận được từ bố mẹ.
Chẳng ai muốn mình là người thừa và không cần thiết trong cuộc sống. Ai cũng cần cái cảm giác mình là người cần thiết và có những đóng góp cho gia đình. Ngay cả trẻ con cũng thế. Và chính những công việc nhà thường ngày sẽ giúp trẻ em cảm nhận được điều đó. Hơn nữa, làm việc nhà giúp trẻ có tinh thần trách nhiệm, và chia sẻ công việc nhà chính là rèn luyện thói quen giúp đỡ những người chung quanh. Thế nhưng làm thế nào để con trẻ thích thú tham gia làm việc nhà?
Đừng trì hoãn. Bố mẹ nào cũng luôn nghĩ rằng con mình hãy còn quá nhỏ để làm việc nhà. Thực tế, con trẻ có thể có những khả năng vượt khỏi suy nghĩ của bố mẹ. Con trẻ có thể làm rất nhiều công việc nhà ngay từ bé. Rất nhiều bậc bố mẹ lại muốn con trẻ dành hết thời gian cho việc học, chỉ cần chúng chăm chỉ học hành thì khỏi phải đụng tay đụng chân vào việc nhà. Hệ quả là có những trẻ thành tích học tập rất tốt, nhưng ngoài việc học thì lại chẳng biết làm gì cả.
Đừng đòi hỏi sự hoàn hảo. Không ai hoàn hảo cả, và trẻ con sẽ tham gia công việc nhà một cách tốt hơn nếu chúng được giao việc một cách nhẹ nhàng, thoải mái. Hơn nữa, các bậc bố mẹ cũng phải đấu tranh với bản thân để không chen ngang làm giúp con, mà phải kiên nhẫn hướng dẫn, giám sát con thực hiện công việc nhà được giao trong những lần đầu tiên.
Chớ dè xẻn lời khen. Hãy khen con trẻ ngay trong khi chúng đang thực hiện công việc. Đừng chờ đến khi xong việc mới khen. Cần giúp trẻ có động lực tích cực, đặc biệt là đối với những trẻ nhỏ.
Đừng giao việc quá sức. Với những việc quá sức, trẻ sẽ dây dưa, “câu giờ” với hy vọng sẽ có ai đó làm hộ chúng.
Phân công công việc rõ ràng. Có bảng phân chia công việc sao cho mọi người trong gia đình đều phụ trách công việc phù hợp. Treo bảng phân công ở nơi mà mọi người đều nhìn thấy để tự theo dõi phần việc của mình. Nên có hai bảng phân công: Bảng phân công hàng ngày, và bảng phân công hàng tuần.
Giao việc cụ thể. Những yêu cầu chung chung như con hãy dọn phòng có thể được hiểu theo nhiều cách. Thay vì vậy, nên nói rõ ràng: Con hãy xếp áo quần rồi cất vào tủ, hãy thu dọn đồ chơi…
“Nhẹ nhàng hóa” công việc nhà. Đầu tiên, hướng dẫn chúng cách làm việc nhà theo từng bước một.Tiếp đó, bố mẹ hãy để trẻ giúp mình làm công việc đó. Sau đó để trẻ tự làm còn bố mẹ giám sát. Một khi chúng làm quen, chúng có thể làm một mình.
Công việc phù hợp lứa tuổi. Con trẻ có thể làm tốt hơn bạn nghĩ. Các bậc bố mẹ hãy luôn nhớ rằng một đứa trẻ có thể chơi tốt một game phức tạp thì chúng cũng sẽ điều khiển… máy giặt một cách dễ dàng. Nói chung, trẻ trước khi đến trường có thể làm những công việc đơn giản chỉ với 1 – 2 bước thực hiện. Trẻ lớn tuổi hơn thì làm công việc phức tạp hơn.
- Công việc nhà cho trẻ từ 2 đến 3 tuổi: Dọn dẹp đồ chơi. Châm thêm thức ăn cho thú nuôi. Dọn dẹp áo quần dơ. Lau chùi vết dơ. Quét bụi. Xếp sách và tạp chí thành từng chồng…
- Công việc nhà cho trẻ từ 4 đến 5 tuổi: Sắp xếp gối ngăn nắp. Đổ rác. Tưới cây. Rửa chén bát nhựa…
- Công việc nhà cho trẻ từ 6 đến 7 tuổi: Phân loại đồ giặt. Quét nhà. Sắp bàn ăn. Dọn dẹp phòng…
- Công việc nhà cho trẻ từ 8 đến 9 tuổi: Tự chuẩn bị bữa ăn sáng đơn giản. Dọn dẹp bàn ăn. Biết quét nhà, chùi nhà. Dẫn thú nuôi đi dạo…
- Công việc nhà cho trẻ trên 10 tuổi: Xếp và cất áo quần. Dọn dẹp nhà tắm. Lau cửa sổ. Nấu những món đơn giản. Trông em nhỏ. Làm vệ sinh bếp…
Bình luận (0)