Đó là cảnh báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đưa ra ngay sau cuộc họp ngày 31.7 tại Hà Nội với các chuyên gia khí tượng thủy văn nhận định về cơn bão.
3 kịch bản dự báo đường đi bão số 3
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, sáng qua 31.7, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão có tên quốc tế là bão Wipha, đây là cơn bão số 3 trên Biển Đông trong năm nay. Lúc 22 giờ cùng ngày, tâm bão số 3 cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 150 km về phía đông. Vùng gần tâm bão, sức gió mạnh nhất đạt cấp 9 (từ 75 - 90 km/giờ), giật cấp 12.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15 km. Khoảng chiều nay (1.8), bão số 3 sẽ đi vào vịnh Bắc bộ và có khả năng mạnh thêm.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết các nhận định về cường độ, vị trí bão số 3 còn có sự khác biệt cho thấy đây là cơn bão rất phức tạp. Hiện có 3 khả năng về dự báo khu vực bão đổ bộ và ảnh hưởng trực tiếp.
Khả năng cao nhất, bão số 3 đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh Bắc bộ. Thứ hai là bão di chuyển dọc biên giới phía bắc, tiếp giáp giữa VN và Trung Quốc. Khả năng thứ ba là bão “đi” men theo bờ biển rồi đổ bộ vào các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và Thanh Hóa. Bão sẽ gây ra một đợt mưa to đến rất to tại các tỉnh Bắc bộ, thậm chí lan đến Thanh Hóa, Nghệ An.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, từ chiều 1.8, các tỉnh phía đông Bắc bộ có mưa giông, khả năng kèm theo lốc xoáy, gió giật mạnh. Đợt mưa to đến rất to ở các tỉnh Bắc bộ kéo dài đến hết ngày 4.8. Mưa lớn sẽ khiến trên các sông suối khu vực Bắc bộ, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An xuất hiện đợt lũ với biên độ từ 2 - 5 m, vùng núi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và gây ngập úng ở vùng đồng bằng, vùng trũng thấp.
Lên phương án phòng chống bão, mưa lũ
Trong ngày 31.7, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, đã ký công điện khẩn gửi các tỉnh, thành phố khu vực phía bắc và các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Đà Nẵng chỉ đạo công tác ứng phó mưa lũ trong những ngày tới.
Ông Cường yêu cầu chính quyền các địa phương và các bộ, ngành T.Ư khẩn trương rà soát, kêu gọi các phương tiện thoát ra khỏi vùng biển nguy hiểm trong cơn bão số 3, hướng dẫn di chuyển đến nơi an toàn.
Trên đất liền, các địa phương chủ động phương án phòng chống gió bão, đặc biệt là mưa lớn gây ngập lụt khu vực đô thị, khu khai thác khoáng sản; đảm bảo an toàn hệ thống đê điều. Các tỉnh vùng núi, trung du phía bắc có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Các địa phương chủ động rà soát, sơ tán người dân đến nơi an toàn, sẵn sàng phương án phòng chống lũ.
Trong sáng nay (1.8), Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai sẽ chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành và địa phương để triển khai công tác ứng phó với mưa bão số 3.
1 người ở Lào Cai bị lũ cuốn mất tíchChiều 31.7, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai cho biết, lúc 1 giờ sáng cùng ngày, chị Triệu Thị Siết (33 tuổi, nhà ở xã Nậm Dạng, H.Văn Bàn, Lào Cai) trên đường từ nơi làm việc trở về nhà bằng xe máy, khi đến suối Nậm Mả (xã Võ Lao, H.Văn Bàn) thì bị lũ cuốn trôi mất tích cùng chiếc xe máy.
UBND xã Võ Lao huy động 50 người tìm kiếm cứu nạn, cho đến 4 giờ sáng cùng ngày thì phát hiện chiếc xe máy của nạn nhân bị biến dạng, nằm bên bờ suối cách nơi bị lũ cuốn khoảng 3 km.
Đến chiều cùng ngày, lực lượng tìm kiếm vẫn chưa tìm thấy chị Siết.
|
Bình luận (0)