Cụ thể, sáng 30.5, TAND cấp cao tại TP.HCM bác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Võ Anh Tuấn (nguyên Phó giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương VN - VietinBank chi nhánh Nhà Bè); bác kháng cáo của 4 nguyên đơn dân sự yêu cầu VietinBank bồi thường thiệt hại, thay vì bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (40 tuổi, nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro VietinBank chi nhánh TP.HCM) phải bồi thường như án sơ thẩm tuyên.
Không có chuyện một hành vi xét xử 2 lần
Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Như và Tuấn có hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” 1.085 tỉ đồng của 5 công ty. Tháng 2.2018, TAND TP.HCM xử sơ thẩm tuyên Như án chung thân, Tuấn 7 năm tù. Tổng hợp hình phạt ở giai đoạn 1 vụ án xét xử năm 2015, Như bị tuyên mức án chung thân, Tuấn 27 năm tù. Đồng thời, HĐXX buộc Như bồi thường 5 công ty 1.085 tỉ đồng.
Sau phiên tòa sơ thẩm, Tuấn kháng cáo cho rằng hành vi của bị cáo đã được xét xử ở giai đoạn 1, nay tiếp tục được đưa ra xét xử và cộng dồn án là gây bất lợi cho bị cáo. HĐXX phúc thẩm nhận định, hành vi của Tuấn giúp sức Như chiếm đoạt 200 tỉ đồng của Công ty Hưng Yên chưa được đưa ra xét xử ở giai đoạn 1 nên đây không phải là một hành vi được xét xử nhiều lần. Về hình phạt, theo HĐXX phúc thẩm, tòa sơ thẩm đã xem xét tính chất vai trò của Tuấn và tuyên mức án 7 năm tù là phù hợp. Tuấn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng không đưa ra tình tiết giảm nhẹ nào mới, nên không có cơ sở chấp nhận kháng cáo.
Huỳnh Thị Huyền Như phải bồi thường
4 nguyên đơn dân sự, gồm: Công ty CP chứng khoán Saigonbank - Berjaya, Công ty CP bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty chứng khoán Phương Đông, Công ty CP đầu tư và thương mại An Lộc, kháng cáo yêu cầu VietinBank bồi thường thiệt hại với lý do: các công ty đã mở tài khoản tiền gửi hợp pháp, ký hợp đồng tiền gửi, hợp đồng ủy thác đúng pháp luật, tiền đã được hạch toán trên hệ thống kế toán VietinBank. Tiền mất do VietinBank quản lý không chặt chẽ, không kiểm tra, giám sát kịp thời nhân viên nên trách nhiệm bồi thường thuộc về VietinBank.
Về nội dung này, HĐXX phúc thẩm nhận định, xét thủ tục mở tài khoản, sau khi Huyền Như và 4 công ty thỏa thuận lãi suất chênh lệch ngoài ngân hàng, Huyền Như đã yêu cầu các công ty mở tài khoản tại VietinBank chi nhánh TP.HCM, thể hiện ý thức chiếm đoạt của Như ngay từ đầu. Theo Huyền Như khai, một số công ty không trực tiếp làm thủ tục mở tài khoản mà chuyển thủ tục cho Huyền Như làm. Từ đó, Huyền Như đã để ý việc giả chữ ký khách hàng và khi có tiền vào tài khoản, Như lập tức giả chữ ký chủ tài khoản để chuyển tiền đi sử dụng cá nhân.
Về hợp đồng ủy thác đầu tư và hợp đồng tiền gửi, theo HĐXX, chứng cứ trong hồ sơ thể hiện các hợp đồng này đều do Như giả chữ ký, giả con dấu; lãnh đạo VietinBank ký hợp đồng nhưng không biết thỏa thuận ngoài ngân hàng giữa Như và các công ty, tức không phản ánh ý chí các bên tham gia ký kết hợp đồng nên hợp đồng không có giá trị thực hiện trong thực tế. “Tất cả chỉ là phương thức thủ đoạn gian dối của Huyền Như nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng”, HĐXX phân tích.
Tòa phúc thẩm nhận định, xét quá trình điều tra lại, các cơ quan tố tụng không truy tố Như tội “tham ô tài sản”, Như phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nên các công ty này là bị hại, đồng thời là nguyên đơn dân sự. Như khai chiếm đoạt tiền của 4 công ty, không chiếm đoạt của VietinBank. Lời khai này phù hợp với việc Như sử dụng tiền của các công ty đã giao dịch ngoài ngân hàng để trả cho các công ty, tổ chức do mình nợ, và dùng tiền cá nhân hoặc tiền có trong tài khoản chuyển trả lãi chênh lệch lãi suất hoặc chi môi giới. Từ đó, tòa phúc thẩm bác kháng cáo yêu cầu VietinBank bồi thường của 4 nguyên đơn dân sự trong vụ án.
Bình luận (0)