Từ năm 1993, cây cao su bắt đầu bén rễ ở đất Quảng Trị. Khoảng năm 2000, cao su bắt đầu được trồng đại trà, nhiều nhất là ở vùng phía Tây hai huyện Vĩnh Linh, Gio Linh. Theo nhiều người dân cũng như các ngành chức năng, từ đó đến nay chưa có năm nào cây cao su lại nhiễm bệnh hàng loạt và chết nhiều như năm nay.
Có đến tận những vườn cao su trụi lá, héo khô một cách kỳ lạ và chứng kiến những người nông dân dứt ruột chặt đi những gốc khô mới cảm nhận hết nỗi lòng của họ.
“Trồng cao su có phải ngày một ngày hai đâu, chúng tôi đã bỏ cả gia tài vào đó và nuôi hi vọng hơn 5 năm trời, chỉ thêm vài năm nữa là lấy mủ được. Giờ nhà chỉ có 600 cây mà chết hơn 500 cây rồi, trưa hôm kia vợ tôi vác rựa đi chặt mà tiếc của đến… xỉu” - anh Hoàng Văn Tùng (trú thôn Quảng Xá, xã Vĩnh Long, H.Vĩnh Linh) đắng giọng.
Cao su vùng Cùa thiệt hại tiền tỉ Nguồn tin của Thanh Niên cho biết tại vùng Cùa (xã Cam Chính và Cam Nghĩa, H.Cam Lộ, Quảng Trị), người trồng cao su cũng bị thiệt hại nặng. Theo đó, khoảng 1.500 ha cao su trên địa bàn do ảnh hưởng thời tiết nên rụng lá đến hai lần và chậm quá trình sinh trưởng, khiến người dân không thể bắt tay vào việc cạo mủ. Thiệt hại ước tính ban đầu lên cả 100 tỉ đồng. |
Ông Lê Văn Chiến, trưởng thôn Quảng Xá cho biết hiện trên địa bàn thôn đã có hơn 30 ha cao su nhiễm bệnh và chết, nhiều nhất là của hộ ông Nguyễn Hồng Sơn (chết 2.500 cây), ông Lê Thanh Nghị (chết 1.500 cây)…
“Chúng tôi không biết chúng mắc bệnh gì nhưng các cây nhiễm bệnh và chết thường chỉ chừng từ 2 đến 6 năm tuổi, chúng héo từ ngọn xuống, sau một thời gian thì rụng lá, khô dần đi như khúc củi. Nhiều đoàn của xã, huyện về kiểm tra cũng bảo phun thuốc này thuốc nọ nhưng hiệu quả chưa thấy đâu…”, ông Chiến nói thêm.
Theo UBND xã Vĩnh Long, thống kê bước đầu ở 8/14 thôn toàn xã, số cây chết đã lên đến 51.273. Còn số liệu của Phòng NNPTNT H.Vĩnh Linh thì cho biết toàn huyện có 6.466 ha trồng cao su, diện tích nhiễm bệnh là trên 80%, thiệt hại nặng chừng 40%, chủ yếu tập trung ở xã Vĩnh Long, Vĩnh Hà, Vĩnh Kim…
“Mùa cạo mủ khoảng từ 15.4 mà đến nay chúng tôi đã đụng dao kéo đâu. Bình thường trong thời gian này mỗi ngày chúng tôi thu về khoảng 500.000 đồng/ha, vậy chú tính thiệt hại có khiếp không? Các khoản nợ gốc, lãi vay ngân hàng hằng ngày vẫn treo lơ lửng trên đầu chúng tôi”, một người dân của thôn An Hướng (xã Gio An, H.Gio Linh) nói.
"Cao su trên địa bàn hiện nay đang bị nhiễm bệnh héo đen đầu lá và phấn trắng, nguyên nhân là do thời điểm cao su ra lá mới (tháng 3, 4) gặp thời tiết diễn biến bất thường (rét đậm, rét hại). Bệnh vẫn chưa có thuốc đặc trị nên chúng tôi khuyến cáo cho bà con phun một số loại thuốc khác thay thế và yêu cầu phải phun 2, 3 lần, phun cả hai mặt lá may ra mới trừ được” - ông Lê Hồng Sơn, Phó Phòng NNPTNT H.Vĩnh Linh cho biết.
|
Bài, ảnh: Nguyễn Phúc
Bình luận (0)