Th.S-BS Trần Thiên Tài, Trưởng Đơn vị dị ứng - miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, trả lời: Tình trạng nhiễm ký sinh trùng xảy ra phổ biến ở nước ta, vì với đặc điểm khí hậu nhiệt đới là yếu tố môi trường thuận lợi tạo điều kiện cho sự phát triển của ký sinh trùng. Hai con đường chính để lây nhiễm ký sinh trùng là qua da và đường tiêu hóa.
Các loại ký sinh trùng có thể có trong nguồn nước, thực phẩm mà chúng ta sử dụng hằng ngày, nếu chúng ta sử dụng nguồn nước và thực phẩm không đảm bảo vệ sinh thì ký sinh trùng có thể từ đây xâm nhập vào cơ thể. Ngoài ra, một số loại ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể người khi tiếp xúc trực tiếp qua da như: Ve, bọ chét, chí, rận… Một số khác thì lây qua bề mặt da như cái ghẻ, giun kim, sán máng, ấu trùng từ muỗi.
Bên cạnh đó, con đường lây nhiễm ký sinh trùng còn qua thú cưng, động vật cụ thể là giun đũa ở chó, mèo khi con người ôm ấp, vuốt ve chúng hay sán lợn, sán dãi bò khi tiêu thụ thịt lợn hoặc bò.
Dấu hiệu nhiễm ký sinh trùng
Theo bác sĩ Trần Thiên Tài, biểu hiện lâm sàng của nhiễm ký sinh trùng thì đa dạng, nhưng nhìn chung có thể có các biểu hiện như: Mệt mỏi, ăn uống kém, thiếu máu, gầy sụt cân; ngứa da, phát ban ở da; rối loạn tiêu hóa (khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng, táo bón, tiêu chảy…); các biến chứng nặng khi ký sinh trùng di chuyển lạc chỗ đến các cơ quan nội tạng như viêm ruột, tắc ruột, tắc mật, viêm màng não, viêm phổi…
Khi có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm ký sinh trùng, chúng ta cần đến khám tại các cơ sở y tế để được thăm khám và thực hiện các xét nghiệm phù hợp để được chẩn đoán xác định.
Nếu nhiễm ký sinh trùng, người bệnh sẽ được sử dụng các thuốc tẩy giun theo phác đồ cũng như được tự vấn các biện pháp phòng ngừa nhiễm giun.
Bác sĩ Thiên Tài cảnh báo người bệnh không nên tự ý sử dụng các phương pháp thải độc, điều trị chưa có bằng chứng khoa học hoặc không có chỉ định của bác sĩ vì có thể sẽ không mang lại hiệu quả điều trị mà còn gặp phải những tác dụng phụ, biến chứng không mong muốn.
Bình luận (0)