Bác sĩ cảnh báo tật nhổ tóc và những biến chứng khó lường

Lê Cầm
Lê Cầm
28/09/2022 04:00 GMT+7

Bệnh nhân nam, 13 tuổi, ở TP.HCM được mẹ đưa đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM khám vì rụng tóc hơn 1 tháng, ngứa đầu, tóc gãy ở các độ dài khác nhau.

Mẹ bé cho biết, bé thường xuyên kéo tóc khi học bài hoặc xem ti vi, tuy nhiên bé phủ nhận việc nhổ tóc. Bệnh nhân cũng từng có tình trạng rụng tóc tương tự cách 2 năm.

ThS.BS Nguyễn Thuỳ Ái Châu, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, dựa vào đặc điểm rụng tóc và lời kể của mẹ bé, bác sĩ nghi bệnh nhân mắc tật nhổ tóc, nên đã cho thuốc corticosteroid thoa giảm ngứa và tư vấn đi khám chuyên khoa tâm thần.

Tật nhổ tóc là gì

"Tật nhổ tóc là một rối loạn mạn tính, đặc trưng bởi hành vi kéo tóc lặp đi lặp lại, kết quả dẫn tới rụng tóc. Tật nhổ tóc được bác sĩ da liễu Francois Hallopeau đặt tên vào năm 1889 là trichotillomania, với “trich” là tóc, “tillein” là kéo hay nhổ", bác sĩ Châu chia sẻ.

Trước đây, tật nhổ tóc được xếp vào nhóm rối loạn kiểm soát xung động. Tuy nhiên, những nhiên cứu gần đây gợi ý sinh bệnh học của tật nhổ tóc tương tự với hành vi cưỡng chế trong rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Vì vậy, năm 2013, tật nhổ tóc được phân loại vào nhóm 'Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) và các rối loạn có liên quan’. Và được phân loại sâu hơn là những “Hành vi lặp đi lặp lại tập trung vào cơ thể” (tương tự như rối loạn bóc da).

Theo bác sĩ Châu, giữa tật nhổ tóc và OCD có điểm tương đồng về hành vi cưỡng chế, nhưng cũng có những khác biệt quan trọng. OCD bị thúc đẩy bởi những suy nghĩ xâm nhập không mong muốn (những ám ảnh), ví dụ như nỗi sợ hãi về những điều tồi tệ xảy ra, vì vậy các hành vi cưỡng chế được thực hiện nhằm cố gắng ngăn chặn những điều tồi tệ xảy ra. Trong khi tật nhổ tóc được đặc trưng chủ yếu bởi hành vi lặp đi lặp lại tập trung vào cơ thể (giật tóc) để giảm căng thẳng, stress, hoặc thậm chí là để cảm thấy vui vẻ, hài lòng, chứ không phải khởi phát bằng sự ám ảnh.

Ở người trưởng thành, hội chứng này thường gặp ở nữ nhiều hơn là nam với tỷ lệ 9:1, tuy nhiên ở trẻ em tỷ lệ này là ngang nhau và khởi phát từ khoảng 10-13 tuổi.

Triệu chứng dễ nhận thấy ở người có tật nhổ tóc là tóc rụng theo từng khu

bscc

Phân loại tật nhổ tóc

Tật nhổ tóc thường chia làm 2 loại chính: kiểu tập trung (focused pulling) và kiểu tự động (automatic pulling). Hai loại này có những đăc điểm khác nhau, dẫn đến tiên lượng điều trị cũng khác nhau. Ở kiểu tập trung, bệnh nhân nhận biết được việc kéo tóc của họ, thường khởi phát vì cảm thấy căng thẳng, lo âu và việc nhổ giúp bệnh nhân cảm thấy giảm stress. Kiểu nhổ tóc này thay đổi theo trạng thái tâm lý, vì vậy có thể cải thiện khi lớn dần và đáp ứng tốt với các liệu pháp điều trị, đb là liệu pháp tâm lý

Ở kiểu tự động, bệnh nhân hoàn toàn không nhận thức được việc kéo tóc của mình, thường kéo tóc khi đang thực hiện các hoạt động tĩnh tại như xem tivi, kiểu nhổ tóc không thay đổi theo trạng thái tâm lý nên thường kéo dài từ nhỏ đến lớn. Vì bệnh nhân hoàn hoàn không biết việc nhổ tóc của mình nên khi bị mất tóc, bệnh nhân thường đến khám bác sĩ da liễu đầu tiên để tìm kiếm các nguyên nhân khác, phủ nhận việc nhổ tóc dẫn đến khó khăn cho việc chẩn đoán, do đó vai trò của bác sĩ da liễu rất lớn để nhận biết được bệnh nhân mắc tật nhổ tóc kiểu này.

Các yếu tố ảnh hưởng đến tật nhổ tóc

Bác sĩ Châu cho biết, những bằng chứng hiện tại cho thấy bệnh sinh của tật nhổ tóc liên quan đến các yếu tố như yếu tố di truyền, bất thường MRI tại vùng vỏ và dưới vỏ não và yếu tố tâm lý - thần kinh. Các bệnh nhân mắc tật nhổ tóc cảm thấy căng thẳng hay buồn chán xảy ra trước khi thực hiện nhổ tóc. Những cảm giác tiêu cực này sau đó được giải tỏa bằng cách tự kéo tóc. Sự nhổ tóc giúp bệnh nhân giảm lo âu, căng thẳng hoặc đạt được sự vui vẻ, hài lòng, từ đó hành vi được củng cố và lặp lại.

Biến chứng thường gặp

Tật nhổ tóc không chỉ gây ảnh hưởng đến ngọại hình cũng như tâm lý bệnh nhân, mà đôi khi có thể đe dọa tính mạng do chứng ăn tóc (trichophagia). Tóc của bệnh nhân bện chặt lại trong dà dày, gọi là trichobezoar, hoặc có khi tóc đóng chặt từ dạ dày kéo dài đến ruột non hoặc ruột già, gọi là hội chứng Rapunzel.

Các tình trạng này có thể dẫn đến các biến chứng nặng hơn như tắc nghẽn dạ dày hoặc thủng và có thể cần phẫu thuật loại bỏ.

Ở người trưởng thành, nữ có xu hướng nhổ tóc nhiều hơn nam

bscc

Liệu pháp tâm lý trong hỗ trợ bệnh nhân mắc tật nhổ tóc

Việc các bệnh nhân mắc tật nhổ tóc đáp ứng điều trị với các liệu pháp tâm lý như liệu pháp nhận thức hành vi cho thấy cơ chế về tâm lý - thần kinh đóng vai trò quan trọng trong bệnh sinh của tật nhổ tóc.

Trong trường hợp bệnh nhân chưa tiếp cận điều trị về tâm lý và thuốc, có thể hỗ trợ bệnh nhân bằng một số hướng dẫn như giữ cho đôi tay bận rộn - bóp một món đồ chơi hoặc đeo găng tay; để tóc ngắn. Cố gắng trì hoãn việc nhổ tóc càng lâu càng tốt mỗi khi bạn cảm thấy muốn nhổ tóc. Dặn người thân cho bạn biết khi nào bạn đang nhổ tóc để giúp bạn nhận biết. Không giữ nhíp hoặc dụng cụ nhổ tóc ở vị trí dễ lấy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.