Tự thỏa thuận
Lâu nay, khi xảy ra sự cố với người bệnh, nếu lỗi thuộc về BS, bệnh viện (BV) thì hầu hết các vụ việc được xử lý theo kiểu thỏa thuận, “dàn xếp”, chứ không theo một quy định hay luật nào. Có vụ BS bồi thường vài chục triệu, có vụ phải chi cả hàng trăm triệu như chúng tôi đã đề cập, làm cho BS vừa chữa bệnh vừa lo lắng.
BS Trương Thế Hiệp, Phó khoa Cấp cứu - BV Chợ Rẫy (TP.HCM), nói: “Giới BS ngoại khoa đối mặt với nguy cơ bồi thường, thưa kiện nhiều nhất, vì đụng tới dao kéo, mổ xẻ”. BS Nguyễn Hữu Tùng (TGĐ BV Hoàn Mỹ) cho rằng: “Lâu nay, hầu hết với các vụ tai biến, trục trặc xảy ra mà BN phản ứng, đòi bồi thường thì gần như BS, BV với BN tự thỏa thuận. Có vụ hai bên đưa đến luật sư, nhưng luật sư cũng không biết dựa trên luật nào. Chúng ta chưa có luật hay quy định cụ thể về bồi thường cho BN trong những vụ tai biến, rủi ro”.
Ngày 30.9 vừa qua, Trung tâm y tế dự phòng (TTYTDP) TP.HCM phải hỗ trợ lần cuối 150 triệu đồng cho BN D.H (22 tuổi, nhà ở Q.5, TP.HCM) để gia đình viết giấy bãi nại. Tổng cộng, BN H. nhận được hỗ trợ lên đến khoảng 800 triệu đồng. Trước đó, H. đến TTYTDP TP tiêm vắc xin ngừa bệnh dại, tiêm đến mũi thứ 6 (mũi sau cùng) thì bị biến chứng (liệt tứ chi, sau thời gian chữa trị đến nay đã đi lại được), gia đình BN đã kiện ra tòa. Một lãnh đạo TTYTDP nói: “Vụ này phía công ty cung cấp vắc xin chỉ hỗ trợ 80 triệu đồng, còn TTYTDP hỗ trợ 720 triệu đồng, trong khi không chứng minh được rõ ràng lỗi là do trung tâm. Tiền hỗ trợ là do anh em của trung tâm đóng góp. Vụ này kéo dài từ năm 2007 đến nay, nên chúng tôi quyết định hỗ trợ lần chót để khép lại”.
Ai mua bảo hiểm?
Gần đây, giới BS đã đặt vấn đề về việc cần có bảo hiểm nghề nghiệp. Có ý kiến cho rằng BS ngoại khoa mới nên mua, vì mổ xẻ dễ gặp rủi ro; còn BS nội khoa thì không cần thiết. Tuy nhiên, BS Nguyễn Hữu Tùng lưu ý: “Không phải BS ngoại khoa mới gặp rủi ro mà nếu chẩn đoán sai, chỉ định thuốc không đúng dẫn đến biến chứng nặng thì BS nội khoa cũng đối diện với bồi thường. Ngay cả điều dưỡng tiêm thuốc cũng có thể bị rủi ro khiến BN sốc thuốc; thậm chí hộ lý đẩy BN đi trong BV bị ngã xe gây hậu quả xấu…”. Chính vì vậy, BV Hoàn Mỹ đã mua bảo hiểm nghề nghiệp từ BS cho đến điều dưỡng, hộ lý. “Năm 2011, BV Hoàn Mỹ mua bảo hiểm nghề nghiệp khoảng 8 tỉ đồng. Phía bảo hiểm có thể chi trả cao nhất là 2 tỉ đồng/vụ”, BS Tùng cho biết.
Mua bảo hiểm là cần thiết, nhưng ai mua? BS tự mua bảo hiểm cho cá nhân hay BV - nơi sử dụng BS - cần mua bảo hiểm cho BS và nhân viên y tế?
Theo BS Nguyễn Hoàng Bắc - Phó giám đốc BV Đại học Y Dược, TP.HCM, một số BV nước ngoài, BS muốn vào làm việc phải có bảo hiểm nghề nghiệp. BS Đại Phi Vân (nguyên Trưởng khoa Nội cơ xương khớp, BV Chấn thương - Chỉnh hình TP.HCM) cũng nói: “Với các nước tiên tiến, luật pháp rõ ràng, các BS hành nghề đều phải mua bảo hiểm nghề nghiệp. Nếu xảy ra sự cố, BS làm sai phải bồi thường, chứ không thể nói “rút kinh nghiệm” trên mạng sống BN như một số vụ ở ta được”.
Khẳng định cần có bảo hiểm nghề nghiệp, BS Tăng Hà Nam Anh, Trưởng khoa Chấn thương - Chỉnh hình, BV Nguyễn Tri Phương, TP.HCM, nói: “Lâu nay, phần lớn BS phải đi dàn xếp trước với BN khi xảy ra sự cố, vì các BS ngại ra tòa, sợ mất uy tín; nên rất mệt mỏi, mất thời gian. Nếu có bảo hiểm nghề nghiệp thì đỡ biết mấy”.
Bệnh viện phải mua Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ xem xét nội dung Dự thảo Nghị định Quy định về bảo hiểm trách nhiệm trong khám, chữa bệnh. Theo đó, các cơ sở khám, chữa bệnh hoạt động theo hình thức tổ chức là BV phải mua bảo hiểm trách nhiệm cho BS, điều dưỡng, kỹ thuật viên… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở y tế trong việc xử lý những khiếu nại của BN khi xảy ra sai sót; đồng thời mang lại lợi ích cho người bệnh. Chậm nhất đến cuối năm 2015 phải thực hiện. |
Thanh Tùng
Bình luận (0)