Bác sĩ giả “lọt” vào cơ sở y tế

21/06/2020 06:34 GMT+7

Nữ “bác sĩ” dùng bằng đại học y khoa giả vào làm việc ở sở y tế, phòng khám... vừa bị phát hiện ở Đồng Nai - nơi từng xảy ra một số vụ việc tương tự.

Ngày 20.6, Sở Y tế Đồng Nai cho biết vừa chuyển hồ sơ sang Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh này đề nghị điều tra, xử lý trường hợp bác sĩ (BS) sử dụng bằng đại học (ĐH) y giả, khi người này nộp hồ sơ vào làm việc tại một phòng khám (PK).

Nữ bác sĩ 'dỏm' dùng bằng giả làm việc trong ngành y suốt 10 năm trời

Dùng bằng giả làm việc ở Sở Y tế, rồi đi học chuyên khoa...

Trong quá trình kiểm tra nhân sự tại PK đa khoa Đại Phước (H.Nhơn Trạch) để chuẩn bị đi vào hoạt động, Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai phát hiện hồ sơ của bà T.X.N (42 tuổi, thường trú TP.HCM), phụ trách chuyên môn Phòng chẩn đoán hình ảnh của PK, có vấn đề về bằng cấp, nên đã xác minh.
Cụ thể, trong hồ sơ bà N. khai tốt nghiệp y đa khoa tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM (số hiệu 191/Y96 cấp ngày 10.10.2002), bằng chuyên khoa 1 do Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cấp (số hiệu B0033967). Ngoài ra, bà N. còn có Chứng chỉ hành nghề số 001936/BRVT-CCHN do Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) cấp ngày 13.2.2014 và Giấy chứng nhận số 858/GCN do Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, TP.HCM cấp ngày 29.8.2008 cho khóa học: Đọc CT - Scanner tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh - BV Chợ Rẫy (thời gian học từ ngày 4.6.2008 - 4.9.2008).

Bằng ĐH y khoa giả mạo mà bà N. dùng để vào Sở Y tế BR-VT, từ đó đi học chuyên khoa, chứng chỉ tiếp

Nhận được văn bản của Sở Y tế Đồng Nai, Trường ĐH Y Dược TP.HCM rà soát và sau đó có văn bản trả lời: “Bà T.X.N không có tên trong danh sách công nhận tốt nghiệp ĐH hệ chính quy ngành y đa khoa năm 2002 của trường và không được cấp bằng ngày 10.10.2002”.
Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng trả lời Sở Y tế Đồng Nai, có cấp bằng trên (chuyên khoa cấp 1 chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh), giấy chứng nhận siêu âm tim cho bà N. Nhưng “Do bà N. không trung thực trong hồ sơ đăng ký học (sử dụng bằng giả tốt nghiệp ĐH y đa khoa của Trường ĐH Y Dược TP.HCM), nên trường sẽ ra quyết định thu hồi, hủy bỏ văn bằng này, giấy chứng nhận trên”.
Trên cơ sở xác minh từ Trường đại học Y Dược TP.HCM, Sở Y tế Đồng Nai đã tạm giữ chứng chỉ hành nghề do Sở Y tế tỉnh BR-VT cấp cũng như Giấy chứng nhận khóa học: Đọc CT - Scanner do BV Chợ Rẫy cấp cho bà N., đồng thời đề nghị cơ quan chức năng xử lý. PK đa khoa Đại Phước cũng đã cắt hợp đồng với bà N. sau khi Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai xác định người này sử dụng bằng cấp giả.

“Lọt” qua hàng loạt cơ quan y tế

Làm việc với Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai, bà N. khai nhận sau khi có bằng ĐH y khoa giả bà có làm việc tại Sở Y tế tỉnh BR-VT từ năm 2003 - 2012. Năm 2012, bà đi học chuyên khoa 1 tại Trường ĐH Phạm Ngọc Thạch và sau đó đến làm việc tại Bảo hiểm xã hội TP.HCM (từ năm 2013 - 2018). Chưa hết, năm 2017, bà N. còn ký hợp đồng hợp tác với PK 115 (H.Nhơn Trạch). Cũng trong năm 2017, bà N. ký hợp đồng không thời hạn với BV Quận 7 (TP.HCM) về siêu âm - chẩn đoán hình ảnh do PK 115 nói trên không hoạt động.

Vụ “Chạy” chứng chỉ hành nghề y giá hàng trăm triệu đồng:
Có trách nhiệm của Sở Y tế Đắk Lắk ?

Ngày 20.6, thông tin từ BVĐK vùng Tây nguyên cho biết sau kết luận của Sở Y tế Đắk Lắk về các trường hợp BS có dấu hiệu “chạy” chứng chỉ hành nghề y với giá hàng trăm triệu đồng (Thanh Niên đã thông tin ngày 12.6.2020), BV này vừa có giải trình về vụ việc. Theo đó, vào tháng 8.2018, Phòng khám Dr Trung (TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đến BVĐK vùng Tây nguyên đặt vấn đề xin học nâng cao trình độ chuyên môn thời gian 12 tháng cho 7 BS. BV làm thủ tục tiếp nhận cho thực hành tại Khoa Chấn thương chỉnh hình. Sau khi làm thủ tục, đại diện Phòng khám Dr Trung đã ký hợp đồng và đóng tiền học phí cho 7 BS theo quy định, sau đó không rõ lý do chỉ có 4 BS nộp hồ sơ các văn bằng liên quan.

Cũng theo giải trình, BVĐK vùng Tây nguyên nhận khuyết điểm khi các phòng chức năng quản lý chưa chặt chẽ, lãnh đạo BV không xem xét kỹ hồ sơ đã ký xác nhận thời gian thực hành không đủ cho 3 BS. BV đã kiểm điểm trách nhiệm ban giám đốc và cá nhân liên quan; trong đó, BS H’Xuân Niê (cán bộ Phòng Kế hoạch tổng hợp) đã bị kỷ luật cảnh cáo.
Theo BVĐK vùng Tây nguyên, sau khi có xác nhận thời gian thực hành trên thì các BS đến Sở Y tế Đắk Lắk mua hồ sơ để xin cấp chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ, việc này BV không nắm được và không còn trách nhiệm của BV; bởi vì việc thẩm định hồ sơ để cấp chứng chỉ hành nghề là trách nhiệm của các phòng chức năng thuộc Sở Y tế.
Báo Thanh Niên ngày 12.6 có bài “Chạy” chứng chỉ hành nghề y giá hàng trăm triệu đồng, phản ánh nhiều trường hợp “chạy” xác nhận thời gian thực hành không đúng quy định để được cấp chứng chỉ hành nghề y tại BVĐK vùng Tây nguyên với giá hàng trăm triệu đồng.
Trung Chuyên
Trả lời PV Thanh Niên vì sao bà N. sử dụng bằng giả làm việc hơn 10 năm mà không bị phát hiện, lãnh đạo Phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế BR-VT xác nhận bà N. có làm việc tại phòng, nhưng thời gian chỉ có mấy tháng (?).
“Qua sự giới thiệu của mấy BS trong Sở Y tế và lúc này Phòng Nghiệp vụ y cũng đang cần người nên chúng tôi nhận về làm việc theo dạng ký hợp đồng. Làm được mấy tháng (không rõ năm) thì hết hợp đồng và Sở Y tế cũng không ký tiếp. Sau đó, bà N. đi làm chỗ này chỗ khác”, lãnh đạo này cho hay. Đối với chứng chỉ hành nghề, lãnh đạo Phòng Nghiệp vụ y cũng thừa nhận đã cấp cho bà N.
Lý do vì sao không phát hiện ra bằng cấp giả, vị lãnh đạo này nói: “Trong thủ tục hồ sơ nộp vào thì bằng cấp có công chứng. Khi đi công chứng thì người ta yêu cầu nộp bằng cấp thật để kiểm chứng, chứ mình đâu yêu cầu người ta nộp bằng chính được. Còn sau đó, khi nào mình có nghi ngờ mới gửi hồ sơ đi xác minh. Và trong 2 lần, lần xin làm việc ở Sở Y tế và xin cấp chứng chỉ hành nghề bà N. đều cung cấp bằng có công chứng”.

Bác sĩ sử dụng bằng giả là "giết người"

Đây không phải là lần đầu tiên Sở Y tế Đồng Nai phát hiện BS sử dụng bằng giả. Tháng 3.2020, sở này cũng phát hiện trường hợp tương tự là bà Đ.K.L (35 tuổi) - BS thực hành tại Khoa Cấp cứu - BV đa khoa (BVĐK) Đồng Nai.
Theo đó vào giữa năm 2019, bà L. xin vào thực hành tại BV này, trong hồ sơ có bằng tốt nghiệp ĐH Dược của Học viện Quân y (tốt nghiệp năm 2011) và bằng BS y khoa tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM (tốt nghiệp năm 2018). Sau đó, bà L. được BV tiếp nhận và phân công về thực hành tại khoa cấp cứu. Sau hơn 2 tháng thực hành tại đây, phát hiện bà L. có dấu hiệu bất thường trong chuyên môn nên BVĐK Đồng Nai đã thẩm tra lại các bằng cấp và phát hiện giả mạo nên báo cáo Sở Y tế vào cuộc xác minh. Thanh tra Sở Y tế xác định cả 2 bằng cấp bà L. cung cấp đều là giả mạo.
Trả lời Thanh Niên ngày 20.6, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ đánh giá BS mà sử dụng bằng giả để tham gia khám chữa bệnh là... giết người. “Bất cứ ngành nghề gì mà sử dụng bằng cấp giả đều không thể chấp nhận. Với ngành y thì đây là việc làm hết sức nguy hiểm, vì hậu quả chết người rất dễ xảy ra. Cũng may 2 trường hợp nêu trên được phát hiện kịp thời. Nhận thức được việc này, tôi thường xuyên yêu cầu Phòng Nghiệp vụ y phải thường xuyên rà soát, kiểm tra xử lý”, BS Vũ nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.