Bác sĩ ơi: Chủ động phòng ngừa bệnh cúm như thế nào?

22/12/2019 05:01 GMT+7

Những ngày gần đây, thời tiết lạnh, ô nhiễm môi trường , tôi được biết bệnh cúm đang phát triển, lây lan nhanh. Vậy làm sao để phòng ngừa bệnh cúm, nhất là nhà tôi có cháu nhỏ 3 tuổi? ( Ngô Thiên Ân , ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM)

Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Mộng Linh, Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM):

Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A/H3N2, cúm A/H1N1, cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.
Vài tuần nay, số lượng trẻ nhỏ đến khám và phát hiện cúm đang gia tăng. Các bé sốt cao liên tục từ 39 - 40 độ C, ngày đầu tiên vẫn chơi nên phụ huynh chủ quan, đến khi thấy con mệt, đau họng, đau mắt, đưa đi khám thì phát hiện đã bị cúm A.
Thời tiết lạnh, nhiệt độ thay đổi thất thường hiện nay là điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm A dễ dàng phát triển và lây lan nhanh. Bên cạnh đó, cùng với ô nhiễm môi trường, điều kiện đi lại, giao thương ngày càng gia tăng giữa các khu vực, vùng miền cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh cúm.

Để phòng bệnh, mọi người cần lưu ý:

Giữ vệ sinh: đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc môi trường thiếu vệ sinh, không ăn đồ thiếu vệ sinh.
Đặc biệt, chú ý rửa tay liên tục đều đặn.
Súc họng với nước muối sinh lý, nước súc miệng 2 lần/ngày.
Giữ khoảng cách: Cúm A lây lan qua giao tiếp, vì vậy, khi trao đổi với người bệnh và người lạ nên giữ khoảng cách 1 - 2 m.
Tiêm vắc xin ngừa cúm: Trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn có thể tiêm vắc xin cúm. Vắc xin phòng cúm cần tiêm mỗi năm một lần.
Cúm A có thời gian ủ bệnh từ 1 - 5 ngày (thông thường là 2 ngày); thời kỳ lây bệnh khoảng 1 - 2 ngày trước khi khởi phát và 5 - 7 ngày sau khi có dấu hiệu lâm sàng. Vì vậy, người bị cúm cần được cách ly, kể cả khi hết sốt, để không lây bệnh cho người xung quanh, trẻ nhỏ nên nghỉ học thêm vài ngày.

Biểu hiện của bệnh cúm:

Sốt trên 38 độ C, kèm theo ho, đau họng, viêm mũi, hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, đau đầu, buồn nôn, lạnh, mệt mỏi, đau mỏi xương khớp...
Khi bị cúm, cần uống nhiều chất bù nước, hạ sốt, nghỉ ngơi, bệnh có thể tự khỏi sau 3 - 7 ngày.
Bệnh cúm thông thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày. Tuy nhiên, với trẻ em, phụ nữ mang thai, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... thì bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Đặc biệt lưu ý, người dân không tự ý mua tamiflu điều trị cúm, đây là thuốc cần phải có chỉ định của bác sĩ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.