Bác sĩ tuyến trên về tuyến dưới

12/01/2009 01:35 GMT+7

* Một kíp tuyến trên về tuyến dưới hiệu quả hơn cử một kíp cán bộ tuyến dưới đi học 3 năm. * Không để xảy ra tình trạng: “Tuyến trên về làm ít, chơi nhiều. Tuyến dưới lo chiêu đãi tuyến trên”. Trước thực trạng bệnh viện tuyến trên ngày càng quá tải, ngành y tế trong nước đang triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm tải, trong đó có đề án 1816 cử bác sĩ về công tác có thời hạn ở bệnh viện tuyến dưới.

Nhiều biện pháp, nhưng vẫn quá tải trầm trọng

Theo thống kê tại các BV trong năm 2008, số lượng người bệnh đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh và tuyến T.Ư tiếp tục tăng từ 5-15% so với cùng kỳ năm trước; các BV lớn như: BV Chợ Rẫy, BV Ung Bướu (ở TP.HCM), BV Bạch Mai, BV Nội tiết (ở Hà Nội)... một giường bệnh không chỉ phải "gánh" đến 2 bệnh nhân, mà có khoa phòng, 3 người bệnh nằm chung một giường, tình trạng bệnh nhân vào viện phải nằm hành lang khá phổ biến.   

Chính thực trạng đó, đã buộc ngành y tế phải có hướng giải quyết, và nhiều biện pháp được đưa vào áp dụng gần đây như: tăng số phòng khám bệnh - huy động lực lượng bác sĩ điều trị nội trú ra phòng khám vào những ngày, giờ cao điểm; kê thêm giường bệnh - hầu hết các BV hạn chế tối đa diện tích dành cho hành chính để kê thêm giường. Qua khảo sát ở 194 BV trên cả nước mới đây cho thấy, số giường bệnh mà các BV phải kê thêm tăng hơn 115% so với số giường định biên, riêng ở BV tuyến trên là 127%; các BV xây dựng thêm các phòng khám phục vụ nhu cầu đa dạng của người bệnh; tăng ca, tăng giờ làm việc - nhiều BV gần đây đã triển khai khám bệnh trước giờ hành chính; tăng cường điều trị ngoại trú đối với các bệnh mãn tính; rút ngắn ngày điều trị...

Hiện số BV tư trên cả nước đã có 77 BV (với 5.200 giường), nhằm "chia lửa" với các BV công, nhưng xem ra cũng chưa thấm vào đâu, tình trạng quá tải ở các BV tuyến trên vẫn tiếp diễn, có nơi như BV Nhi đồng 1, BV Từ Dũ, BV Ung Bướu, BV Chấn thương - Chỉnh hình (ở TP.HCM) và các BV lớn tại Hà Nội, bệnh nhân ngày một đông, bác sĩ phải làm việc như cái máy.

Chính vì thế, gần đây, Bộ Y tế đã triển khai đề án 1816 - là đề án cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ BV tuyến trên về hỗ trợ BV tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Bác sĩ giỏi luân phiên về tuyến dưới

Thực ra, việc các giáo sư, bác sĩ có tay nghề cao ở tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới lâu nay vẫn có, nhưng chỉ mang tính chất đơn lẻ, theo kiểu quen biết giúp đỡ nhau. Nhưng, với đề án 1816 thì khác, đây được xem là chiến lược cơ bản của Bộ Y tế, nhằm giải quyết ngọn nguồn của tình trạng quá tải - đó là làm sao để cán bộ y tế tuyến dưới nắm vững chuyên môn, tạo lòng tin cho người bệnh, để họ không dồn về tuyến trên, mà có rất nhiều trường hợp bệnh chưa cần phải đến BV tuyến trên.

Theo ông Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế): "Các kỹ thuật chuyển giao, nâng cao về chất lượng chuyên môn phần lớn là các kỹ thuật cơ bản, phù hợp với năng lực điều trị của các BV tuyến dưới. Nhưng với sự hỗ trợ của tuyến trên, chất lượng chẩn đoán điều trị chắc chắn được cải thiện. Như vậy, việc các BV tuyến trên giúp tuyến dưới về chuyên môn, thực ra cũng là giúp chính mình, vì khi chất lượng chẩn đoán điều trị tại tuyến dưới được nâng lên, tuyến trên chắc chắn sẽ giảm tiếp nhận các tai biến do sai sót trong điều trị từ tuyến dưới hoặc giảm các ca điều trị vượt tuyến, gây quá tải".

Ông Kính cho biết thêm: "Một giám đốc BV tuyến dưới bày tỏ với chúng tôi rằng một kíp các chuyên gia 1816 về với chúng tôi còn hiệu quả hơn cả một kíp cán bộ chúng tôi cử đi học 3 năm. Vì đi học về, nhiều khi lại không triển khai được. Còn cán bộ y tế tuyến trên xuống cầm tay chỉ việc, giúp luôn cả tổ chức thực hiện. Vì vậy, anh em tuyến dưới dễ dàng tiếp thu những kỹ thuật chuyển giao hơn". 

Sau 5 tháng triển khai đề án 1816 đã có 619 lượt cán bộ y tế đi luân phiên đến 56 tỉnh với hầu hết các chuyên khoa như: nội, ngoại, sản, nhi, ung thư, nội tiết, tai mũi họng, răng hàm mặt... Hàng ngàn người bệnh ở quê đã được tiếp cận với chất lượng khám chữa bệnh tốt hơn. Hiện, đã có 11 tỉnh, thành phố và 8 BV thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án 1816. Ông Lý Ngọc Kính cho biết: "Việc triển khai đề án 1816 tới đây sẽ chặt chẽ hơn, trong năm 2009, thay vì giám đốc BV ra quyết định cử bác sĩ về tuyến dưới, thì Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ ra quyết định này. Thời gian lưu lại tuyến dưới để hỗ trợ chuyên môn sẽ là 3 tháng. Dự kiến, tiến tới Bộ Y tế sẽ đề xuất với Chính phủ luật hóa việc bác sĩ đi "nghĩa vụ" về tuyến dưới. Khi đã thành luật, thời gian đi "nghĩa vụ" về tuyến dưới có thể sẽ là 3-5 năm, chứ không phải 3 tháng như bây giờ".

Nếu đề án 1816 được thực hiện tốt như chủ trương của nó, hy vọng trong tương lai gần, tình trạng quá tải ở các BV tuyến trên sẽ giảm tải. Đừng để diễn ra tình trạng "chuyển giao thì ít, mà vui chơi thì nhiều" như lâu nay, mỗi lần nhóm bác sĩ tuyến trên về tuyến dưới 1-2 ngày, chỉ mổ được vài ba ca, rồi tuyến dưới lo chiêu đãi tuyến trên!

Thanh Tùng - Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.