Là lần thứ 7, Masterpiece London năm nay quy tụ 154 hãng chế tác trang sức, tiếp tục là bệ phóng để những cái tên lần đầu xuất hiện thực sự tỏa sáng. Và Wallace Chan - người đàn ông thầm lặng đến từ Hồng Kông đã khiến mọi người ngả mũ kính phục.
Năm 2016 đánh dấu 2 sự kiện lớn trong sự nghiệp của nhà thiết kế trang sức 60 tuổi này. Tháng 3 vừa rồi ông lần đầu được mời tham dự TEFAF (The European Fine Art Fair) tại Hà Lan. Và tháng 6 này, ông lại lần đầu có mặt ở Masterpiece London, mang theo “báu vật” là chiếc vòng cổ Damask Silk được chế tác từ 54 viên kim cương và 124 viên đá tourmaline.
|
Chẳng cần phải đợi đến TEFAF hay Masterpiece, cái tên Wallace Chan mới được biết đến. Hành trình đi từ cuộc sống nghèo khó cùng cực của tuổi thơ đến đỉnh cao nghề kim hoàn của ông từ lâu đã là bài học giá trị về sự cần cù, lòng quyết tâm và là nguồn cảm hứng với những ai đi tìm cái đẹp.
Ông Chan cùng gia đình di cư đến Hồng Kông vào thập niên 1960 và khi là một đứa trẻ, ông đã phải phụ cha mẹ kiếm tiền bằng nghề đủ thứ nghề. Năm 16 tuổi, Chan tìm được việc ở một xưởng chuyên khắc chạm những biểu tượng tôn giáo. Rồi ông xin cha 1.000 đô la Hồng Kông (khoảng 130 USD hiện nay) để mua một chiếc máy khắc khởi nghiệp. Cả gia đình vui sướng vì nghĩ rằng Chan đã ổn định. Nhưng năm 28 tuổi, Chan bất chấp sự chống đối của gia đình, quyết định đi Macau để học bởi “tôi không muốn chỉ là một người thợ. Tôi muốn học nghệ thuật và xem phim. Tôi muốn tạo ra thứ mà tôi say mê. Tôi muốn tạo ra những trang sức biết nhảy múa, những sáng tạo có câu chuyện và linh hồn”.
|
Bị ám ảnh bởi chuyện một vết nhỏ trên viên đá quý có thể được phản chiếu nhiều lần, tạo nên ảo ảnh giống như kỹ thuật phơi sáng hai lần trong nhiếp ảnh, sau 2 năm nghiên cứu (từ 1985 đến 1987), Chan đã giới thiệu với thế giới kỹ thuật mang tên mình: Wallace Cut. Kỹ thuật này nghe qua rất đơn giản nhưng nó được sáng tạo ra nhờ một bậc thầy hết lòng say mê công việc như Wang: khoan một cái lỗ ở phía sau của viên đá rồi khắc a xít trong đó với hình ảnh ngược chiều, khi nhìn vào từ phía trước hình ảnh bên trong sẽ phản chiếu lấp lánh theo từng góc độ khác nhau.
|
Ông François Curiel - phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Hãng đấu giá Christie’s nói về Wallace: “Người ta có thể gọi ông là người đàn ông Phục hưng, một nhà khoa học, nhà thiết kế, nhà điêu khắc, nhưng mô tả của tôi về Wang còn huyền ảo hơn thế”.
|
|
Riêng bản thân Chan, ông không biết gì về thế giới bên ngoài, hai khu xưởng của ông (ở Hồng Kông và Macau) luôn đóng kín cửa để ông tập trung làm việc cùng với những cộng sự gắn bó 15 - 20 năm qua. Một năm ông chỉ cho ra đời khoảng chục mẫu nữ trang bởi “tôi dành rất nhiều thời gian cho một món mà nó sẽ trở thành con người tôi. Viên đá là tôi và tôi là viên đá”.
Bình luận (0)