Trong đó, các tư liệu cơ quan này lưu giữ suốt hơn 40 năm qua được công bố, để công chúng và nhà nghiên cứu hiểu hơn về hai loại hình di tích này.
Vẽ đình chùa kỹ tới từng nét chạm
|
Viện Bảo tồn di tích hiện có trong tay nhiều tư liệu quý hiếm, đã được lưu giữ qua nhiều năm. Đó là các tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau: do người Pháp để lại, do các họa viên của viện vẽ từ cách đây 40 năm, do các nghiên cứu viên tiếp tục vẽ và lưu lại sau này… Ngày 26.11, lại thêm 2 cuốn sách nữa với những tư liệu này được giới thiệu. Đó là cuốn Kiến trúc đình làng Việt qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích (tập 2) và Kiến trúc chùa VN qua tư liệu Viện Bảo tồn di tích (tập 2). Trong đó, các bản vẽ đình, chùa được tiếp tục công bố, kỹ tới từng chiếc cột, từng nét chạm. Chẳng hạn, nhờ tư liệu mới có thể thấy hình vẽ bộ khung đình Thổ Hà (H.Việt Yên, Bắc Giang) cũng như những mảng chạm nguyên bản tại đây. Ở đó, hoa cúc phù dung được thể hiện trong bố cục hình thoi, bốn cánh nở xòe bốn góc hay mặt trời được tả thực bằng các đĩa tròn.
|
|
GS-TS Hoàng Đạo Kính, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, cho biết: “Đây là những tư liệu rất tốt nếu được đem vào nghiên cứu và giảng dạy cho sinh viên các trường kiến trúc, di sản văn hóa. Nó cũng có thể sử dụng trong quá trình tu bổ di tích”.
Lan tỏa nhờ chính sách quản lý
|
Viện Bảo tồn di tích cũng sử dụng các bộ hình tư liệu, ghi chép này trong các lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho kiến trúc sư, kỹ sư hay các lớp dạy nghề thủ công. Ông Cương cho biết: “Chúng tôi thường đưa vào giảng dạy cho học viên, để thấy được tình trạng chân thực nhất của di tích trong thời quá khứ”.
Đặc biệt, khi những bức họa này được đưa cho học viên các lớp nghề chạm đục xem, họ vô cùng xúc động. “Những người thợ chạm thường chạm theo nguyên mẫu đưa ra. Tuy nhiên, khi được xem lại tư liệu quý, những người thợ đục chạm điêu khắc gỗ đều có cảm xúc, thấy được bàn tay tài hoa người xưa. Nó cũng khiến họ thôi thúc đục chạm nhiều hơn nữa, sử dụng các dụng cụ thủ công nhiều hơn nữa để giảm việc sử dụng máy móc trong tu bổ di tích”, ông Cương nói.
KTS Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, cho biết những cuốn sách như bộ sách tư liệu về đình Việt, chùa Việt này cũng rất cần đến được tay người quan tâm sách. Tuy nhiên, nó lại là sách đặc thù, nên không thể quá nặng chuyện phổ cập. “Đó là việc của nhà quản lý và truyền thông. Hệ thống quản lý phải chỉ cho người ta con đường tiếp cận được tư liệu, sử dụng được tri thức của xã hội”, ông Vinh nêu ý kiến.
Trước đó, ông Nguyễn Đức Bình, sáng lập viên nhóm Đình làng Việt, cũng cho rằng nhà nước có thể lập đường dây nóng để hỗ trợ các thông tin về trùng tu cho người dân. Qua đường dây đó, giới thiệu họ tiếp cận sách và tư liệu của Viện Bảo tồn di tích như một cách làm thiết thực.
Bình luận (0)