- Trả lời: Bạch quả là một loại thực phẩm được dùng khá lâu đời trong ẩm thực phương Đông. Theo Đông y, bạch quả có vị ngọt, hơi đắng, tính bình, vào kinh phế và mạch đới, có tác dụng liễm phế, tiêu đờm, thường được dùng trong các chứng ho lâu ngày, ho đàm, đi tiểu lắt nhắt... Bạch quả có thể dùng trong các bài thuốc, hay các món ăn thực dưỡng, có giá trị dinh dưỡng và chữa bệnh rất hay. Người ta có dùng cao lá bạch quả để sản xuất ra các sản phẩm giúp cải thiện tuần hoàn máu cho não. Khi sử dụng bạch quả làm thuốc, người ta thường giã nát trái bạch quả rồi cho chung vào thang thuốc. Ngoài ra, bạch quả thường được dùng nấu các món ăn như: chè bạch quả; đuôi heo hầm bạch quả, củ sen...
Trong Đông y, bạch quả được dùng trong bài thuốc trị chứng huyết trắng do thấp nhiệt có màu vàng và mùi hôi ở phụ nữ. Bài thuốc gồm: bạch quả 16g, xa tiền tử 12g, hoài sơn 20g, thương truật 12g, bạch linh 12g, hoàng bá 20g, trần bì 6g, bạch thược 12g, sài hồ 8g, khiếm thực 12g, táo đỏ 5 trái, gừng tươi 3 lát. Nấu nước thứ nhất với 800 ml, nấu còn lại 200 ml; nước thứ hai nấu với 600 ml, còn lại 200 ml. Hòa chung 2 nước thuốc lại, chia làm 2 lần uống trong ngày. Một đợt điều trị khoảng 10 ngày. Khi uống thuốc này không nên ăn các loại đồ chua, nhất là món cà muối chua, dưa cải muối chua.
Bạch quả làm thực phẩm thường được đập bể vỏ cứng bên ngoài, ngâm nhân bên trong vào nước ấm khoảng 10 phút, sau đó bóc bỏ vỏ lụa là được. Không dùng bạch quả khi đang bị bệnh cảm (sẽ làm cho đầy bụng); và cũng không nên dùng nhiều trong một thời gian dài (sẽ gây đình trệ không tốt cho cơ thể). Bạch quả thường được bán ở các chợ cùng với các loại thực phẩm khác như hạt sen, tuyết nhĩ, long nhãn, táo đỏ… Trái bạch quả được xem là tốt khi vỏ bên ngoài màu trắng, chắc, nhân bên trong màu vàng, hơi xanh, tròn chắc, không mùi hôi, mốc.
Lương y Trần Duy Linh
(TP.HCM)
Bình luận (0)