Theo đề án vừa được Chính phủ thông qua và trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 sắp tới, diện mạo của TP.Huế trực thuộc Trung ương trong tương lai sẽ được thực hiện trên cơ sở nguyên trạng hơn 4.947 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Còn TP.Huế hiện hữu sẽ được tách ra và thành lập 2 quận Phú Xuân (bờ bắc sông Hương), Thuận Hóa (bờ nam sông Hương). Cùng với đó, sẽ thành lập TX.Phong Điền trên cơ sở nguyên trạng H.Phong Điền; nhập H.Nam Đông với H.Phú Lộc để thành lập H.Phú Lộc mới; thành lập 11 phường, 1 thị trấn và 1 xã trên cơ sở sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp xã (2 phường, 1 thị trấn, 18 xã).
Sau sắp xếp, TP.Huế trực thuộc T.Ư có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 2 quận, 3 thị xã, 4 huyện (không thay đổi số lượng đơn vị hành chính cấp huyện nhưng có giảm 1 thành phố, 2 huyện và tăng 2 quận, 1 thị xã). Có 133 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 78 xã, 48 phường, 7 thị trấn (giảm 8 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó giảm 17 xã và tăng 9 phường); tỷ lệ đô thị hóa 63,02% (779.207 người/1.236.393 người).
Theo đề án của Chính phủ, việc thành lập TP.Huế trực thuộc Trung ương có ý nghĩa chính trị đặc biệt quan trọng, thể hiện rõ ý chí, khát vọng, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân; tạo động lực để Thừa Thiên - Huế phát triển nhanh và bền vững, góp phần hiện thực hóa Nghị quyết số 54-NQ/TƯ ngày 10-12-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng và góp phần phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Trước ngưỡng cửa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, dưới góc độ người dân, ông Hồ Anh Kiệt (trú tại P.Thuận Lộc, TP.Huế) bày tỏ: "Là một người sinh ra và lớn lên tại Huế, tâm tư nguyện vọng của mỗi một người con xứ Huế luôn mong được đóng góp ý tưởng, công sức góp phần thúc đẩy kinh tế Huế ngày càng phát triển và hội nhập, xứng tầm với tiềm năng và lợi thế của địa phương xứ Huế...".
"Khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tôi mong chính quyền chú trọng việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu kinh tế, xã hội, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Tiếp tục kêu gọi các nhân sĩ trí thức, chuyên gia giỏi, chuyên gia đầu ngành là con dân xứ Huế đang sống làm việc tại các tỉnh, thành và hải ngoại về Huế hiến kế, góp phần công sức để thúc đẩy kinh tế xã hội xứ Huế ngày càng phát triển", ông Kiệt nói.
Ông Kiệt gợi ý cần nhận thức những lợi thế để phát huy, nhưng cũng phải nhìn thấy nhược điểm để khắc phục, loại bỏ những điều không phù hợp.
"Một mặt, giữ gìn bản sắc của người Huế, nhưng mặt khác tạo hướng đi tích cực, hạn chế sự bảo thủ, dè dặt; chọn lọc phát huy những gì tinh túy, phù hợp, gìn giữ, bồi đắp, hòa quyện vào cuộc sống hiện đại một cách hài hòa... Việc xây dựng văn hóa trong kinh tế chú trọng, nhất là cải thiện môi trường đầu tư, cải cách các thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế, thân thiện với môi trường...", ông Kiệt kỳ vọng.
Ông Nguyễn Trần Lộc (ở TP.Huế) lại nhìn thấy những thực tế sẽ đến với người dân trong việc thay đổi nhiều loại giấy tờ, từ CCCD, thẻ ngân hàng, giấy tờ liên quan khi lên thành phố Trung ương.
Trong khi đó, ông Hồ Ngọc Minh (ở P.Xuân Phú, TP.Huế) cho rằng thời gian gần đây bộ mặt đô thị có nhiều chuyển biến, nhưng Huế vẫn còn nhiều tuyến đường rất nhỏ, nhiều khu vực vẫn còn nhếch nhác… "Mong rằng khi lên thành phố trực thuộc Trung ương, sẽ có cơ chế để đầu tư cho hạ tầng đô thị nhiều hơn, hệ thống cầu đường kết nối từ thành phố đến các huyện, thị, nông thôn cần đầu tư nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế cũng như đi lại của người dân".
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Đức Minh, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Sunrise, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết khi làm việc với các đối tác, họ đều hỏi "Huế đã có chuyến bay quốc tế chưa, gồm những tuyến nào?".
Cảng Chân Mây sẽ là đầu mối giao thông đường biển kết nối phía nam để thành phố Huế vươn ra biển lớn.
ẢNH: NGỌC MINH
Vì vậy, theo ông Minh, khi lên thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh cần kiến nghị Trung ương hoàn thiện kết nối giao thông. Trong đó, sớm hoàn thiện cao tốc La Sơn - Túy Loan, nâng cấp và mở rộng cảng Thuận An, Chân Mây; đầu tư đường sắt tốc độ cao. Đặc biệt, sân bay quốc tế Phú Bài phải kết nối được các đường bay quốc tế Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... và điều này lãnh đạo tỉnh cần xúc tiến sớm nhất, phải trực tiếp đi các thị trường để mở chuyến bay quốc tế.
Ngoài ra, để tạo động lực cho phát triển, tỉnh cần mời gọi những nhà đầu tư lớn có uy tín, có hệ sinh thái... Khi có những con "sếu đầu đàn" của từng lĩnh vực sẽ tạo sự lan tỏa, hấp dẫn, dẫn dắt nền kinh tế năng động và phát triển.
Bình luận (0)